Xưởng sản xuất pallet của anh Lam còn hỗ trợ giải quyết việc làm cho gần 10 lao động
Bà đỡ
Tốt nghiệp Đại học Kinh tế loại giỏi, sau một thời gian lăn lộn vẫn không thể tìm kiếm được công việc phù hợp với mức lương mong muốn, chị Trần Thị Phụng quyết định “treo bằng” và vay vốn làm “nông dân”. Số vốn 100 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) thông qua tổ tiết kiệm vay vốn của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hương Vân (TX. Hương Trà), tận dụng diện tích sân vườn, chị đầu tư phát triển mô hình nuôi gà lấy trứng.
“Trong phát triển kinh tế nông thôn, vốn ưu đãi là quan trọng nhất nên khi tiếp cận được chương trình vay vốn này tôi thấy rất an tâm. Lãi suất vay không cao, lại có thể tiết kiệm hàng tháng để trả nên không mấy áp lực. Cán bộ tín dụng chính sách, hội phụ nữ cũng thường xuyên theo dõi quá trình chăn nuôi để khi gặp khó khăn có thể hỗ trợ ngay. Thậm chí, các đơn vị còn giới thiệu các điểm bán hàng để đưa trứng gà ra thị trường, nên kinh tế gia đình nhờ đó cũng ổn định”, chị Phụng cho hay.
Cũng từ nguồn vốn vay này, anh Nguyễn Văn Lam, xã Hương Phú, huyện Nam Đông có cơ hội đầu tư mở rộng xưởng sản xuất pallet gỗ (kệ kê hàng), rồi thành lập doanh nghiệp sản xuất pallet cung cấp sản phẩm cho nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh.
Năm 2017, xưởng pallet của anh Lam chỉ có 1 máy cưa, cắt gỗ trong khi nhu cầu trên địa bàn khá lớn nên anh đăng ký vay vốn giải quyết việc làm của NHCSXH huyện để mở rộng sản xuất. Với nguồn vốn vay ban đầu 50 triệu đồng, anh đầu tư thêm máy móc, nhờ đó, tăng khối lượng hàng hóa sản xuất, thị trường rộng mở, anh Lam có thêm nguồn vốn quay vòng. Trả hết gốc, lãi, anh tiếp tục vay thêm 100 triệu đồng đầu tư 5 máy cưa, cắt gỗ. Quá trình sản xuất được tự động, thị trường lớn, mỗi năm đạt doanh thu trên 7 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động với mức lương từ 4 -5 triệu đồng/tháng.
Số liệu từ Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho thấy, kế hoạch vốn tín dụng giải quyết việc làm năm 2020 đạt gần 39 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn NHCSXH huy động 22 tỷ đồng, nguồn vốn ủy thác địa phương gần 17 tỷ đồng. Đến cuối tháng 10/2020, tăng trưởng tín dụng của chương trình này thực hiện đạt trên 98% so với kế hoạch, với dư nợ trên 209 tỷ đồng và hơn 6.000 hộ còn dư nợ.
Thiếu vốn
Là một trong những chương trình tín dụng chính sách có ý nghĩa quan trọng góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, từ nguồn vốn này mỗi năm trên địa bàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên một nghìn lao động với thu nhập ổn định.
Theo Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH TX. Hương Trà- Trương Công Huy, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đến nay vẫn còn khá hạn chế, chưa đáp ứng được cầu.
“Không phải hộ nào có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm đều có thể vay được ngay, vì nguồn cho vay thường rất hạn chế, trong khi số hộ có nhu cầu vay vốn lại đông. Do đó các tổ tiết kiệm vay vốn phải cho các hộ đăng ký trước, khi nào NHCSXH thông báo kế hoạch phân bổ vốn vay cho từng chương trình thì các tổ mới tiến hành bình xét, chọn lựa theo thứ tự ưu tiên. Nhiều hộ phải chờ đợi một vài tháng mới có thể vay vốn”.
Ông Huy dẫn chứng, năm 2020, trên địa bàn TX. Hương Trà được NHCSXH tỉnh bổ sung 4,5 tỷ đồng, UBND TX. Hương Trà bổ sung 700 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách thị xã để cho vay giải quyết việc làm. Trong khi nhu cầu vốn thực tế của các hộ vay trên địa bàn phải gấp đôi con số trên, vì thế rất khó cho người vay lẫn phòng giao dịch và các tổ khi thực hiện cho vay.
Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Văn Đức Thọ lý giải, nguồn vốn từ Trung ương chuyển về bổ sung cho vay giải quyết việc làm không nhiều. Nguồn vốn cho vay chủ yếu từ nguồn vốn NHCSXH Việt Nam huy động và nguồn vốn nhận ủy thác tại các địa phương chuyển sang để cho vay. Thực tế, nguồn vốn ủy thác của các địa phương rất thấp, trong khi có rất nhiều chương trình cho vay đang triển khai. Tỷ trọng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm trong tổng nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng trên địa bàn thấp, chỉ chiếm 7,14% trên tổng dư nợ các chương trình cho vay của Chi nhánh NHCSXH tỉnh (tính đến 31/10). Do vậy, nguồn vốn này hiện chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động, nhất là đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp.
“Trước mắt, để giải quyết vấn đề này, NHCSXH tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bố trí vốn cho vay một cách hợp lý theo từng chương trình, theo từng đối tượng thụ hưởng, đảm bảo công bằng, phát huy hiệu quả sử dụng vốn. Tăng cường đôn đốc thu hồi nợ đến hạn để cho vay quay vòng từ nguồn vốn thu hồi, tạo điều kiện cho nhiều người có cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng chính sách. Về lâu dài, chúng tôi rất mong Trung ương, tỉnh và các huyện, thị xã, TP. Huế quan tâm bổ sung thêm nguồn vốn vay, vốn ủy thác nhằm đáp ứng nhiều hơn nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn”, ông Thọ chia sẻ.
Bài, ảnh: Hoàng Loan