|
Thủy điện điều tiết lũ tăng nguy cơ sạt lở vùng hạ du |
Nằm ở hạ lưu 2 thủy điện A Lưới, Sông Bồ, xã Hồng Hạ (A Lưới) luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt trượt bờ sông, sạt lở núi mỗi khi có mưa lớn, các thủy điện xả tràn, điều tiết lũ. Tại thủy điện Sông Bồ (Công ty CP Thủy điện Sông Bồ), ghi nhận của PV cho thấy khu vực hạ lưu thuộc thôn A Ron, xã Hồng Hạ xuất hiện một số điểm sạt lở phía hai bên bờ sông, nguy cơ ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp, sản xuất của người dân.
Ông Hồ Viết Lương - Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ cho biết, trên địa bàn có 2 thủy điện A Lưới và Sông Bồ, trong đó thủy điện A Lưới cách xa khu dân cư hơn 10km, thủy điện Sông Bồ có diện tích lòng hồ nằm trên địa bàn xã nên việc điều tiết lũ nguy cơ gây sạt trượt cao. Khi tiến hành chạy máy, xả lũ các thủy điện đều bật còi hú nhưng chỉ nghe trong khu vực nhà máy thôi, ngoài dân cư không thể nghe tới. Tuy nhiên nhà máy vẫn thông tin cho lãnh đạo xã bằng phương tiện liên lạc qua zalo và gửi văn bản đến huyện A Lưới.
Mới đây, Sở Công thương đã có báo cáo kết quả kiểm tra công tác quản lý vận hành, an toàn điện, quản lý công tác ứng phó thiên tai tại 12 nhà máy thủy điện đang vận hành trên địa bàn tỉnh năm 2023. Theo đó, Sở Công thương yêu cầu, đối với nhà máy Thủy điện A Lưới (Công ty CP thủy điện miền Trung), phải thực hiện cảnh báo cho hạ du khi phát điện, tăng giảm lưu lượng và xả lũ về hạ du bằng còi hụ và cắm biển cảnh báo.
Đồng thời nhà máy sớm làm việc cụ thể với chính quyền địa phương (cụ thể là UBND xã Hồng Hạ, Quảng Nhâm, huyện A Lưới và các trưởng thôn, bản có liên quan) để thông tin, tuyên truyền, thống nhất về vị trí cảnh báo, hình thức, phương thức cảnh báo theo quy định của Thông tư số 9/2019/TTBCT của Bộ Công thương để đưa vào quy chế phối hợp năm 2023, thực hiện cảnh báo cho người dân phía hạ du, đảm bảo an toàn.
Cũng tại thủy điện A Lưới, quá trình kiểm tra cho thấy tuyến năng lượng, công trình đầu mối, nhà máy, đường quản lý vận hành công trình dài, với độ dốc lớn, khu vực công trình trải dài trên nhiều địa hình, nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão lớn, công ty phải thường xuyên rà soát các ngầm tràn, khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt trên phạm vi công trình để có phương án cụ thể gia cố kịp thời. Tiếp tục theo dõi, quan trắc, mái taluy dương sau nhà ở vận hành khu vực đập, khu vực nhà máy, taluy dương mái đào sau nhà máy, đường vào đập..., để có phương án di chuyển các cán bộ, công nhân viên đến nơi an toàn.
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, thời gian qua do mưa với cường độ lớn, kéo dài nên có khả năng gây ra sạt lở, trượt lở đất ở vùng đồi núi và ven các sông suối nhỏ ở các huyện A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Trà. Ngay từ đầu vụ mưa lũ, để đảm bảo an toàn các hồ chứa, đơn vị đã đưa ra cảnh báo các vị trí có nguy cơ lũ quét, lũ ống, trượt lở đất đá vùng đồi núi, sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh.
Ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh thông tin, ban chỉ huy yêu cầu các chủ đập, đơn vị quản lý khai thác, các chủ đầu tư công trình thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh chú ý kiểm tra, phát hiện các điểm nguy cơ sạt lở ven hồ, thượng và hạ lưu công trình đầu mối; kho bãi, lán trại của công nhân vận hành đối với công trình đang thi công.
Kiểm tra tình hình trượt lở ven hồ phía thượng lưu đập dâng, đập tràn đề phòng đất đá sạt lở mạnh gây sóng lũ và nước hồ dâng đột ngột tràn qua đập gây sự cố công trình. Đề phòng hiện tượng sạt lở sườn đồi bờ sông phía hạ lưu đập dâng, đập tràn làm hạn chế thoát lũ và đe dọa đến vận hành an toàn công trình.
Trong thời điểm mưa lũ, yêu cầu chủ đầu tư các công trình đang thi công, nhất là công trình thủy lợi, thủy điện phải có phương án bảo vệ an toàn tuyệt đối cho cán bộ, nhân viên, người lao động, rút toàn bộ công nhân khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đất. Bố trí biển cảnh báo hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đi qua khu vực hiện trường thi công dang dở.
|
Công ty CP Thủy điện Sông Bồ đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng khảo sát, có kế hoạch đầu tư, lắp đặt bổ sung sóng thông tin di động nhằm phục vụ tốt hơn công tác ứng phó thiên tai cho công trình và nhu cầu sử dụng ngày càng cao của nhà máy, người dân khu vực. Vị trí công trình nhà máy thuộc vùng sâu, vùng xa, để chủ động công tác ứng phó thiên tai đề nghị các sở, ban ngành có thông tin diễn biến thời tiết cực đoan, thông tin nhanh cho công ty nhằm sớm cập nhật, để có biện pháp ứng phó kịp thời. |