Thiết bị sản xuất miến gạo khô tại Hộ kinh doanh Châu Văn Bắc vừa đưa vào vận hành
Thành lập từ năm 2015, hộ kinh doanh thực phẩm chay Phú Lộc đóng tại xã Lộc Bổn (Phú Lộc) chuyên sản xuất các thực phẩm chay, như phù trúc, nấm… phục vụ người tiêu dùng các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Do sản xuất quy mô hộ gia đình, kinh phí đầu tư hạn chế nên lâu nay, cơ sở đầu tư tủ đông bảo quản thực phẩm cỡ nhỏ, công suất 1.000 lít. Năm 2021, nhu cầu tiêu thụ các loại thực phẩm chay tăng mạnh, bình quân từ 4- 4,5 tấn/tháng nên công suất tủ đông quá tải, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.
Tháng 4/2021, cơ sở lập đề án KC, trình các cấp và được Sở Công thương phê duyệt triển khai đề án ứng dụng thiết bị tiên tiến vào sản xuất sản phẩm phù trúc với kinh phí 140 triệu đồng, trong đó nguồn vốn KC hỗ trợ 64 triệu đồng từ nguồn kinh phí hoạt động KC năm 2021. Với nguồn kinh phí này, cơ sở đầu tư mới hệ thống kho lạnh công suất 5 tấn sản phẩm, đáp ứng nhu cầu bảo quản sản phẩm sau sản xuất và đợi đưa ra thị trường tiêu thụ.
Theo ông Võ Đại Thọ, chủ hộ kinh doanh thực phẩm chay Phú Lộc, trước đây khách ngoại tỉnh đặt hàng số lượng lớn, cơ sở không dám nhận vì tủ đông quá nhỏ, trong khi để sản xuất đủ số lượng hàng vận chuyển đi xa cần phải có kho đông công suất lớn nên doanh số bán hàng thấp. Từ ngày đưa kho đông vào vận hành đến nay, quy trình bảo quản sản phẩm khá thuận lợi nên cơ sở nhận nhiều đơn hàng thực phẩm chay số lượng lớn.
Cùng với hộ kinh doanh ở huyện Phú Lộc, trong tháng 9/2021, Trung tâm KC và Tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công thương đã hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc tiên tiến vào sản xuất miến gạo khô cho hộ kinh doanh Châu Văn Bắc ở xã Quảng Thành (Quảng Điền).
Không phải là nghề gia truyền, song anh Châu Văn Bắc theo nghề sản xuất bún, phở khô và mì lát hơn 20 năm nay. Xuất thân từ gia đình thuần nông, năm 2000, anh Bắc quyết định chuyển sang sản xuất các loại bún, phở khô để phục vụ bà con trong làng với quy mô nhỏ. Dần dần, sản phẩm làm ra được thị trường ưa chuộng, các hộ kinh doanh đặt hàng ngày càng nhiều nên anh thuê thêm nhân công để sản xuất với số lượng lớn.
Sau thời gian sản xuất các loại bún, phở khô, mì lát và được khách hàng đón nhận, doanh số bán hàng ngày càng nhiều nên năm 2021, cơ sở mạnh dạn lập đề án xin hỗ trợ vốn KC để đầu tư sản xuất thêm miến gạo khô phục vụ thị trường. Hạng mục hỗ trợ gồm 1 máy đùn 2 nòng model 70kg, 1 máy giũ mỳ model 300kg, tổng kinh phí thực hiện đề án 225 triệu đồng, trong đó nguồn vốn KC hỗ trợ 87 triệu đồng.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm KC và Tư vấn phát triển công nghiệp, bà Nguyễn Thị Mỹ Hằng, năm 2021 trung tâm ưu tiên vốn KC hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến nhằm khuyến khích các cơ sở thay đổi thiết bị công suất nhỏ, lạc hậu sang đầu tư máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Trong năm, trung tâm hỗ trợ khoảng 10 đề án đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng, góp phần giúp các cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh trên thị trường.
Bài, ảnh: Thanh Hương