ClockThứ Hai, 01/08/2022 05:48

Tự tin trong thanh toán không dùng tiền mặt - Bài 1: Cú hích từ thói quen tiêu dùng

TTH - Qua hơn 2 năm triển khai đề án “Thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”, các chỉ tiêu mà đề án đặt ra đã gần như chạm đích khi nhiều tiêu chí đã và đang đạt kết quả khả quan.

Thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam tăng 69,7% về số lượngThanh toán không dùng tiền mặt đạt 20-25%/nămThanh toán không dùng tiền mặt: Giải pháp giảm tải ATM

Không thể phủ nhận đại dịch COVID-19 đã tạo nên những chuyển biến rất lớn trong thói quen tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp (DN). Nhiều hoạt động vốn được giao dịch bằng tiền mặt trực tiếp thì nay đã chuyển sang thanh toán trực tuyến.

Các máy CDM giúp người dân nộp, chuyển khoản tiền một cách dễ dàng qua ATM

Xa dần thời “tiền trao cháo múc”

Thay vì “tiền trao cháo múc” như trước đây, người dân dần hình thành nên thói quen “trao thẻ” hay đơn giản thực hiện giao dịch trên điện thoại mà không cần tiền trao.

Vốn là một người khá mù mờ công nghệ, tuy nhiên sau thời gian bùng phát dịch, chị Trịnh Thị Thúy Hiền, TP. Huế bắt đầu tập tành mua hàng trên mạng để hạn chế đi chợ, siêu thị nhằm giảm tiếp xúc. Chính thói quen mua sắm này giúp chị tiếp cận với hình thức thanh toán trực tuyến của ngân hàng.

Theo chị Hiền, việc mua hàng và thanh toán trực tuyến khi sử dụng quen sẽ thấy rất thuận lợi, nhất là khi mua hàng trên các sàn thương mại điện tử hoặc mua hàng bằng thẻ tín dụng. Đơn cử, nếu sử dụng thẻ tín dụng, mình có thể chi tiêu trong hạn mức cho phép và chỉ cần thanh toán lại cho ngân hàng sau khoảng 45 ngày chứ không cần phải có sẵn tiền trong thẻ ATM thông thường.

Không chỉ người trẻ, nhiều người lớn tuổi cũng bắt đầu “bén duyên” với thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) vì sự tiện, lợi mà loại hình thanh toán này mang lại. Ông Phạm Hồng Tư, phường Hương Văn, thị xã Hương Trà là một điển hình khi đã ngoài 65 tuổi nhưng thực hiện các thao tác trên mobile banking vẫn rất “sành điệu”.

Theo ông Tư, “vì có thời gian hoạt động trong lĩnh vực tín dụng chính sách với vai trò tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn nên hàng tháng tôi đều phải đi thu tiền gốc, lãi từ các hộ vay. Bình thường thì không sao, nhưng cứ đến mùa mưa bão, rồi thời điểm dịch bệnh như thời gian trước việc thu tiền hàng tháng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên hơn 1 năm trở lại đây, thay vì việc cứ hàng tháng phải đến từng nhà các hội viên thu tiền gốc lãi hay các khoản tiết kiệm thì nhiều hội viên đã chủ động chuyển khoản khi đến ngày giao dịch bằng ví mobile hay ngân hàng điện tử. Điều này không chỉ giảm thiểu thời gian trong quá trình hoạt động mà còn giúp hội viên chủ động trong thu chi.”

Tỷ lệ thanh toán qua ngân hàng tăng trưởng mạnh

Doanh nghiệp 4.0

Không chỉ riêng người tiêu dùng, ghi nhận tại các điểm bán lẻ cũng cho thấy xu hướng TTKDTM có một bước tiến, khi hầu hết các cơ sở kinh doanh đều có sự đầu tư hệ thống máy POS, thanh toán qua mã QR, dịch vụ chuyển khoản.

Chủ cửa hàng thời trang GB trên đường Phan Bội Châu bộc bạch, khách hàng bữa nay không còn thích cầm nhiều tiền trong túi. Nhiều khách hàng đến mua hàng đều có chung câu hỏi “quẹt thẻ chứ”, “chuyển khoản nghe” vì không thích mang theo nhiều tiền khi đi lại. Vì thế, cửa hàng đầu tư hệ thống máy POS, mã QR và luôn tiếp nhận thanh toán qua hình thức chuyển khoản tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng.

Nhiều cơ sở kinh doanh, DN còn lựa chọn hình thức chi lương trực tuyến qua các tổ chức tín dụng để giảm thiểu những rủi ro trong khâu kiểm đếm tiền, những vấn đề liên quan đến chất lượng nhân sự và tiết kiệm thời gian đến giao dịch tại ngân hàng.

Bà Lê Thị Thúy, Kế toán trưởng Công ty CP Đầu tư dệt may Thiên An Phú thông tin, chỉ cần một vài thao tác đặt lệnh đơn giản trên hệ thống Internet Banking thay vì tới quầy giao dịch, chúng tôi có thể trả lương cho người lao động. Chưa kể những ngày nghỉ, lễ, DN vẫn có thể thực hiện nghĩa vụ của DN với người lao động. Ngoài ra, chi lương trực tuyến còn là một giải pháp vô cùng an toàn và hiệu quả, tránh tối đa nguy cơ tiếp xúc, lây lan dịch bệnh.

Nói đến tiện ích của hoạt động TTKDTM, ông Châu Khắc Thái, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Thừa Thiên Huế chia sẻ, hoạt động TTKDTM ngày càng chiếm ưu thế vì những ưu điểm như: tiện lợi, độ an toàn cao, tiết kiệm chi phí thời gian, công sức. Hiện, tất cả các ngân hàng đều có ứng dụng ngân hàng điện tử để khách hàng có thể truy cập và theo dõi các khoản thu chi bất cứ lúc nào. TTKDTM cũng nhanh hơn, chính xác hơn so với việc sử dụng tiền mặt trong việc kiểm, đếm; phía cơ quan quản lý Nhà nước không phát sinh thêm chi phí in ấn; khách hàng có thể tận dụng được các chương trình khuyến mãi, tích điểm… trong thanh toán nên có thể nói là lợi đôi đường.

Đến nay, tổng số DN TTKDTM trên địa bàn chiếm 74,9% trong tổng số DN có tài khoản mở tại ngân hàng. Các thiết bị chấp nhận thẻ POS, ứng dụng mã QR Code được lắp đặt tại 9 trung tâm hành chính công của tỉnh, 9 bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh và 17 trường học trên địa bàn; ATM được lắp đặt tại Kho bạc Nhà nước của tỉnh, 13 bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh và 9 trường học trên địa bàn. Tổng số lượng giao dịch ATM, POS trên địa bàn tỉnh đạt 26.409 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2020. Tổng số lượng giao dịch qua kênh điện tử trên địa bàn tỉnh đạt 113.155 tỷ đồng, trong đó, qua kênh Mobile Banking đạt 59.877 tỷ đồng, tăng 149% so với năm 2020; qua kênh Internet Banking đạt 53.278 tỷ đồng, tăng 90% so với năm 2020.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: HOÀNG LOAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp

A Lưới chủ động lồng ghép các nguồn lực từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp từng bước theo hướng toàn diện, góp phần nâng cao đời sống của người dân và góp phần giảm nghèo bền vững.

A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp
Nòng cốt trong chuyển đổi số

Với phương châm “Chuyển đổi số (CĐS) phải bắt đầu từ trong chính tổ chức Đoàn, từ đó lan tỏa đến đoàn viên thanh niên và xã hội”, tuổi trẻ Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều phong trào, hoạt động nhằm thúc đẩy CĐS một cách hiệu quả và thiết thực.

Nòng cốt trong chuyển đổi số

TIN MỚI

Return to top