Tiện đâu đỗ đó
|
Lòng đường Đống Đa thành bãi đỗ ô tô
|
Đường Đống Đa dù đang trong giai đoạn mở rộng, nâng cấp, với khối lượng công việc đồ sộ đang được hàng trăm công nhân, phương tiện máy móc tập trung thi công cả ngày lẫn đêm. Thế nhưng, giờ tan tầm, hàng chục chiếc ô tô dưới 7 chỗ đậu san sát dưới lòng đường gây ra cảnh ùn tắc giao thông, mà cao điểm là ở trước hai trường mầm non: Hoa Mai và Mầm Non I. “Chiều nào cũng vậy, tôi phải tranh thủ về sớm để đón con. Hôm nào bận đón con lúc 4 giờ rưỡi chiều là khó mà chen lọt giữa rừng xe, người tấp nập”, chị Phan Thị Thanh Nhàn, vừa hối hả đón con, vừa nói.
Đường Nguyễn Huệ đoạn từ Phan Bội Châu đến Điện Biên Phủ dù không có trường học nào nhưng tình trạng đỗ xe ô tô dưới lòng đường, gây cản trở giao thông cũng thường xuyên diễn ra. Theo quan sát của chúng tôi, có nhiều chủ phương tiện dù không có nhà ở đoạn đường này nhưng đang đi công tác, hoặc chỉ là ăn sáng, uống cà phê ở đâu đó cũng tiện đường đổ xe. Chiều dài chưa tới cây số nhưng chúng tôi đếm có hơn 20 chục chiếc xe đậu dọc hai bên tuyến đường mỗi ngày. Hay như đường Trần Thúc Nhẫn, đoạn gần khách sạn Song Cầm cũng thường xuyên diễn ra tình trạng lộn xộn các xe dừng, đón trả khách. Nhiều lần đi làm chúng tôi phải dừng lại và phát cáu vì phải chờ đợi lâu mới vượt qua.
Đường Bà Triệu, đoạn gần chợ Cống cũng lộn xộn tình trạng đón, đỗ khách trước khách sạn Gold và các quán ăn, nhà hàng. Tầm hơn 7 giờ mỗi ngày, khu vực này càng hỗn độn các loại phương tiện đậu, đỗ, nhất là các loại xe du lịch, xe ô tô. Nhiều người đi đường than phiền nhưng việc giải quyết xem chừng không dễ.
Cao điểm về việc thiếu bãi đỗ xe còn phải kể đến ở các tuyến phố du lịch và ở các bến thuyền nghe ca Huế như Báo Thừa Thiên Huế phản ánh. Nếu không có sự quyết liệt của chính quyền và các ngành liên quan, thì vấn đề này sẽ mãi là: “chuyện cũ, biết rồi, nói mãi”.
Quy hoạch lâu dài
Việc thiếu bãi đỗ xe không còn là chuyện riêng ai. Cuộc sống ngày càng phát triển, nhu cầu của người dân càng tăng cao. Sắp tới, khi Nhà nước miễn giảm toàn bộ thuế, chắc chắn số lượng ô tô sẽ phát triển theo không chỉ cấp số cộng. Tuy nhiên, có thực tế là hệ thống giao thông tĩnh của chúng ta hiện còn lạc hậu, yếu kém. Đô thị Huế lại được thừa hưởng từ đô thị cũ lâu đời, do đó, hệ thống giao thông không đáp ứng nhu cầu.
Đem vấn đề này đến gõ cửa Sở Giao thông Vận tải, chúng tôi nhận được những cái thở dài cho vấn nạn thiếu bãi đỗ xe. Ông Vũ Văn Thanh, Trường phòng Quản lý giao thông bắt đầu câu chuyện bằng những lo lắng: “Đây là vấn đề khó, bởi vậy mà dù giao nhiều đơn vị tham mưu cũng không đem lại kết quả nên tỉnh giao cho chúng tôi, vì chúng tôi quản lý phương tiện, đăng kiểm”. Ông Thanh tiếp: “Khảo sát rồi, lập danh sách những điểm đỗ xe tạm thời để giải quyết tình trạng thiếu bãi đổ xe trước mắt, chưa kịp trình UBND tỉnh thì vướng Nghị định 100 của Chính phủ vừa mới ban hành ngày 3/9/2013”. Hiện nay, TP Huế có thể xem như thiếu quỹ đất để xây dựng bãi đỗ xe, do đó chúng tôi lập danh sách cho các phương tiện đậu đỗ ở những tuyến đường ít người qua lại, mặt đường rộng, như Nguyễn Huệ, Đội Cung, Nguyễn Thị Minh Khai…, song quy định của Chính phủ lại cấm đỗ xe dưới lòng đường ở những tuyến đường có mặt đường rộng dưới 10,5m, vỉa hè 1,5m. Xét theo tiêu chí này, thì Huế không có đường nào đạt chuẩn. Do đó, chúng tôi đang làm tờ trình, trình UBND tỉnh xem xét để phân luồng giao thông hợp lý cho tuyến phố trọng điểm về du lịch ở các đường: Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, Võ Thị Sáu, Đội Cung. Trong đó, chúng tôi đề xuất tổ chức giao thông một chiều ở đường Đội Cung, bởi đường có mặt đường rộng 14m. Theo đó, để bản hướng dẫn dừng đỗ xe ô tô phía tay phải từ đường Lê Lợi vào. Chúng tôi đang triển khai kẻ vạch, sơn, phân tuyến”…
Với những khu vực khác, câu chuyện bãi đỗ xe sẽ khó có hồi kết, nếu như chưa có sự quyết liệt nay từ bây giờ, và bài toán về quy hoạch cần được tính toán cụ thể hơn, nếu không trong vòng 5-10 năm nữa, TP Huế cũng không khác Hà Nội và TP Hồ Chí Minh về tình trạng ùn tắc giao thông. Và dù đường từ nhà đến cơ quan, nơi làm việc, trường học không xa, nhưng chắc chắn mỗi người dân, cán bộ, học sinh phải đi làm, đi học sớm hơn.
Giám đốc Sở Xây dựng, Nguyễn Minh Dũng cho hay, trước đây, trong quy hoạch phát triển TP Huế cũng có nhiều điểm dừng đỗ xe, nhưng hiện nay đều đã lạc hậu và không đáp ứng đủ nhu cầu phát triển ngày càng tăng về số lượng phương tiện ô tô các loại. Vì thế, tỉnh đã giao các ngành liên quan thực hiện việc điều tra thực trạng để tham mưu tỉnh quy hoạch bãi đỗ xe lâu dài.
Ông Vũ Văn Thanh, Trưởng phòng Quản lý giao thông - Sở Giao thông vận tải:
Sân vận động Tự Do là địa điểm phù hợp để xây dựng bãi đỗ xe
Tôi thường nói với anh em trong cơ quan cũng như bạn bè đồng nghiệp, thậm chí, trong một vài cuộc họp tôi cũng mạnh dạn đề xuất tỉnh xem xét di dời sân vận động Tự Do về Khu đô thị mới An Vân Dương, dành quỹ đất đó xây dựng bãi đỗ xe cao tầng. Hiện nay, quỹ đất của chúng ta gần như không còn đủ để xây dựng một bãi đỗ xe đáp ứng các tiêu chí như quy định của Nhà nước. Đây là khu vực trung tâm, tập trung đông dân cư, cơ quan hành chính Nhà nước, các khách sạn, nhà nghỉ… Nếu di dời sân vận động về Khu đô thị An Vân Dương sẽ đảm bảo không ùn tắc giao thông mỗi khi có các trận bóng đá, hay các sự kiện lớn. Vấn đề cháy nổ, đường thoát nạn cũng khá tốt, bởi hầu hết các tuyến đường ở Khu đô thị mới An Vân Dương đều đảm bảo tiêu chí đường đô thị, có mặt đường rộng từ 50m trở lên.
T.Huệ (ghi)
|