ClockThứ Tư, 02/12/2015 15:12

Ứng phó khô hạn cho sản xuất nông nghiệp

TTH - Không có lũ nên các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đến thời điểm này không thể tích đầy nước. Dự báo năm 2016, trên địa bàn tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Ứng phó với tình hình khô hạn đang được các ban ngành tích cực triển khai.

Mực nước hồ thủy lợi Thọ Sơn còn thấp

Mấy năm gần đây, hiện tượng Elnino đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất nông nghiệp. Lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm, lũ ít, thậm chí có năm không có lũ, nắng hạn lại kéo dài khiến nhiều loại cây trồng bị thiếu nước gây ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Nhiều vùng đất trước đây trồng lúa được hai vụ, thì nay chỉ sản xuất được một vụ vì thiếu nước, khô hạn. Tình trạng nhiễm mặn, chua phèn thường xuyên xảy ra tại nhiều vùng trồng lúa, rau màu ở vùng cát ven biển, đầm phá…

Những năm trước, đến thời điểm này, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đã tích đầy nước, thậm chí phải xả tràn. Nhưng năm nay, các hồ chứa mới tích nước khoảng 50% so với dung tích, cao trình thiết kế, đồng nghĩa với việc chỉ cung ứng khoảng 50% nhu cầu nước phục vụ sản xuất. Thông tin từ Công ty TNHH Nhà nước MTV Quản lý - Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho hay: Đến thời điểm này, mực nước tại hồ Thọ Sơn chỉ đạt khoảng 50%, hồ Khe Ngang 71%, hồ Phú Bài 59%, hồ Truồi 62%, hồ Tả Trạch 50%....
Với mực nước hiện tại, theo dự tính có đến hàng ngàn ha lúa có nguy cơ bỏ hoang. Nếu gặp hạn nặng, kéo dài thì diện tích bị thiếu nước có thể đến 5.000-7.000 ha, tập trung ở các huyện miền núi, vùng gò đồi, vùng cát ven biển, đầm phá… Xác định tình hình thời tiết, nắng hạn sẽ diễn biến phức tạp nên tỉnh đã sớm chỉ đạo các cơ quan, ban ngành triển khai các phương án phòng chống hạn; Yêu cầu các địa phương tập trung rà soát diện tích có nguy cơ khô hạn, thiếu nước, đánh giá mức độ khô hạn để ứng phó kịp thời bằng các biện pháp công trình, kết hợp phi công trình.
Ông Đỗ Văn Đính, Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước MTV Quản lý - Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho rằng, với các biện pháp phi công trình, các địa phương cần chỉ đạo người dân đổ ải, làm đất, gieo trồng đúng khung lịch thời vụ nhằm hạn chế tối đa tổn thất nguồn nước. Các vùng thường bị hạn ở huyện miền núi Nam Đông, A Lưới, vùng gò đồi các huyện Phú Lộc, Phong Điền, TX Hương Trà, TX Hương Thủy và các vùng cát ven phá… cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý. Theo đó, nên chuyển các diện tích trồng lúa sang trồng các loại rau màu, khoai, sắn, đậu lạc, dưa… Các chủ hồ đập, chính quyền địa phương, chủ các công trình trạm bơm, thủy lợi cần có có kế hoạch phân phối nước hợp lý; tuyên truyền, vận động người dân, các đơn vị sử dụng tiết kiệm nước. Các địa phương, hợp tác xã nông nghiệp tăng cường kiểm tra, giám sát, có biện pháp chống rò rỉ nước gây thất thoát, chống xâm nhập mặn vào nội đồng…
Với giải pháp công trình, các địa phương, ban ngành hướng dẫn, vận động người dân chủ động nạo vét hệ thống kênh mương, thủy lợi, khơi thông dòng chảy, vớt bèo đảm bảo phục vụ việc tải nước vào đồng ruộng. Các vùng cát ven biển từ xã Điền Hương (Phong Điền) đến các địa phương phía nam của tỉnh cần nạo vét, đào sâu các ao hồ nhằm tạo nguồn nước phục vụ sản xuất. Hệ thống trạm bơm điện, bơm dầu phải được duy tu, bảo dưỡng, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khi nắng hạn xảy ra. Các hồ nước tự chảy đảm bảo các thiết bị, máy móc để chuyển sang máy bơm điện, bơm dầu đưa nước vào đồng ruộng...
Hồ chứa Tả Trạch và các nhà máy thủy điện cũng đã đưa ra một số biện pháp, thực hành tiết kiệm nước, đảm bảo hài hòa giữa thủy điện, thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chống hạn.
Bài, ảnh: Hoàng Triều
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi

Nhằm hạn chế thiệt hại về gia súc trong mùa mưa rét năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã yêu cầu các địa phương chú trọng các biện pháp phòng rét cho vật nuôi.

Chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi
Return to top