Bể chứa nước phòng cháy, chữa cháy rừng ở TP. Huế
Chủ động ngăn chặn từ đầu
Mấy ngày nay, Hạt Kiểm lâm (HKL) TP. Huế triển khai lực lượng tuần tra, giám sát trên những cánh rừng thông cảnh quan, đặc dụng trên địa bàn được xác định có nguy cơ dễ cháy. Nước được vận chuyển, đổ đầy các bể chứa tại những điểm nóng như các khu vực núi Tam Thai, núi Ngự Bình, Động Tranh, Động Bồng, Khe Kẹm, núi Thiên Thai... Các trang thiết bị, đường ống dẫn nước cũng được kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa sẵn sàng ứng phó khi có sự cố "giặc lửa".
Hạt trưởng HKL TP. Huế, ông Lê Nhân Đức thông tin, mấy ngày qua, lực lượng kiểm lâm phát hiện một số trường hợp đốt nhang, vàng mã tại các khu vực lăng mộ, nghĩa trang và được lực lượng tuần tra, giám sát nhắc nhở. HKL cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền người dân hạn chế ra vào rừng, hoặc chỉ được vào rừng khi cần thiết và phải chấp hành quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững TX. Hương Thủy, ngay từ đầu mùa nắng nóng, ngành lâm nghiệp và các đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp PCCCR. Trong đó tích cực triển khai phương châm "phòng là chính" với các nhiệm vụ tuần tra, giám sát hiện trường để xử lý những nguy cơ, dấu hiệu xảy ra cháy khi mới manh nha. Đơn vị huy động lực lượng thu gom cành, lá khô, vệ sinh rừng và mua sắm thêm một số trang thiết bị cần thiết; đồng thời kiến nghị các cấp, ngành đầu tư thiết bị bay flycam để quan sát, thu thập toàn bộ hình ảnh đám cháy truyền về sở chỉ huy có biện pháp tổ chức lực lượng, thiết bị ứng phó kịp thời...
TP. Huế xây dựng bể chứa nước phòng cháy, chữa cháy rừng
Khắc phục những hạn chế
Nguy cơ cháy rừng đang diễn biến phức tạp, nhưng theo ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, về phương tiện chữa cháy hiện nay chưa thật phù hợp với điều kiện địa hình có độ dốc lớn, không có đường đi lại để vận chuyển nước nên lâu nay chưa thể áp dụng được biện pháp chữa cháy bằng máy phun nước khu vực cháy lớn, sâu trong rừng mà chủ yếu sử dụng biện pháp dùng máy thổi gió và bàn đập thủ công.
Từ các vụ cháy lớn năm trước, Ban Chỉ đạo Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững TX. Hương Thủy đúc rút kinh nghiệm, bài học lớn cho công tác PCCCR trên địa bàn thị xã cũng như toàn tỉnh. Trong điều kiện chưa thể trang bị kịp thời máy flycam, các ban ngành, đơn vị chủ rừng sẽ chọn vị trí đồi cao thích hợp cho chỉ huy để quan sát và chỉ huy triển khai lực lượng, thiết bị chữa cháy. Từ đầu năm nay, lực lượng chữa cháy ở Hương Thủy tổ chức rà soát, nắm rõ các tuyến đường ra, vào khu rừng, xác định các vị trí lấy nước gần nhất để kịp thời ứng phó, chữa cháy. Các thiết bị chiếu sáng cần thiết, đèn pin cũng như lực lượng được trang bị, chuẩn bị sẵn sàng ứng cứu khi rừng có nguy cơ cháy kéo dài, vào đêm tối.
Ông Lê Ngọc Tuấn thông tin, ngay từ đầu mùa nắng nóng, lực lượng kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng triển khai trực chiến, chuẩn bị các phương tiện kỹ thuật cơ động ứng cứu khi xảy ra cháy rừng. Chi cục Kiểm lâm lập kế hoạch kiểm tra, giám sát triển khai phương án PCCCR tại các địa phương, chủ rừng và phối hợp với lực lượng cảnh sát PCCC - cứu nạn, cứu hộ, các đơn vị liên quan để triển khai các phương án PCCCR hiệu quả, kịp thời.
Một trong những hoạt động can thiệp có hiệu quả là việc xử lý thực bì, vốn là nguyên nhân chủ yếu gây cháy rừng được cơ quan kiểm lâm và chính quyền địa phương quan tâm. Trong những ngày cấp dự báo cháy từ cấp IV trở lên không cho phép xử lý đốt thực bì, các cấp cháy thấp hơn khi đốt thực bì đều có phương án ngăn ngừa cháy lan.
Hiện nay, ngành lâm nghiệp cùng với các địa phương tiếp tục khảo sát, nghiên cứu đầu tư, xây dựng các điểm dự trữ nước ở các vùng xung yếu xa hồ đập, khe suối, sông ngòi tự nhiên. Một số khu vực không thể xây dựng các điểm dự trữ nước tự nhiên sẽ đầu tư các xe bồn chứa nước để chủ động dập tắt đám cháy ngay khi mới phát hiện...
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, khi nhận tin báo cháy, các lực lượng chỉ tập trung chữa cháy, chưa có sự phân công cụ thể dẫn đến công tác ghi nhận hiện trường ban đầu như ghi hình, lấy lời khai các nhân chứng có mặt trong vùng xảy ra cháy rừng để điều tra, xác định nguyên nhân và thủ phạm gây cháy nên công tác điều tra gặp nhiều khó khăn. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vụ cháy rừng không xác định thủ phạm và điều tra kéo dài.
Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU