ClockThứ Bảy, 21/09/2024 08:39

Vốn giải quyết việc làm: Vốn đúng, trúng người

TTH - Nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (NHCSXH) là một trong những kênh tín dụng ưu đãi giúp người dân có thêm “cần câu” để phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Những “cánh tay nối dài” đầy trách nhiệmHương Thủy: Đưa nguồn vốn chính sách xã hội gần với người dânKéo gần khả năng tiếp cận tín dụng

 Cán bộ Hội Nông dân và Ngân hàng Chính sách xã hội khảo sát mô hình kinh tế

“Bàn đạp” từ nguồn vốn

Tốt nghiệp Trường đại học Y Dược Huế, Khoa Y học Cổ truyền năm 2019, Lê Viết Quang sinh năm 1994, xã Phú Mậu, TP. Huế quyết định trở về quê mở Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền Quang Thanh Đức. Ban đầu mở phòng khám, nhiều loại thuốc, phương tiện vẫn còn thiếu chưa đáp ứng được nhu cầu thăm khám nên cơ sở gặp không ít khó khăn. Đầu năm 2023, nhờ sự giới thiệu của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Mậu, anh tiếp cận được nguồn vốn vay giải quyết việc làm (GQVL) với số vốn 100 triệu đồng. Có vốn, anh nhập thêm nhiều loại thuốc, máy móc về phục vụ cho việc khám, chữa bệnh.

Anh Quang chia sẻ, máy móc đầy đủ nên bệnh nhân đến thăm khám, điều trị được chăm sóc chu đáo hơn, không phải chờ đợi như trước đó. Nhờ vậy, lượng bệnh nhân từ địa phương và ngoại tỉnh đến thăm khám ngày càng đông, thu nhập của gia đình khá ổn định.

Không chỉ có anh Quang, mới đây, chúng tôi có cơ hội tham quan mô hình kinh doanh hàng lưu niệm và check-in của anh Huỳnh Văn Thành tại làng hương Thủy Xuân (TP. Huế).

Cửa hàng của anh Thành nằm ở vị trí khá thuận tiện cho phát triển du lịch, thu hút rất đông khách hàng đến mua sắm, check-in. Tuy nhiên để đáp ứng tốt nhất cho hoạt động kinh doanh, anh mạnh dạn đăng ký vay vốn từ NHCSXH để đầu tư thêm máy làm hương, mua sắm thêm nhiều mặt hàng lưu niệm, trang trí lại cửa hàng phục vụ du khách  khi đến làng hương tham quan, check-in. Nhờ sự đầu tư đó, lượng khách du lịch đến với cửa hàng ngày càng đông, góp phần giải quyết việc làm cho 5 lao động.

Bà Hà Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Mậu, TP. Huế cho hay, trong các chương trình tín dụng mà hội đang được ủy thác cho vay thì chương trình cho vay GQVL mang lại hiệu quả thiết thực nhất. Nguồn vốn này không chỉ “đánh trúng” nhu cầu của người dân với số vốn vay khá cao từ 50 đến 100 triệu đồng, mà còn giúp họ hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh. Thực tế triển khai cũng cho thấy, các hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, chủ yếu đầu tư vào phát triển kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt.

Giám sát hiệu quả nguồn vốn vay

Không thể phủ nhận, trong những năm gần đây, nhất là khi dịch COVID-19 bùng phát, chương trình cho vay GQVL của NHCSXH đã tạo đòn bẩy hỗ trợ người lao động khởi nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất.

Nguồn vốn này cũng đang ngày càng đa dạng, ngoài nguồn vốn phân bổ từ Trung ương, tỉnh, UBND thành phố và một số xã, phường cũng quan tâm trích một phần ngân sách chuyển sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay GQVL. Trong đó, ngân sách thành phố đã ủy thác sang NHCSXH cho vay 24 tỷ đồng. Số liệu từ NHCSXH tỉnh cũng cho thấy, chỉ tính từ đầu năm đến nay, tín dụng của hội sở tỉnh thuộc chi nhánh NHCSXH đã thực hiện cho vay hơn 62 tỷ đồng vốn GQVL, góp phần GQVL cho 1.041 lao động, nâng tổng dư nợ của chương trình này lên 203 tỷ đồng, với 4.855 khách hàng đang còn dư nợ.

Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Trưởng phòng Kế hoạch và Nghiệp vụ tín dụng, phụ trách tín dụng Hội sở, Chi nhánh NHCSXH tỉnh khẳng định, vốn vay GQVL là một trong những chương trình góp phần hạn chế tình trạng thất nghiệp và đảm bảo an sinh trên địa bàn thành phố. Vì thế, bộ phận tín dụng Hội sở tỉnh luôn chủ động phối hợp với UBND các phường, xã, hội đoàn thể nhận ủy thác tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin về về các chương trình tín dụng để người dân dễ nắm bắt. Căn cứ vào nguồn vốn tín dụng được giao và thu hồi khoản vay, tín dụng Hội sở đẩy mạnh cho các hội viên phụ nữ, nông dân, thanh niên có phương án kinh doanh khả thi. Bên cạnh đó, công tác giám sát các hộ vay cũng được quan tâm thông qua việc triển khai kiểm tra, giám sát định kỳ, phát sinh để tránh tình trạng sử dụng vốn vay sai mục đích.

Tuy nhiên theo bà Yến, nguồn vốn cho vay hỗ trợ GQVL vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người lao động trên địa bàn. Theo khảo sát của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố, cuối năm 2023, số lao động thất nghiệp trong độ tuổi lao động gần 3.000 người. Ngoài ra, trên địa bàn vẫn còn nhiều hộ làm nông nghiệp, buôn bán, sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, ngành nghề manh mún có mong muốn chuyển đổi nghề mới nhưng thiếu vốn.... Vì thế, bên cạnh nguồn vốn phân bổ từ Trung ương tỉnh, bộ phận tín dụng Hội sở tỉnh cũng mong muốn UBND thành phố, các phường, xã tiếp tục quan tâm bổ sung thêm nguồn vốn ủy thác cho NHCSXH cho vay GQVL nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu phát triển kinh tế của người dân…

Bài, ảnh: HOÀNG ANH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phong Điền: 9/12 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch năm 2024

Chiều 4/12, Ban Thường vụ Huyện ủy Phong Điền tổ chức hội nghị Huyện ủy lần thứ 19 để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), bảo đảm quốc phòng - an ninh (QP-AN) năm 2024; bàn và ra Nghị quyết nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN năm 2025. Dự và chỉ đạo hội nghị có ông Nguyễn Chí Tài, UVTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy…

Phong Điền 9 12 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch năm 2024
Người cao tuổi phát triển kinh tế

Kiên trì, bản lĩnh và không ngừng sáng tạo trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều người cao tuổi (NCT) đã thành công với các mô hình kinh tế khác nhau. Từ đó, làm giàu cho bản thân, gia đình và góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

Người cao tuổi phát triển kinh tế

TIN MỚI

Cách tìm việc làm chất lượngCập nhật kqxsmb 30 ngày mở thưởng Indonesia Employment Law
Return to top