Luật gia Hoàng Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia tỉnh: "Cầm đồ chỉ là biện pháp bảo đảm hợp đồng dân sự"
Trước đây, Thông tư liên bộ của Ngân hàng Nhà nước-Thương mại quy định, lãi suất cầm đồ tối đa không quá 4,2%/tháng, tính trên số tiền được vay của mỗi lần cầm đồ. Trường hợp nếu bên cầm đồ muốn vay "nóng" ngắn hạn dưới 15 ngày, lãi suất và phí cầm đồ cao nhất không quá 0,3%/ngày. Tuy nhiên, hiện nay, thông tư này đã hết hiệu lực và luật riêng chưa ban hành nên hoạt động cầm đồ đang được áp dụng theo bộ luật chung là Bộ luật Dân sự. Theo đó, lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận không vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay theo quy định của điều 468.
Dù thế, vẫn khó có cơ sở để đánh giá các cơ sở cầm đồ có vượt trần lãi suất hay không, khi các hoạt động giao dịch của họ với khách hàng chủ yếu vẫn là thỏa thuận.
Việc quản lý cầm đồ về mặt Nhà nước không dễ, bởi chỉ có những cơ quan như thuế, quản lý thị trường mới có quyền kiểm tra các hoạt động liên quan. Cơ quan công an thường chỉ kiểm tra khi có các sự vụ, sự việc xảy ra hoặc cùng phối hợp kiểm tra liên ngành, hơn nữa, hoạt động cầm đồ khá nhỏ, lẻ nên cơ quan quản lý Nhà nước khó quán xuyến cũng như tổ chức thường xuyên việc thanh, kiểm tra. Đây cũng chính là kẻ hở để hoạt động này phát triển.
Dịch vụ cầm đồ cơ bản hoạt động theo nguyên tắc thỏa thuận giữa chủ tiệm cầm đồ với người đi cầm đồ nên pháp luật khó can thiệp. Lý do nó có đất sống bởi đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Khi cần tiền, người ta đem tài sản đến cầm cố, chỉ trong vòng 15 đến 30 phút sau là có tiền. Trong khi đó, nếu vay ở ngân hàng buộc phải có hợp đồng, dù nhanh thế nào cũng mất một vài ngày. Đó là chưa kể, khá nhiều loại tài sản đảm bảo như điện thoại, máy tính, xe máy… không được ngân hàng dùng làm vật thế chấp, đảm bảo, do đó, dịch vụ cầm đồ là lựa chọn số một cho những người cần tiền gấp, không có tài sản thế chấp, không có cơ quan xác nhận để tín chấp và thậm chí là đã từng “lọt vào sổ đen” của ngân hàng do nợ quá hạn và tất nhiên, họ chấp nhận lãi cao, thậm chí bỏ luôn tài sản khi lãi vượt mức chi trả.
Trên thực tế, đa số chủ các cơ sở cầm đồ thường bán tài sản của người cầm cố khi hết hạn trả lãi, gốc mà người cầm không đến trả. Đây là việc làm bất hợp pháp, thế nhưng hầu như chưa có trường hợp người cầm cố tài sản khởi kiện chủ các tiệm cầm đồ.
TÂM HUỆ (ghi)
Thượng tá Trương Thế Vũ, Phó Trưởng Công an TP. Huế: “Sẽ siết chặt quản lý với các tiệm cầm đồ”
Trên địa bàn TP. Huế hiện có khoảng 180 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ được cấp phép hoạt động với gần 260 người tham gia hành nghề. Từ đầu năm 2016 đến nay, công an đã tổ chức 140 lượt kiểm tra, phát hiện 15 cơ sở sai phạm, xử phạt 40 triệu đồng.
Thời gian gần đây, nhiều vụ án liên quan đến trộm cắp, cướp, cướp giật, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn TP. Huế có sự che đậy, tiếp tay và không tố giác tội phạm của một số chủ tiệm cầm đồ. Thông thường, sau khi trộm cắp được tài sản, các đối tượng thường tìm đến các tiệm cầm đồ cầm cố với giá rẻ hơn rất nhiều so với giá trị thật của tài sản, sau đó “cao chạy xa bay”. Mặc dù các chủ tiệm cầm đồ biết tài sản đang cầm cố hoặc giao dịch mua bán không rõ nguồn gốc nhưng vì lợi nhuận cao nên vẫn cố tình thực hiện. Khi phát hiện đồ gian, cơ quan công an sẽ tịch thu tài sản đó.
Nhằm siết chặt quản lý các tiệm cầm đồ, thời gian tới Công an TP. Huế chỉ đạo Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội phối hợp với công an các phường tổ chức kiểm tra, rà soát, lập danh sách các cơ sở cầm đồ có biểu hiện phức tạp, thường vi phạm các lỗi về cầm hàng không có nguồn gốc. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh sai phạm và xử lý nghiêm các vi phạm.
THÁI BÌNH (ghi)
|