|
Người dân tới giao dịch tại điểm giao dịch xã |
Đang có nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển sản xuất nhưng không biết nên liên hệ ai, anh Nguyễn Văn Đấu đến UBND phường Thủy Châu để tìm hiểu nguồn vốn vay. Đến đây, anh có cơ hội tiếp cận các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội tại bảng thông tin của ngân hàng và được cán bộ Hội Nông dân xã tư vấn và hướng dẫn các thủ tục liên quan.
Theo anh Đấu, ban đầu mình không hiểu lắm về nguồn vốn vay này. Nhưng sau khi đến UBND phường, được cán bộ hội hướng dẫn, mình thấy yên tâm hẳn. Sau vài ngày tìm hiểu và hướng dẫn thủ tục liên quan, mình đã được giải ngân số tiền 100 triệu đồng để đầu tư sửa sang lại cửa hàng phục vụ tốt hơn nhu cầu kinh doanh của gia đình.
Thực tế, mô hình điểm giao dịch xã không chỉ tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ, thông tin về tín dụng chính sách, tiết giảm chi phí, thời gian đi lại, mà còn đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách xã hội dân chủ, công khai với cách thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách tại địa bàn.
Có mặt tại phiên giao dịch tại phường Thủy Châu, điều dễ dàng cảm nhận chính là sự gần gũi giữa người vay vốn, tổ tiết kiệm và vay vốn, cán bộ hội, đoàn thể và cán bộ ngân hàng tại phiên làm việc. Chính sự gần gũi này giúp cán bộ ngân hàng nắm bắt được các thông tin, khó khăn cũng như tình hình triển khai và sử dụng vốn vay của mỗi một khách hàng. Trong mỗi đầu phiên giao dịch, ngân hàng với hội, đoàn thể nhận ủy thác và tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn đều tiến hành họp giao ban triển khai các chính sách mới; chia sẻ các khó khăn phát sinh, từ đó phối hợp tìm giải pháp tháo gỡ trong từng tình huống cụ thể.
Ông Võ Trọng Đức, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thủy Châu cho hay, cứ đúng sáng 15 hằng tháng, chúng tôi lại đến UBND phường sớm hơn mọi ngày. Vừa để chuẩn bị cho các hoạt động giao dịch, vừa nắm bắt lại các thông tin cần thiết để cùng chia sẻ với cán bộ tín dụng. Tại các phiên này, khó khăn trong quá trình thực hiện hỗ trợ tiếp cận vốn vay của người dân được cán bộ tín dụng hướng dẫn chi tiết, đảm bảo đúng quy trình.
Ngoài ra, các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi, danh sách khách hàng đang vay vốn cũng như các thông tin về điều kiện, quy trình, thủ tục vay vốn của từng chương trình cho vay của NHCSXH cũng được niêm yết công khai. Khách hàng có thể thực hiện giao dịch gửi tiền tiết kiệm, nhận tiền vay và trả nợ dưới sự chứng kiến của các hội đoàn thể nhận ủy thác, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, chính quyền cấp xã. Nhờ đó, mối quan hệ giữa cán bộ tín dụng với các tổ, hội được gắn kết hơn, qua đó, cũng giúp cho hoạt động của hội chuyên nghiệp và có sức hút với hội viên hơn.
Hiện, trên địa bàn thị xã Hương Thủy đã thành lập và duy trì có hiệu quả 10 điểm giao dịch tại 10 xã, phường vào các ngày cố định từ ngày 6 đến 19 hằng tháng, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật. Các hoạt động giao dịch được UBND cấp xã tạo điều kiện về cơ sở vật chất, địa điểm giao dịch cũng như đảm bảo an ninh, an toàn.
Ông Châu Đình Ngữ, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH Hương Thủy cho biết, điểm giao dịch về tận xã, phường đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận được chính sách ưu đãi một cách dễ dàng nhất. Thông qua các điểm giao dịch này, công tác quản lý vốn vay được giám sát chặt chẽ và hiệu quả hơn. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm giao dịch xã, đơn vị luôn tuân thủ chặt chẽ quy trình nghiệp vụ, củng cố, nâng cao chất lượng phục vụ, chất lượng tín dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.
Nhờ tổ chức tốt các phiên giao dịch tại các điểm giao dịch xã, chất lượng hoạt động tín dụng chính sách cấp xã, chất lượng hoạt động ủy thác tại Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Hương Thủy được nâng lên rõ rệt. Hiện, tổng dư nợ tín dụng chính sách đến ngày 30/6/2024 trên địa bàn đạt 446.530 triệu đồng với 7.700 khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn.