Theo Bộ Công Thương, trong những năm qua, quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước châu Âu không ngừng được mở rộng và phát triển. Từ quy mô trao đổi thương mại còn rất khiêm tốn vào những năm 1990, cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hơn 40 quốc gia trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại luôn đạt mức 2 con số.
Châu Âu là thị trường tiềm năng cho nhiều mặt hàng nông sản nhiệt đới, dệt may, da giày, đồ gỗ, điện thoại có thế mạnh của Việt Nam
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2018, kim ngạch trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và châu Âu đạt 62,11 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu 44,93 tỷ USD, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam xuất siêu vào châu Âu 27,75 tỷ USD, góp phần cải thiện cán cân thương mại và tạo đầu ra ổn định, bền vững cho hàng hóa Việt Nam. Các nước châu Âu cũng đã đầu tư vào Việt Nam gần 50 tỷ USD với 3.300 dự án, trải rộng trên khắp các lĩnh vực của nền kinh tế.
Ngay tháng đầu năm 2019, theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam cũng xuất siêu vào thị trường EU 2,5 tỷ USD, với mức thương mại xuất khẩu từ Việt Nam vào EU đạt 3,77 tỷ USD, trong khi nhập khẩu từ EU về Việt Nam chỉ 1,26 tỷ USD. Trong đó, nhiều thị trường thuộc EU mà Việt Nam xuất siêu khá lớn trong tháng 1/2019, như: Anh, Áo, Bỉ, Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp, Italia.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2019 thì thị trường EU đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nma (sau Hoa Kỳ), đạt 6,3 tỷ USD, tăng 1,2% so cùng kỳ năm trước. Ở chiều nhập khẩu, thị trường EU cung cấp hàng hóa vào Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD, tăng 15,9%. Như vậy, 2 tháng đầu năm nay, Việt Nam vẫn xuất siêu vào EU 4,1 tỷ USD.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đánh giá, châu Âu là thị trường quan trọng và luôn là đối tác tập trung ưu tiên hợp tác của Việt Nam. Thị trường giữa hai khu vực có mức độ bổ sung rất lớn. Trong đó, châu Âu là thị trường tiềm năng cho nhiều mặt hàng nông sản nhiệt đới, dệt may, da giày, đồ gỗ, điện thoại có thế mạnh của Việt Nam.
Đồng thời, Việt Nam là thị trường cửa ngõ để các doanh nghiệp châu Âu có thể tiếp cận với khu vực Đông Nam Á. Việt Nam đã ký và đưa vào hiệu lực thực thi Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á – Âu, kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu và đang nỗ lực kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với EFTA.
Điều đó có nghĩa là trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ có hiệp định thương mại tự do với hầu hết tất cả các nước châu Âu, tạo khung khổ pháp lý thuận lợi cho các hoạt động trao đổi thương mại. Việt Nam cũng đã thiết lập 23 cơ chế hợp tác Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban hỗn hợp và tham vấn chính sách song phương với các nước đối tác châu Âu. Đây là cơ chế đối thoại chính sách quan trọng, góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và đầu tư song phương, giải quyết kịp thời và hiệu quả những vướng mắc cho doanh nghiệp.
Đại sứ Bruno Angelet - Trưởng Đại diện EU cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam trở thành đối tác thứ 3 của EU khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với EU được ký kết. Thời gian tới, việc hợp tác sẽ được thúc đẩy dựa trên tiềm năng sẵn có để hai bên khai thác những lợi ích của mình, mang lại hiệu quả tốt nhất.
Theo VOV