Ngại “chìa khóa trao tay”
NĐ67 của Chính phủ ra đời là “luồng gió mới” cho ngư dân vươn khơi bám biển, đánh bắt hải sản hiệu quả và chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Tàu vỏ thép thứ 3 trên địa bàn tỉnh vừa hạ thủy
Sau ba năm triển khai, toàn tỉnh có hơn 100 chiếc tàu công suất lớn được đóng mới, cải hoán, trong đó có 30 chiếc vỏ gỗ và 3 chiếc vỏ thép được đóng từ nguồn vốn vay theo chính sách của NĐ67.
Chủ tàu “67” đầu tiên của tỉnh Phan Văn Chinh ở thị trấn Thuận An cho biết, tàu đánh cá trị giá trên 7 tỷ đồng của ông được đóng mới giúp hoạt động ĐBXB dài ngày, hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm đánh bắt từ 8-10 chuyến, hầu như chuyến nào cũng cho thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên.
Ông Trần Văn Chiến ở xã Phú Thuận, chủ tàu vỏ thép đầu tiên của tỉnh thông tin, có được chiếc tàu công suất lớn, an toàn trong quá trình khai thác xa bờ, hiệu quả đánh bắt rõ rệt. Sau hơn một năm kể từ ngày hạ thủy, đến nay tàu của ông có hơn 10 chuyến đánh bắt từ 100 hải lý trở ra, mỗi chuyến đều thu nhập trên 100 triệu đồng.
Từ khi có đội tàu công suất lớn, hiệu quả đánh bắt hải sản ngày càng cao. Riêng sản lượng 9 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đạt trên 10 ngàn tấn, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, ông Phan Văn Chinh cho rằng, việc vay vốn đóng tàu lớn gặp khó khăn trong quá trình trả nợ. Thu nhập sau mỗi chuyến biển phải gom góp để trả cả gốc và lãi, khó khăn cho việc trang trải chi phí tái sản xuất, đời sống. Theo ông Chinh, chi phí đóng tàu từ NĐ 67 cao hơn so với người dân bỏ vốn tự đóng từ 30-40%. Đây cũng là lý do mà ông Trần Văn Hòa ở thị trấn Thuận An cân nhắc. Không chọn nguồn vốn vay từ theo NĐ67, ông Hòa huy động vốn tự có và vay mượn thêm để đóng mới chiếc tàu công suất trên 800 CV, kinh phí trên 4 tỷ đồng.
Về lý do không tiếp cận nguồn vốn của NĐ 67, ông Hòa cho rằng, thủ tục vay vốn theo NĐ67 mất nhiều thời gian. Và theo cơ chế “chìa khóa trao tay”, người dân hầu như không có quyền tự quyết các hạng mục quan trọng, như được tự mua máy, gỗ, các trang thiết bị... nên giá đóng tàu mới rất cao.
Chiếc tàu ông Hòa vừa hạ thủy có công suất trên 800 CV, bao gồm thân tàu, máy móc, máy dò, định vị, lưới, bộ đàm, giàn điện... có tổng giá trị trên 4 tỷ đồng. Trong khi, đóng mới chiếc tàu công suất 800 CV từ nguồn vốn NĐ67 theo hình thức “chìa khóa trao tay” có giá đến 8-9 tỷ đồng.
Tương tự, chiếc tàu công suất 460 CV của ông Trần Văn Cường ở thị trấn Thuận An vừa đóng mới có giá dưới 3 tỷ đồng; trong đó thân tàu bằng gỗ trị giá khoảng 1,8 tỷ đồng, máy hiệu Mitsubishi giá 300 triệu đồng; còn lại đầu tư các trang thiết bị... Theo ông Cường, giá trị chiếc tàu của ông nếu đóng mới theo NĐ67 phải hơn 5 tỷ đồng.
Thủ tục chưa thuận tiện
Ông Đỗ Văn Khễ ở xã Vinh Thanh, chủ nhân chiếc tàu vỏ gỗ công suất trên 800 CV đóng mới từ NĐ67 sắp hạ thủy nói: “Có được chiếc tàu này tui phải vượt gian truân vì các thủ tục vay vốn ngân hàng. Khi thẩm định, nếu thiếu thủ tục, giấy tờ thì ngân hàng phải thông báo ngay cho chủ tàu, đằng này mãi đến khi tàu đóng sắp xong mới nhận được thông báo bổ sung hồ sơ. Điều này dẫn đến việc giải ngân vốn chậm, gây nhiều phiền hà và lo lắng cho cả ngư dân và chủ cơ sở đóng tàu”.
Thu mua cá tại cảng Thuận An
Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận thông tin, từ khi có NĐ67 đến nay, địa phương đóng mới, cải hoán hơn 10 chiếc tàu công suất lớn từ 400 CV trở lên; trong đó chỉ có 3 chiếc tàu đóng theo chính sách vay vốn từ NĐ67, còn lại ngư dân tự vay mượn đầu tư cải hoán, đóng mới.
Theo ông Tùy, hầu hết ngư dân cho rằng, tự vay mượn đóng mới sẽ bớt lo áp lực trả nợ ngân hàng hơn khi vào thời điểm hải sản mất mùa, đánh bắt không hiệu quả. Mặt khác, khi đóng tàu theo NĐ67, người dân hoàn toàn không chủ động trong khâu thiết kế, kỹ thuật, chọn gỗ, máy móc, thiết bị... khiến giá thành đội lên cao và thủ tục còn rườm rà.
Ông Ngô Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An cho biết, tổng số tàu ĐBXB đóng theo NĐ67 tại Thuận An đến nay 23 chiếc, trong đó 21 chiếc đã đi vào hoạt động, còn 1 chiếc đang đóng, 1 chiếc đang thẩm định hồ sơ. Nhu cầu đóng mới tại Thuận An ước tính còn hơn chục chiếc. Tuy nhiên, người dân hiện nay đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, vì theo quy định của ngân hàng thì ngư dân phải thế chấp sổ đỏ, nhưng nhiều trường hợp chưa có sổ đỏ, hoặc tài sản không có giá trị để thế chấp. Trong khi theo NĐ67 thì ngư dân có thể thế chấp chính tài sản từ nguồn vốn vay tạo ra (tức chiếc tàu, máy móc, thiết bị....
Bài, ảnh: Hoàng Triều