ClockThứ Năm, 15/11/2018 09:52

Xuất siêu kỷ lục nhờ doanh nghiệp ngoại

Tính hết tháng 10, thặng dư thương mại VN lần đầu tiên vượt ngưỡng 7,2 tỉ USD, mức xuất siêu kỷ lục từ trước đến nay.

Trị giá xuất khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất trong 10 tháng đầu năm 2018 so với 10 tháng đầu năm 2017

Theo số liệu thống kê vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tính đến hết tháng 10, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt gần 397 tỉ USD, trong đó trị giá xuất khẩu đạt trên 202 tỉ USD, tăng thêm 26,67 tỉ USD, tương ứng tốc độ tăng trưởng 15,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, riêng khối doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 142,8 tỉ USD, tăng gần 15% (tương ứng tăng 18,49 tỉ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 70,7% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

Kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng tỉ USD đều tăng mạnh

Soi “top” 10 nhóm hàng xuất khẩu tỉ đô của cả nước, thứ tự vị trí các mặt hàng xuất khẩu không thay đổi. Dẫn đầu là xuất khẩu điện thoại và linh kiện, kế đến là dệt may, máy vi tính và sản phẩm điện tử, máy móc và thiết bị phụ tùng, giày dép, thủy sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy ảnh và máy quay phim, sắt thép các loại. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, tất cả các nhóm hàng xuất khẩu trên đều tăng mạnh đáng ghi nhận. Cụ thể, xuất khẩu điện thoại và linh kiện tăng 4,65 tỉ USD, dệt may tăng 3,68 tỉ USD, máy vi tính và sản phẩm điện tử tăng 3,33 tỉ USD, máy móc thiết bị dụng cụ tăng 3,11 tỉ USD...

Xuất siêu tăng rõ ràng là tín hiệu đáng mừng, song soi vào các nhóm hàng dễ dàng nhận thấy, xuất siêu của VN đang “nhờ” vào khu vực DN FDI là chính. Trong 10 tháng, xuất khẩu khối FDI đạt 142,8 tỉ USD, chiếm gần 71% tổng giá trị xuất khẩu thì nhập khẩu cũng đạt gần 117 tỉ USD, chiếm hơn 60% tổng giá trị nhập.

Xây dựng thương hiệu để tăng giá trị xuất khẩu

Không riêng gì đồ gỗ, đa số hàng hóa xuất khẩu của VN vẫn phụ thuộc khá lớn vào khu vực DN ngoại. DN nội đang làm tốt khâu gia công, làm theo đơn đặt hàng, theo mẫu thiết kế của họ hoặc cũng có khi chúng ta thiết kế mẫu cho họ. “Chẳng hạn, một chiếc ghế được sản xuất tại Ý có thương hiệu trung bình, so với chiếc ghế chất lượng và mẫu mã đẹp tại VN không có thương hiệu, giá trị chênh nhau có thể lên đến 5 lần. Sản phẩm có thương hiệu tốt giá trị cao gấp 10 lần là bình thường”, TS Lý Quí Trung, Tổng giám đốc Công ty AKA - đơn vị sở hữu chuỗi nội thất Nhà Xinh, so sánh. Dẫn câu chuyện về một khách sạn 6 sao nổi tiếng tại Bangkok (Thái Lan) cách đây 2 năm từng đặt một công ty nội thất VN làm gia công hoàn thiện toàn bộ nội thất khu nghỉ dưỡng này, ông Trung cho rằng, nếu có thương hiệu tốt, xuất khẩu đồ gỗ của VN có thể tăng gấp đôi con số hiện tại.

Bà T.T.Hoài, chủ Doanh nghiệp D.T (Q.Tân Bình, TP.HCM) chuyên sản xuất gia công hàng sơ mi, jacket cho một chuỗi bán lẻ của Mỹ, cũng thừa nhận, giá trị DN Việt gia công thu về so với việc tự thiết kế mẫu mã và may bán ra là “một trời một vực”. Bà T.T.Hoài nói: “Chúng tôi chuyên may gia công hàng công sở và hàng lạnh cao cấp xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Nguyên phụ liệu do khách hàng chỉ định mua trong khi hoàn toàn có thể mua tại VN, giá rẻ hơn nhưng không thể tự mua được. Chúng tôi thiết kế mẫu mã chào hàng và họ đồng ý tiến đến hợp đồng đặt gia công. Tức là công ty có phòng chuyên thiết kế và đầu tư chất xám cho sản phẩm gia công đó chứ không đơn thuần là may như cái máy. Nhưng giá trị thu về chỉ tính tiền công đếm trên từng chiếc áo, tiền công thấp hơn công may áo cho khách hàng trong nước. Tiền gia công cho một chiếc sơ mi tay ngắn là 2,2 USD/chiếc, sơ mi tay dài 2,7 USD/chiếc, jacket không có lót 5 USD/chiếc, jacket có lót 10 USD/chiếc... Giá này chỉ lấy công để làm lãi thôi. Nhưng gần 20 năm nay cũng nhờ những đơn hàng này đã nuôi hơn 100 công nhân có công ăn việc làm”, bà Hoài thở dài. Dệt may đang đứng vị trí thứ 2 xuất khẩu với kim ngạch đạt 25,17 tỉ USD trong 10 tháng qua. Nhưng do chủ yếu gia công nên giá trị mà nhiều DN trong nước được hưởng rất khiêm tốn.

“Hàng gia công thì không có thương hiệu Việt “dính” trong sản phẩm đó, dù hàng cao cấp đến đâu. Thế nên, muốn gia tăng giá trị thực chất cho con số xuất siêu, đặc biệt với nhóm hàng xuất khẩu cần đầu tư chất xám, tính thẩm mỹ..., VN dứt khoát phải xây dựng được thương hiệu để xuất khẩu”, TS Lý Quí Trung nhấn mạnh.

Theo Thanh niên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top