Tăng cơ hội quảng bá đầu tư thông qua các hội nghị xúc tiến đầu tư
Hệ lụy từ dự án chậm tiến độ
Thu hút đầu tư, nhất là đầu tư khu vực nước ngoài có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế địa phương. Ngoài ra, việc thu hút và sử dụng các nguồn lực đầu tư này còn góp phần thúc đẩy chuyển dịch, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương, ngành, sản phẩm, dịch vụ; thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư kinh doanh.
Tuy nhiên, để thu hút những nhà đầu tư uy tín, có năng lực triển khai thực hiện dự án (DA) là điều không dễ. Bằng chứng là chỉ trong giai đoạn từ năm 2016 – 2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư phải tham mưu UBND tỉnh thu hồi, chấm dứt hoạt động 62 DA và rà soát tiến độ 63 DA. Trong đó, một số DA chậm tiến độ nhiều năm, như DA Nhà máy chế biến tinh bột sắn huyện A Lưới; Khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối Việt Nam; Bệnh viện chuyên khoa Quốc tế Huế; Nhà máy Xi măng Nam Đông …
Quảng bá cơ hội đầu tư
Một số DA triển khai tại vị trí “đất vàng” của TP. Huế nhưng lại chậm tiến độ hoặc thi công dang dở nhiều năm. Việc các dự án khởi công rồi “bỏ quên” không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất, thất thu ngân sách mà còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.
Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng số DA ngoài ngân sách còn hiệu lực thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2021 trên địa bàn tỉnh là 324 DA với tổng vốn đầu tư 146.538 tỷ đồng (không tính các DA đã thu hồi). Trong đó có 148 DA đã đi vào hoạt động; 143 DA đang triển khai xây dựng; 26 DA đang triển khai xây dựng, chậm tiến độ; 7 DA tạm dừng triển khai. Như vậy, các DA đang triển khai chậm tiến độ và tạm dừng chiếm 9% tổng số DA.
Giải bài toán năng lực nhà đầu tư
Thực tế, để đảm bảo năng lực của nhà đầu tư trong quá trình triển khai DA phải dựa vào nhiều tiêu chí đánh giá. Trong đó, các văn bản pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng… quy định rất cụ thể những yêu cầu năng lực của nhà đầu tư trong quá trình lựa chọn và triển khai DA nhằm đảm bảo khả năng triển khai DA sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Theo quy định về yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, nhà đầu tư đề xuất tham gia thực hiện DA phải đảm bảo yêu cầu về năng lực tài chính như: “Vốn chủ sở hữu tối thiểu nhà đầu tư phải thu xếp không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với DA có quy mô sử dụng đất dưới 20ha; không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với DA có quy mô sử dụng đất từ 20ha trở lên”. “Trường hợp liên danh, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư liên danh bằng tổng vốn chủ sở hữu của các thành viên liên danh. Đồng thời, từng thành viên liên danh phải đáp ứng yêu cầu tương ứng với phần vốn góp chủ sở hữu theo thỏa thuận liên danh. Nếu bất kỳ thành viên nào trong liên danh được đánh giá là không đáp ứng thì nhà đầu tư liên danh được đánh giá là không đáp ứng yêu cầu về vốn chủ sở hữu. Nhà đầu tư đứng đầu liên danh phải có tỷ lệ sở hữu vốn tối thiểu là 30%, từng thành viên liên danh có tỷ lệ sở hữu vốn tối thiểu là 15% trong liên danh”.
Đối với yêu cầu về năng lực kinh nghiệm phải có kinh nghiệm thực hiện DA mà nhà đầu tư hoặc thành viên tham gia liên danh hoặc đối tác cùng thực hiện đã tham gia với vai trò là nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu hoặc nhà thầu chính. Ngoài các quy định về tài chính, còn quy định ký quỹ đảm bảo thực hiện DA từ 1-3% tổng mức đầu tư đăng ký. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử phạt hành chính trong lĩnh vực đầu tư nhằm đảm bảo DA được triển khai đúng tiến độ như nhà đầu tư đã cam kết.
Cùng với những ràng buộc có yếu tố pháp lý, việc công khai các DA kêu gọi đầu tư sau khi được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư để nhiều nhà đầu tư quan tâm, tham gia nghiên cứu DA cũng tăng khả năng tiếp cận những nhà đầu tư có năng lực. Sau đó, tiến hành quy trình lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật đảm bảo đáp ứng tốt nhất các điều kiện, tiêu chí năng lực, kinh nghiệm, tài chính phù hợp với DA đang được tỉnh quan tâm.
Bàn về một số giải pháp tỉnh đã và đang thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ, hạn chế tình trạng các DA chậm triển khai, ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, tỉnh đang xây dựng, cập nhật, bổ sung các quy hoạch liên quan dự án (quy hoạch tỉnh, sử dụng đất, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chung xây dựng xã…). Để thực hiện tốt công tác kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực để thực hiện DA, tỉnh đầu tư xây dựng quy trình thẩm định, phê danh mục DA làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư. Nâng cao chất lượng thẩm định năng lực của nhà đầu tư dựa trên hồ sơ năng lực của nhà đầu tư từ năng lực tài chính, kinh nghiệm thực hiện các DA tương tự, lực lượng nhân sự,... của nhà đầu tư để lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực. Tính toán, phân tích về hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường DA, đồng thời, phát huy vai trò của Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh trong việc kêu gọi và hỗ trợ nhà đầu tư...
Cùng với đó, tỉnh cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các DA đầu tư trên địa bàn, kịp thời báo cáo HĐND tỉnh, UBND tỉnh các khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ, giải quyết. Chỉ đạo, đôn đốc UBND cấp huyện, các sở, ngành liên quan làm tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng liên quan DA; bố trí kinh phí và nguồn lực cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đồng hành cùng DN tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan…
Bài: HOÀNG LOAN
Ảnh: NGỌC HIẾU