ClockThứ Ba, 18/09/2018 08:52

Việt Nam cần sớm chấm dứt khuyến khích qua thuế khi thu hút FDI

Trong bối cảnh tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, Việt Nam cần nhanh chóng từ bỏ việc sử dụng các biện pháp khuyến khích qua thuế.

Thuế không đủ bù đắp sụt giảm nguồn thu

Báo cáo Tài chính cho phát triển bền vững ở Việt Nam do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) vừa công bố cho thấy những thay đổi trong bức tranh tài chính phát triển ở Việt Nam.

Theo đó, mặc dù tổng nguồn lực tài chính cho phát triển ở Việt Nam (nguồn công và tư, nguồn quốc tế và trong nước) đã gia tăng về số lượng, với nguồn lực tài chính cho phát triển trên đầu người tăng từ 511 USD/người năm 2002 lên đến 1.226 USD/người vào năm 2015, nhưng vẫn còn thấp hơn mức bình quân của các nước ASEAN (1.937 USD/người).

Hơn nữa, từ năm 2007, tỷ trọng tổng đầu tư trên GDP đã giảm xuống. Từng có lúc cao nhất trong các nước ASEAN ở mức hơn 30% GDP từ năm 2000 và đạt đến gần 40% GDP năm 2007, tỷ trọng này đã giảm dần xuống mức bình quân của các nước ASEAN (chưa đến 30% GDP) năm 2015.

Tổng nguồn lực tài chính cho phát triển ở Việt Nam đã gia tăng về số lượng nhưng vẫn còn thấp hơn mức bình quân của các nước ASEAN (Ảnh minh họa: KT)

Bên cạnh đó, nghiên cứu cho thấy nguồn thu từ thuế không đủ để bù đắp sự sụt giảm nguồn thu từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu (XNK). Cụ thể, tỷ trọng thu ngân sách phi viện trợ của Chính phủ trên GDP đã giảm từ hơn 26% trong các năm 2006-2008 xuống còn khoảng 22-23% năm 2012-2015. Mức sụt giảm này là do tình trạng sụt giảm nguồn thu từ dầu thô (chiếm 30% tổng thu ngân sách phi viện trợ năm 2005 xuống còn 6,84% năm 2015) và nguồn thu từ hoạt động XNK (23,64% năm 2009 xuống còn 17,16% năm 2015) do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

“Mặc dù Chính phủ đã nỗ lực bù đắp cho sự sụt giảm các nguồn thu từ dầu thô và các hoạt động XNK, nhưng mức gia tăng các nguồn thu từ thuế, phí, lệ phí vẫn không đủ để đảo ngược xu hướng giảm tỷ trọng thu ngân sách phi viện trợ trên GDP”, chuyên gia của UNDP cho biết.

Theo TS. Hồ Đình Bảo, Giảng viên khoa Kinh tế (Đại học Kinh tế quốc dân), nhằm tài trợ cho thâm hụt ngân sách và ngăn chặn tình trạng giảm sút hơn nữa mức đầu tư công, vay trong nước của Chính phủ tăng vọt, tồn dư nợ công trong nước năm 2015 tăng gần 2,5 lần so với năm 2011, ẩn chứa nhiều rủi ro. Đơn cử, hầu hết trái phiếu Chính phủ đều do các ngân hàng thương mại nắm giữ với tỷ trọng lên đến 79,6% cuối năm 2011 và 55,4% cuối năm 2016.

Các chuyên gia từ UNDP cũng cảnh báo, các dòng ODA chảy vào Việt Nam đã giảm đáng kể, trong khi đó, dư nợ công và nợ Chính phủ của Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng (ở mức 63,7% năm 2016), làm cho tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam từ mức thấp nhất trong các nước ASEAN trong giai đoạn 2000-2005 trở thành mức cao nhất trong năm 2016. Chưa kể, nguồn kiều hối vào Việt Nam luôn ở mức cao, nằm trong nhóm 10 nước đứng đầu thế giới, nhưng đầu tư tư nhân trong nước lại chưa trở thành nguồn tài chính then chốt thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam. Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư FDI vào Việt Nam được đánh giá là có khối lượng lớn nhưng chất lượng còn khiêm tốn.

Cần từ bỏ các biện pháp khuyến khích qua thuế

Theo UNDP, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam luôn ở mức cao so với các nước ASEAN khác (trừ Singapore). FDI đã có vai trò then chốt trong nền kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 20% GDP của cả nước (từ 15,2% năm 2005), 72% giá trị xuất khẩu (từ 57% năm 2005), 18% nguồn thu ngân sách nhà nước và tạo ra 3,7 triệu việc làm cho người lao động Việt Nam năm 2017.

Tuy nhiên, dù có mức tăng trưởng lớn về số lượng nhưng chất lượng các FDI trên thực tế còn khiêm tốn. Các biện pháp kích thích qua thuế và các đặc quyền khác mà Việt Nam cũng như nhiều nước khác dành cho các nhà đầu tư để thu hút thêm FDI không những tạo ra một sân chơi không bình đẳng cho các DN trong nước còn có thể trực tiếp làm giảm nguồn thu của Chính phủ, làm hạn chế những lợi ích của đầu tư đối với các nguồn tài chính công và giảm quy mô kinh phí cho các dịch vụ và đầu tư công.

Theo quy định hiện hành, các DN FDI công nghệ cao có thể được đóng mức thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) rất thấp, chỉ 10% trong toàn bộ vòng đời dự án, 0% trong 4 năm đầu và 5% trong 9 năm tiếp theo.

“Cụ thể với trường hợp Samsung, kể cả các công ty con không có công nghệ cao của Samsung, do các biện pháp khuyến khích qua thuế, năm 2013 (năm đầu tiên thuế suất TNDN 5% được áp dụng), Samsung Việt Nam xuất khẩu được 23 tỷ USD hàng hóa, nhưng chỉ trả 1.000 tỷ VND thuế TNDN (khoảng 50 triệu USD). Năm 2015, Samsung đạt mức lợi nhuận hơn 70.000 tỷ VND, nhưng chỉ trả 1.684 tỷ VND thuế TNDN, trong khi đó, nếu áp dụng thuế suất TNDN bình thường, lượng thuế mà Samsung phải trả lên tới 13.000 tỷ VND”, TS Bảo nêu ví dụ.

Theo các chuyên gia của UNDP, có bằng chứng cho thấy phần lớn các cuộc “cạnh tranh qua thuế” là có hại và không cần thiết. Các nước trong khu vực thường xuyên chào mời các biện pháp kích thích qua thuế như miễn hay giảm thuế là những biện pháp có hại nhất, mặc dù thực tế các cuộc khảo sát trong và ngoài khu vực cho thấy thuế thường là một ưu tiên thấp hơn để xác định các nhà đầu tư sẽ đầu tư vào đâu so với các vấn đề khác.

TS. Hồ Đình Bảo cho rằng, Việt Nam cần chuyển định hướng thu hút FDI từ số lượng sang chất lượng. Theo đó, cần từng bước chấm dứt các biện pháp khuyến khích qua thuế và các đặc quyền khác, thay vào đó cần nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, hạ tầng cơ sở, các tiện ích và nguồn cung lao động đã qua đào tạo... để thu hút FDI có chất lượng.

Bên cạnh đó, từng bước thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế để nâng tầm trình độ công nghệ và mối liên kết với chuyển giao công nghệ cho các công ty trong nước của các DN FDI. Ngoài ra, để giảm thiểu các yếu tố có hại của cuộc “cạnh tranh qua thuế” trong vùng, Việt Nam cần tăng cường sự tham gia tích cực hơn vào các sáng kiến quốc tế, nhằm xây dựng các bộ quy tắc ứng xử, như thanh tra thuế không biên giới và khung bao trùm về xói mòn cơ sở và chuyển giá, trong đó có cả những hành động để xử lý tập quán thuế có hại./

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sẽ nhân rộng mô hình phân loại thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn

Ngày 26/11, tại UBND xã Vinh Xuân, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội nghị nghiệm thu và tổng kết mô hình điểm của Hội Nông dân, tham gia phân loại thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn năm 2024 tại hai xã Vinh Xuân và Phú Diên của huyện Phú Vang. Dự hội nghị có các ông Phạm Văn Thiện, Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam); Nguyễn Chí Quang, TUV, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.

Sẽ nhân rộng mô hình phân loại thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn
Nâng tầm vóc quan hệ Việt Nam-Malaysia trong kỷ nguyên phát triển mới

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Phu nhân đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Malaysia, theo lời mời của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim. Trong chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia, đưa mối quan hệ tin cậy và hợp tác hiệu quả giữa hai nước sang giai đoạn phát triển ở tầm mức cao, thiết thực hơn nữa, đáp ứng yêu cầu trong kỷ nguyên mới.

Nâng tầm vóc quan hệ Việt Nam-Malaysia trong kỷ nguyên phát triển mới
Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp

Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp và có nhiều chính sách đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), song nhìn nhận từ góc độ bao phủ của chính sách vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của DN, nhất là DN các tuyến huyện, thị xã.

Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp
Return to top