ClockThứ Sáu, 08/03/2019 14:54

Bộ GTVT thanh tra việc đào tạo lái xe ở 13 tỉnh, thành phố

Trước những vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra liên tiếp thời gian qua, Bộ GTVT sẽ thanh tra việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe tại 13 tỉnh, thành.

Theo quyết định của Bộ GTVT, đoàn thanh tra của Bộ GTVT do ông Trịnh Văn Tùng, Trưởng phòng Thanh tra 3 (Thanh tra Bộ GTVT) làm trưởng đoàn. Đoàn thanh tra có nhiệm vụ thanh tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ tại 13 tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hà Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang.

Bộ GTVT quyết định thanh tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX của 13 tỉnh, thành phố - Ảnh minh họa.

Bộ GTVT giao Chánh Thanh tra Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch thanh tra, giám sát hoạt động của đoàn thanh tra, thay đổi thành viên đoàn thanh tra; chỉ đạo, theo dõi, giúp Bộ trưởng Bộ GTVT xử lý hoặc trình Bộ trưởng Bộ GTVT xử lý theo thẩm quyền các kiến nghị của đoàn thanh tra.

Thời kỳ thanh tra bắt đầu từ ngày 1/1/2018 đến thời điểm thanh tra. Thời hạn thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra. Việc thanh tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ tại các tỉnh, thành phố nêu trên nằm trong kế hoạch thanh tra năm 2019 của Bộ GTVT.

Trước đó, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 2782/2018 "Phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chất lượng đào tạo, sát hạch và quản lý giấy phép lái xe đảm bảo an toàn giao thông".

Theo đó, mục tiêu của Đề án nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, khai thác hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và đảm bảo chất lượng của đội ngũ lái xe. Đồng thời, phát huy hiệu quả của các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch hiện có với quy mô theo hướng hiện đại, phù hợp với khả năng đầu tư và đặc điểm của từng địa phương.

Đề án sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp như: quy hoạch, chiến lược và xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý Nhà nước; kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; nâng cao công tác sát hạch lái xe; giải pháp về nâng cao chất lượng quản lý, cấp giấy phép lái xe, cơ sở dữ liệu quản lý GPLX; quản lý lái xe sau khi đào tạo và quản lý lái xe kinh doanh vận tải...

Với giải pháp về kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp GPLX, Bộ GTVT sẽ tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất và giám sát công tác đào tạo lái xe tại tất cả các sở GTVT trong toàn quốc. Xử lý nghiêm, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi giấy phép đào tạo các cơ sở đào tạo lái xe ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn. Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp giữa Bộ GTVT, Bộ Công an và các địa phương trong công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ người lái xe khi tham gia giao thông cũng như khi tham gia học, sát hạch, cấp GPLX.

Về giải pháp về nâng cao chất lượng quản lý, cấp GPLX, cơ sở dữ liệu quản lý GPLX, đáng chú ý, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Công an để chia sẻ dữ liệu vi phạm của người lái xe, không để xảy ra tình trạng người bị tạm giữ GPLX giả khai báo mất để được cấp lại GPLX.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương

Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một sự kiện lớn của Thừa Thiên Huế. Sự kiện này mở ra cơ hội để Huế phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, còn ít doanh nghiệp (DN) có kế hoạch tận dụng bối cảnh này để phát triển, mở rộng quy mô.

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương
Bầy chim trong thành phố

Nghĩ về những chú chim quẩn quanh trong lòng phố, không dưng tôi thấy lòng lâng lâng niềm vui khó tả.

Bầy chim trong thành phố

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top