ClockThứ Sáu, 26/02/2021 07:30

Cầu hỏng sau hơn 3 tháng đưa vào sử dụng

TTH - Nằm trong hệ thống xây cầu dân sinh theo dự án LRAMP (Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương) ở Thừa Thiên Huế, cầu Khe Chai (xã Đông Sơn, A Lưới) có tổng vốn xây dựng hơn 2,3 tỷ đồng vừa đưa vào sử dụng hơn 3 tháng đã hư hỏng nghiêm trọng.

Vui cùng LRAMPĐưa 3 tuyến đường dân sinh liên xã hơn 18 tỷ đồng vào sử dụngXây cầu gây mất an toàn giao thông đường thủy

Lãnh đạo xã Đông Sơn huy động người dân làm cầu tạm nối vào hai bên cầu Khe Chai giúp dân đi lại từ tháng 11/2020

Hỏng sau 3 tháng đưa vào sử dụng

Cầu Khe Chai, xã Đông Sơn nằm trên tuyến đường trung tâm kết nối với xã Lâm Đớt và Hương Phong ở huyện A Lưới. Đây là công trình có ý nghĩa thiết thực tạo điều kiện cho người dân tại vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đi lại thuận tiện, nhất là trong mùa mưa lũ; đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.

Theo thiết kế, cầu Khe Chai có chiều rộng 3,5m, dài hơn 102m bằng bê tông cốt thép, dự ứng lực có tuổi thọ 50 năm, được khởi công xây dựng từ tháng 6/2018. Tuy nhiên sau khi bàn giao đưa vào sử dụng vào tháng 7/2020 thì khoảng 3 tháng sau cầu này đã hư hỏng nghiêm trọng.

Ghi nhận của chúng tôi, lề đường hai đầu cầu bị xói lở, đất đắp chân khay ở hai mố cầu sụp lở như hố bom để lộ chân cầu. Đường dẫn lên cầu bị hở tách rời làm việc đi lại của người và phương tiện bị chia cắt.

Bà Hồ Thị Bào (79 tuổi, người dân thôn Rơ Môn, Đông Sơn) bức xúc: “Cầu mới đưa vào sử dụng chưa hết mùi xi măng mà đã lún sụp. Không biết hiểu họ xây cầu kiểu gì mà chất lượng lại như thế. Rất lãng phí tiền bạc”.

Ông Hồ Văn Tôi, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn cho biết, khi cầu Khe Chai ra đời, bà con địa phương đều phấn khởi vui mừng vì ước nguyện bao nhiêu năm có chiếc cầu đi lại vững chãi của họ đã thành hiện thực, xóa bỏ tình trạng giao thông chia cắt, thuận tiện cho đi lại, nhất là con em học sinh không còn khó khăn trong việc đến trường vào mùa mưa lũ. Thế nhưng khi thông cầu được vài  tháng sau, gặp các trận lũ tháng 9 và tháng 10/2020 thì hai đầu cầu Khe Chai bị lở, lún sụp nghiêm trọng. 

Theo Chủ tịch UBND xã Đông Sơn, với sự cố trên, lãnh đạo địa phương đã kiến nghị lên các cấp, đơn vị liên quan nhưng chỉ được trả lời sẽ sớm khắc phục, sửa chữa nhưng rồi vẫn chờ. Trước nhu cầu đi lại bức thiết của người dân địa phương, tháng 11/2020, lãnh đạo xã trích vốn ngân sách gần 29 triệu đồng, huy động người dân làm cầu tạm bằng ván gỗ để kết nối hai đầu mố cầu Khe Chai, giúp bà con lưu thông qua lại nhưng chỉ phục vụ cho người đi bộ và xe máy.

chân cầu Khe Chai đã bị lún sụp nghiêm trọng sau trận mưa lũ hồi tháng 10/2020

Hư hỏng do mưa, lũ?

Nằm trong dự án LRAMP, trên địa bàn Thừa Thiên Huế từ năm 2017 đến nay, 16 cầu dân sinh với nguồn vốn gần 60 tỷ đồng được xây dựng. Trong đó, huyện vùng cao A Lưới được phê duyệt 8 cây cầu, đến nay cơ bản đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Đại diện Phòng Quản lý Giao thông-Sở Giao thông Vận tải (GTVT) thông tin, hệ thống cầu LRAMP được xây dựng ở Thừa Thiên Huế nói chung và cầu Khe Chai là do Ban quản lý dự án 4, thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam có trụ sở tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư và đơn vị hợp đồng thi công là Công ty CP Xây dựng giao thông Thừa Thiên Huế và Công ty CP Xây dựng 939 tại TP. Huế. Trách nhiệm của Sở GTVT chỉ phối hợp thực hiện.

Nguyên nhân khiến cầu Khe Chai hư hỏng, ông Nguyễn Đình Bảo, Giám đốc Công ty CP Xây dựng Giao thông Thừa Thiên Huế, đơn vị được hợp đồng thi công cầu Khe Chai giải thích, sau khi cầu được nghiệm thu và bàn giao đi vào hoạt động thì địa bàn xã Đông Sơn chịu ảnh hưởng của những trận lũ lớn hồi tháng 9 và 10/2020. Thời điểm đó, cầu Khe Chai và đường dẫn lên cầu bị ngập, địa hình dòng suối Khe Chai khúc khuỷu tạo dòng chảy mới và xoáy xiết làm cuốn trôi những tầng đất đá làm chân hai đầu cầu bị lún sụp.

“Đơn vị thi công làm đúng theo thiết kế và có đơn vị giám sát đầy đủ nhưng thiên tai, bão lũ là sự cố ngoài ý muốn”- ông Nguyễn Đình Bảo nói.

Theo đơn vị thi công, sau khi sự cố của cầu Khe Chai, đơn vị đầu tư và thi công tiến hành khảo sát để xây dựng phương án khắc phục sửa chữa, bởi công trình còn nằm trong giai đoạn bảo hành. Tuy nhiên, phương án đưa ra khắc phục thực tế không bền vững mà cần thêm nguồn kinh phí lớn, vì không chỉ khắc phục bằng việc gia cố bằng rọ đá để đảm bảo an toàn cho phần chân cầu mà phải nạo vét, tạo dòng chảy ở suối Khe Chai và hai bên bờ phải gia cố lát đá tránh xói lở khi mưa lũ xảy ra...

Ông Đoàn Anh Hải, Phó Giám đốc Công ty CP Xây dựng Giao thông Thừa Thiên Huế thông tin, để đảm bảo khắc phục cầu Khe Chai một cách bền vững, hiện nay, chủ đầu tư đang lập hồ sơ thiết kế trình Tổng cục Đường bộ Việt Nam xin nguồn vốn khắc phục bão lũ hàng năm. Dự kiến nguồn kinh phí khắc phục sửa chữa khoảng 1,2 tỷ đồng...

Bài, ảnh: Song Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khen thưởng 100 khách hàng sử dụng tiết kiệm điện năm 2024

Sáng 21/11, lãnh đạo Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) thông tin, đơn vị đang tiến hành trao giải và giấy chứng nhận cho 100 khách hàng tiêu biểu đã đạt các tiêu chí của chương trình “Hộ gia đình tiết kiệm điện năm 2024” do đơn vị phát động.

Khen thưởng 100 khách hàng sử dụng tiết kiệm điện năm 2024
Return to top