Người dân bảo vệ rừng ngập mặn ven phá
Triển vọng
Từ hơn 15 năm nay, vợ chồng bác Nguyễn Văn Đáp, thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong (Hương Trà) ra rú Chá thuê đất khai canh, thả nuôi tôm, cua, cá. Từ một lán trại tạm bợ, vợ chồng bác Đáp cất căn nhà nhỏ vừa để ở, chăm ao nuôi và vừa kinh doanh dịch vụ. Từ ngày rú Chá được đầu tư đường sá, cây ngập mặn lên cao, vợ chồng bác Đáp làm thêm vài căn chòi nhỏ để phục vụ du khách.
Cách đây khoảng 10 năm, rú Chá từng đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Với nỗ lực của người dân, chính quyền địa phương, ngành lâm nghiệp và các tổ chức về môi trường, rú Chá dần phục hồi và phát triển. Cánh rừng trở thành điểm du lịch thu hút giới trẻ, những người thích nghiên cứu và nhiếp ảnh tìm đến. Với không khí mát mẻ, phong cảnh đẹp, không lâu nữa, khi những dải cây ngập mặn được trồng phát triển sẽ tạo nên một khu rừng ngập mặn tuyệt đẹp.
Rú Chá đang trở thành điểm tham quan, nghỉ mát lý tưởng
Quê ở thị trấn Thuận An (Phú Vang), anh Đặng Phước Hoà là đại diện Công ty Du lịch Caro Xanh chi nhánh Huế. Thấy được lợi thế phát triển du lịch trải nghiệm ở đầm phá và tham quan RNM, từ tháng 3/2016, anh mở những tour đầu tiên đưa du khách trải nghiệm rú Chá và vùng đầm phá Hải Dương- Thuận An- Hương Phong. Anh Hòa còn nuôi ý tưởng phát triển dịch vụ homestay với tour du lịch 2 ngày 1 đêm ở phá Tam Giang- rú Chá.
Môi trường lý tưởng của tôm cá, chim muông
Ngoài 4ha rừng ngập mặn nguyên sinh của rú Chá được bảo vệ, phát triển xanh tốt, diện tích RNM trồng mới ở Hương Phong ngày càng được mở rộng. Đứng trên chòi canh của rú Chá, bốn phía đều là màu xanh của đước, bần, dừa nước đang tỏa tán, một số vừa đâm chồi.
Ở vùng ven phá xã Quảng Lợi (Quảng Điền), mấy chục ha rừng ngập mặn được trồng khoảng 2 năm tuổi đang lên rất xanh tốt, làm nơi trú ngụ, sinh trưởng của nhiều loài chim. Không bao lâu nữa, những dải RNM ở đây sẽ là nơi lý tưởng để phục hồi đa dạng sinh học, giúp người dân mở rộng, phát triển sinh kế thông qua các dịch vụ du lịch sinh thái, ẩm thực, nghiên cứu thực tế...
Khi rừng mới được trồng, nhiều người lo ngại mất đất nuôi trồng thủy sản. Nhưng nhìn xa hơn, 5 hoặc 10 năm sau, khi hàng trăm ha rừng ngập mặn ven phá sinh sôi phát triển thì đây sẽ là bãi giống, bãi đẻ, nơi cư ngụ của tôm, cua, cá. Đến lúc đó, người dân không chỉ được hưởng môi trường xanh mà còn hưởng lợi trực tiếp từ nguồn lợi thủy sản. Đó là lời tâm sự của ông Đặng Văn Thìn, ở thôn Cư Lạc, xã Quảng Lợi (Quảng Điền) khi chúng tôi đề cập đến hàng chục ha RNM được Nhà nước và một số tổ chức trồng tại địa phương.
Với dự án lớn “Đầu tư phát triển rừng vùng đầm phá ven biển giai đoạn 2015- 2020” do Chi cục Kiểm lâm tỉnh làm chủ đầu tư, sẽ có thêm 150ha RNM, 100ha rừng ngập ngọt, 290ha rừng trên cát ven biển được trồng sẽ tạo nên thảm xanh trải dọc ven đầm phá từ cửa sông Ô Lâu (Phong Điền) đến cửa Bù Lu, đầm Lập An (Phú Lộc). |
“Việc phát triển trừng ngập mặn giúp cải tạo hệ thống đáy ở các lạch, hói, môi trường lòng đất, giúp cá, tôm và các loài thủy sản sinh sôi nảy nở, hạn chế dịch bệnh. Hơn ai hết, những người dân canh tác tại vùng này là người thu lợi trực tiếp”, ông Trần Viết Én, Chủ tịch UBND xã Hương Phong (Hương Trà) lạc quan.
Hiệu quả các dự án trồng RNM kết hợp trồng cây cho các khu vực ven cửa sông, ven đầm phá, vừa xây đê bao che chắn, giảm bớt sự xâm thực vào vùng đất canh tác nuôi trồng thủy sản, trồng lúa, hoa màu của người dân đã được thấy rõ. Minh chứng là các đợt triều cường vào hồi đầu năm đã làm vỡ nhiều tuyến đê bao nội đồng, đê bao dọc đầm phá, khiến nước lợ, nước mặn xâm nhập, ảnh hưởng hàng trăm ha lúa, thế nhưng đoạn qua thôn Thủy Lập (Quảng Lợi), nhờ có hàng chục ha RNM làm vành đai che chắn, nên đã ngăn được thiệt hại do thiên tai.
Không chỉ che chở, bao bọc xóm làng, RNM còn trở thành nguồn sống của nhiều người dân. Rừng được phục hồi, nhiều loài hải sản như: tôm, cua, cá tìm về trú ngụ rồi sinh sôi nảy nở, người dân tha hồ thả trộ, bủa lưới... “Kể từ khi những cánh RNM được tái sinh, số lượng hải sản người dân đánh bắt tăng rõ rệt. RNM còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, cung cấp chất hữu cơ để tăng năng suất nuôi trồng, giúp hạn chế dịch bệnh”, chị Hoàng Thị Gái, ở thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong cho hay.
Ông Phạm Ngọc Dũng, Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh, người gắn bó với công việc khôi phục và mở rộng vành đai xanh RNM ven cửa sông, đầm phá rất tâm đắc về những thành công bước đầu mà RNM mang lại, cả về môi trường và phát triển sinh kế.
Bài, ảnh: Hoài Thương