ClockThứ Ba, 17/10/2023 06:47

Ứng phó vùng áp thấp gây mưa lớn

TTH - Trong khi một số khu vực đồng bằng, vùng thấp trũng nước vừa rút thì dự báo, trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục hứng chịu những trận mưa lớn, biển động mạnh do ảnh hưởng vùng áp thấp. Hồ đập bắt đầu điều tiết nước, các địa phương đang “căng mình” tổ chức ứng phó.

Chủ động ứng phó áp thấp gây mưa lớnKhắc phục sạt lở, ổn định cuộc sống

 Xử lý sạt lở bờ biển. Ảnh: BCHPCLB tỉnh

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, trong ngày và đêm 16/10 trên vùng biển của tỉnh có gió giật mạnh cấp 6-7, sóng cao từ 1,5-3m, biển động. Trên đất liền từ ngày 16 đến 18/10 có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm.

Nhiều ngày nay, người dân ở Phú Thuận (Phú Vang) phải luôn “túc trực” bên hệ thống máy bơm thoát lũ, bởi mưa lớn luôn thường trực. Thỉnh thoảng, lực lượng cán bộ xã, thôn ở Phú Thuận cũng ghé qua, kiểm tra, hỏi thăm bà con về công tác chuẩn bị ứng phó mưa lũ cho đợt tới.

Đợt mưa trước, giàn máy bơm hoạt động hết công suất đã cứu hàng trăm hộ dân ở các thôn An Dương 1, An Dương 2, An Dương 3 khỏi cảnh ngập lụt nhà cửa. Đặc thù khu dân cư ở Phú Thuận các thôn nằm san sát nhau, xây dựng trên các đồi cát. Mật độ dân cư đông đúc, xây dựng nhiều công trình, mỗi lần mưa, nước từ các kiệt ven Quốc lộ 49, các đường xã, thôn, xóm đổ về phía dưới khu dân cư với lưu lượng lớn, gây ngập úng cục bộ, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân.

Ba thôn An Dương 1, An Dương 2, An Dương 3 với khoảng gần 1.000 hộ dân. Trong đó, có 300 hộ bị ảnh hưởng thường trực cảnh ngập lụt do mưa lớn. Ý tưởng mua sắm máy bơm “xã hội hóa 100%” được người dân ủng hộ. Năm 2016, sau khi gom góp đủ tiền, người dân đã đầu mua 6 máy bơm điện và bơm dầu, công suất bình quân 1.000CV/máy cùng hệ thống ống đầu nối với tổng kinh phí khoảng 1 tỷ đồng, để bơm động lực giúp thoát lũ nhanh ở các thôn.

Các địa phương vùng biển cơ bản hoàn thành việc kêu gọi tàu thuyền ứng phó ảnh hưởng của vùng áp thấp 

Ông Nguyễn Hoài Thu, Bí thư Chi bộ thôn An Dương 2 cho biết, toàn thôn có 200 hộ dân, trong đó có 20 hộ luôn ảnh hưởng thường trực bởi ngập lụt, nước ứ đọng thoát không kịp. Đặc thù người dân vùng biển, mỗi khi mưa bão phải di dời đến nơi an toàn, cộng thêm lũ lụt nữa nên đời sống bà con rất chật vật. Để ứng phó mưa lũ, người dân đã đồng tình ủng hộ đóng góp mua 2 máy bơm dầu, bơm điện cùng hệ thống ống với tổng kinh phí 180 triệu đồng. Bình quân mỗi ngày đêm bơm chống ngập kinh phí khoảng 2,5 triệu đồng tiền dầu. Từ khi đưa vào hoạt động trong những mùa mưa lũ vừa qua, đã giảm ngập cho khu dân cư, bảo vệ tài sản, tính mạng cho người dân, giúp công tác ứng phó thiên tai hiệu quả hơn.

Theo UBND xã Phú Thuận, trong điều kiện kinh phí đầu tư còn khó khăn thì việc xã hội hóa 100% việc mua máy bơm động lực chống ngập úng trong khu dân cư là một cách làm hay. Ngoài nguồn đóng góp của Nhân dân trên địa bàn để mua máy, trả chi phí tiền dầu, xã cũng có hỗ trợ một phần và đề xuất UBND huyện sử dụng nguồn kinh phí phòng, chống thiên tai để hỗ trợ cho người dân kinh phí mua nhiên liệu, bảo dưỡng máy móc…

Ông Đào Quang Hưng, Chủ tịch UBND phường Thuận An (TP. Huế) cho biết, do ảnh hưởng của đợt mưa lớn và áp thấp nhiệt đới đợt trước nên đến nay, các tàu thuyền ở địa phương đã về nơi tránh, trú an toàn. Ảnh hưởng vùng áp thấp đợt này với dự báo vùng biển tỉnh có sóng to, gió lớn nên công tác kêu gọi tàu thuyền, địa phương luôn chú trọng và triển khai sớm. Toàn phường có 246 phương tiện tàu thuyền với khoảng 3.000 lao động, hiện nay việc tránh trú chủ yếu ở các âu thuyền nhỏ, cảng Thuận An, các tàu lớn người dân chủ động đưa về âu thuyền Phú Hải neo đậu an toàn.

Với dự báo lượng mưa lớn trong những ngày tới, đặc biệt tại khu vực Khe Tre (Nam Đông) có lượng mưa từ 130-200mm, trưa ngày 16/10, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã có lệnh điều tiết hồ chứa đối với hồ Tả Trạch (Hương Thủy). Theo đó, yêu cầu Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 5 vận hành điều tiết hồ chứa nước Tả Trạch qua tràn xả sâu và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 180 - 280m3/s. Điều chỉnh vận hành tùy theo tình hình lưu lượng thực tế đến hồ. Thời gian bắt đầu tăng dần lưu lượng vào lúc 15 giờ cùng ngày.

Theo báo cáo của Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 5, mực nước hồ chứa nước Tả Trạch lúc 8 giờ ngày 16/10 ở mức +37,31m, lưu lượng đến hồ 313m3/s, lưu lượng về hạ du 80m3/s. Mực nước trên sông Hương tại trạm thủy văn Kim Long ở mức +0,68m. Việc điều tiết hồ Tả Trạch nhằm “đón” lượng mưa lớn trong những ngày tới, tăng dung tích phòng lũ bảo vệ vùng hạ du.

Để chủ động ứng phó vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp gây mưa lớn, biển động, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã có công điện gửi các địa phương, chủ hồ đập trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vi chủ hồ đập phân công lãnh đạo xuống các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở. Rà soát, kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông, ven phá, khu dân cư có nguy cơ bị ảnh hưởng của gió mạnh, sóng lớn, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập lụt. Triển khai phương án ứng phó mưa lũ tại cấp xã theo phương châm “4 tại chỗ”.

Sở GTVT kiểm tra chỉ đạo các nhà thầu thi công có phương án đảm bảo an toàn cho các công trình đang thi công, như cầu Nguyễn Hoàng, cầu cửa Thuận An, đê chắn sóng cảng Chân Mây…, triển khai phương án chống va, trôi tàu thuyền, sà lan đang thi công ảnh hưởng đến an toàn các công trình cầu đường bộ, đường sắt xung yếu trên địa bàn tỉnh.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế, hướng dẫn bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển và tại nơi neo đậu, tránh trú (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch). Các chủ đập thủy lợi, thủy điện triển khai các nội dung phương án ứng phó thiên tai và phương án ứng phó tình huống khẩn cấp, đảm bảo an toàn công trình và khu vực hạ du.


Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây kè ứng phó sạt lở bờ biển

Tình trạng sạt lở bờ biển diễn biến phức tạp ở một số địa phương ngay giữa mùa khô. Nguồn vốn tiếp tục được "rót" để xây kè, xử lý khẩn cấp các đoạn bờ xung yếu ở các địa phương.

Xây kè ứng phó sạt lở bờ biển
Phát triển cẩm nang toàn cầu giúp ứng phó tình trạng nhiệt độ tăng

Các thành phố trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng nhiệt độ cao không ngừng, phá vỡ nhiều kỷ lục trong năm nay. Những tháng gần đây, các đợt sóng nhiệt đã buộc nhiều trường học từ New Delhi cho đến Manila phải đóng cửa; và những tác động sẽ trở nên tồi tệ hơn khi nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng.

Phát triển cẩm nang toàn cầu giúp ứng phó tình trạng nhiệt độ tăng
Ứng phó với cháy nổ luôn là vấn đề đặt ra

Những ngày gần đây, tại TP. Hà Nội đã xảy ra các vụ cháy khu chung cư mi ni, nhà trọ gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Từ những vụ cháy này, nhiều người dân bày tỏ sự quan ngại khi trên địa bàn tỉnh hiện có không ít khu nhà trọ, chung cư mi ni, ký túc xá… có một lượng người dân, học sinh, sinh viên thuê trọ sinh sống và học tập. Ứng phó với cháy nổ luôn là vấn đề đặt ra đối với ngành chức năng và người dân.

Ứng phó với cháy nổ luôn là vấn đề đặt ra
Ứng phó dịch bệnh gia súc, gia cầm lây sang người

Trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, các mầm bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) còn tồn tại, tiềm ẩn trong môi trường thì các loại dịch bệnh có thể tái bùng phát và lây sang người bất cứ lúc nào.

Ứng phó dịch bệnh gia súc, gia cầm lây sang người
Return to top