ClockThứ Tư, 21/06/2023 05:55

Tuyến phố “không tiền mặt” ở trung tâm thành phố Huế

TTH - Tuyến phố thanh toán không tiền mặt (TTKTM) qua nền tảng Hue-S vừa ra mắt tại phố đi bộ Hai Bà Trưng hứa hẹn mang tới trải nghiệm mua sắm thú vị cho người dân và du khách.

Ra mắt Tuyến phố thanh toán không tiền mặt qua nền tảng Hue-S

leftcenterrightdel
 Mỗi cửa hàng đều dán mã QR cho phép người dân quét mã thanh toán

Hướng đến tuyến phố kiểu mẫu

Khai trương từ 26/3, Hai Bà Trưng là tuyến phố đi bộ hiện đại, sầm uất, sở hữu đa khu vực thương mại, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân và du khách. Với tiềm năng sẽ tạo nên nguồn lực phát triển cho cộng đồng dân cư, góp phần cho sự phát triển chung về KT-XH của thành phố.

Để chuẩn bị cho Hai Bà Trưng trở thành tuyến phố TTKTM qua nền tảng Hue-S, từ tháng 5/2023, UBND TP. Huế cùng Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh - IOC và Công ty FPT Telecom đã triển khai quảng bá truyền thông, tập huấn, hỗ trợ các tiểu thương trên địa bàn kết nối thanh toán bằng Hue-S. Hướng đến mục tiêu biến đường Hai Bà Trưng trở thành tuyến phố kiểu mẫu không chỉ tại địa phương mà còn là toàn quốc. Phố đi bộ Hai Bà Trưng là nơi thí điểm thứ 2 (sau chợ Đông Ba) được địa phương thuyết phục các bà con thay đổi thói quen thanh toán, chuyển từ hình thức thanh toán truyền thống sang sử dụng Ví điện tử trên ứng dụng Hue-S quen thuộc.

Theo đó, tại mỗi cửa hàng đều dán mã QR cho phép người dân quét mã thanh toán hàng hóa dịch vụ bằng ứng dụng đô thị thông minh Hue-S có liên kết tài khoản Ví điện tử, hoặc với thẻ ATM của 40 ngân hàng trong nước, thẻ quốc tế của 4 tổ chức Visa, MasterCard, JCB và American Express. Đến nay, mô hình “Tuyến phố không dùng tiền mặt qua nền tảng Hue-S” đã và đang được các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại phố đi bộ Hai Bà Trưng tích cực quan tâm và ủng hộ. Đã có 105 cửa hàng chấp nhận thanh toán với Hue-S, tương đương 80% các tiểu thương kinh doanh trên tuyến phố.

Chị Hoàng Hà, kinh doanh ở phố đi bộ Hai Bà Trưng bày tỏ: “Chúng tôi đã khuyến khích khách hàng thanh toán bằng Ví điện tử khi mua sắm hay sử dụng dịch vụ tại quầy hàng. Từ khi triển khai cho tới nay, tôi thấy cửa hàng vừa dễ dàng quản lý được nguồn tiền ra vào, đồng thời khách hàng cũng có thể thanh toán một cách nhanh chóng mà không cần mang theo tiền mặt”.

Phát triển kinh tế số, xã hội số

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, thanh toán không tiền mặt là một nét văn hóa tiêu dùng trong xu thế mới. Từ mô hình này sẽ làm tiền đề để nhân rộng, triển khai ở các khu phố khác nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung.

Phường Vĩnh Ninh đặt mục tiêu 100% cửa hàng trên phố Hai Bà Trưng chấp nhận thanh toán với Hue-S và duy trì hoạt động này thường xuyên, nhằm trở thành hình mẫu trên địa bàn TP. Huế, hưởng ứng lời kêu gọi của UBND tỉnh về thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán số, phát triển kinh tế số.

Từ năm 2022, tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch thúc đẩy TTKTM: Kế hoạch số 164 về triển khai Đề án thúc đẩy hoạt động TTKTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025; Công văn số 10587 về việc triển khai giải pháp thúc đẩy TTKTM; Công văn số 12418 về việc triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Hiện, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị các đơn vị tiếp tục nghiên cứu, áp dụng chương trình ưu đãi về phí dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán đối với khách hàng, trong đó ưu tiên thực hiện miễn phí duy trì tài khoản, phí rút tiền mặt đối với các khách hàng thuộc nhóm đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, trước mắt áp dụng tại địa bàn tỉnh Bình Dương và Thừa Thiên Huế.

Phó Chủ tịch UBND TP. Huế Trương Đình Hạnh thông tin: Bước đầu, mô hình đã tạo được hiệu ứng tích cực, được nhiều hộ kinh doanh và người dân ủng hộ. “TP. Huế kỳ vọng việc mua sắm hàng hóa ứng dụng công nghệ số sẽ thu hút đông đảo người dân, các chủ cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ hưởng ứng dịch vụ này. “Khi đó Huế không chỉ có 1 ngày, 1 tuyến phố TTKTM mà xu hướng này sẽ lan rộng ra toàn tỉnh và xuyên suốt cả năm. Bất cứ ngày nào người dân cũng có thể sử dụng Ví điện tử để mua sắm, thanh toán cho các dịch vụ, sản phẩm và tiện ích thiết yếu”, ông Hạnh nói.

Đồng hành cùng tỉnh Thừa Thiên Huế trong khuôn khổ hợp tác chuyển đổi số của Tập đoàn FPT với địa phương, FPT Telecom đã không chỉ “may đo” những sản phẩm đột phá cho tỉnh, mà đã và đang thực hiện các chính sách miễn phí và ưu đãi đặc biệt cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức cung ứng dịch vụ công, dịch vụ tiện ích nơi đây.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Việt Anh khẳng định: Huế đang là đơn vị tiên phong trên toàn quốc trong việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Trong thời gian tới, chúng tôi cam kết đồng hành quyết liệt hơn nữa cùng với tỉnh trong việc thúc đẩy mạnh mẽ triển khai TTKTM trên địa bàn, đồng thời liên tục nâng cấp hoàn thiện tính năng của sản phẩm, làm sao có thêm nhiều điểm thanh toán, thêm nhiều người sử dụng ứng dụng.

Ra mắt từ tháng 10/2022, Ví điện tử trên Hue-S là giải pháp thanh toán số liền mạch cho phép người dân chỉ với ứng dụng đô thị thông minh đang sử dụng lâu nay có thể thanh toán các dịch vụ tiện ích kết nối với Hue-S như dịch vụ công, học phí, nước, vệ sinh môi trường và các dịch vụ ngoài app như viện phí, thanh toán với mã QR tại hơn 200.000 cửa hàng trên toàn quốc… Đến nay đã có hơn 35.000 tài khoản và hơn 600 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn tỉnh.
Bài, ảnh: LIÊN MINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều kỳ vọng vào Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế

Dự án Aeon Mall Huế - Trung tâm thương mại thứ 7 của Tập đoàn Aeon Mall tại Việt Nam và là trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp có quy mô lớn nhất miền Trung dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động từ tháng 9/2024 sẽ mang đến những tác động tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế.

Nhiều kỳ vọng vào Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế

TIN MỚI

Return to top