Khoảng nửa tháng nay, thấy đường phố tinh tươm hơn; cụ thể là đường Điện Biên Phủ. Trước đây hàng quán bạ lấn chiếm vỉa hè nhiều. Cũng có nhiều lần trật tự phường đi dẹp nhưng đâu lại vào đấy. Sau nhiều lần bị tịch thu bàn ghế, người dân tỏ ra “cảnh giác cao độ” và tự “liên kết”, lập ra "đường dây nóng". Lực lượng trật tự làm việc ở đầu này thì y như rằng qua “đường dây nóng”, đầu kia người dân đã biết mà dọn dẹp. Nó giống như chuyện tài xế lái xe đối phó với lực lượng cảnh sát giao thông. Trên đường đi, những chiếc xe chạy ngược chiều nhau thường hay nháy đèn pha cho nhau đó chính là tín hiệu có lực lượng cảnh sát giao thông ở phía trước hay không. Nếu có thì phải cẩn thận chạy đúng tốc độ, đúng làn đường; nếu chở quá tải, quá người thì phải tìm giải pháp ứng phó.
Phường Trường An ra quân tuyên truyền, lập lại trật tự đô thị. Ảnh: T.Huệ
Lần này thì khác, một thông điệp kiên quyết chống lấn chiếm vỉa hè đưa ra hết sức cương quyết và rõ ràng. Trước Trường trung cấp Giao thông vận tải có một quán vịt khá nổi tiếng. Mỗi buổi chiều, quán này bán đến 70-80 con vịt; phục vụ cho một lượng khách khá lớn. Vì vậy, hầu như vỉa hè ở trước quán bị chiếm trọn. Mấy hôm nay không thấy quán bán. Hỏi một chủ xe bánh mì thì được biết lực lượng trật tự không cho. Sao hôm trước không cho mà vẫn bán được, cứ chờ lực lượng trật tự đi xong rồi bán tiếp như mọi khi không được à?- Tôi hỏi? và chị ấy trả lời: Không được, họ trị chết! Nay họ làm kiên quyết lắm.
Ở đây, có lẽ chúng ta còn băn khoăn đôi chút về công ăn việc làm của người dân. Chứ thực ra nếu kiên quyết, có giải pháp hẳn hoi, có tổ chức lực lượng và giao rõ trách nhiệm thì cái gì cũng làm được. Bây giờ lại được sự hỗ trợ của “Đô thị thông minh”, tức là các camera quan sát thì việc kiểm tra giám sát càng dễ dàng hơn.
Không phải chỉ có vỉa hè ở đường Điện Biên Phủ mà nhiều vỉa hè khác cũng trở nên tinh tươm hơn.
Nếu chúng ta nhìn nhận ở khía cạnh công ăn việc làm, thu nhập của người dân thì gợn lên chút băn khoăn cũng là điều không phải là không có lý. Nhưng nếu nhìn ở những khía cạnh khác thì việc dẹp lấn chiếm vỉa hè là việc phải kiên quyết làm.
Vỉa hè là không gian công cộng. Phải trả nó về đúng chức năng của nó. Anh lấn chiếm vỉa hè, tức là anh xâm phạm đến quyền lợi cộng đồng. Không thể hy sinh quyền lợi cộng đồng cho lợi ích riêng của một người nào đó được! Hơn nữa, đây là sự công bằng trong môi trường hoạt động kinh tế. Ở tầm vĩ mô, nhiều nhà kinh tế cho rằng có nhiều yếu tố quan trọng đối với hoạt động của doanh nghiệp: như vốn, năng lực quản trị, nguồn nhân lực, trình độ thiết bị máy móc… thì có một điều hết sức quan trọng đó là môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Một khi chính sách, hoặc là một môi trường kinh doanh “thiên vị” cho một nhóm nào đó thì cũng đồng nghĩa tước đi quyền lợi của một hoặc nhiều nhóm khác. Việc lấn chiếm vỉa hè tưởng là chuyện nhỏ nhưng xét ở khía cạnh môi trường cạnh tranh là không hề nhỏ. Chúng ta đều biết, việc thuê mặt bằng kinh doanh bây giờ có những nơi không hề rẻ. Một m2 có khi lên đến hàng chục triệu đồng một năm. Giả sử như kinh doanh cùng mặt hàng, người không phải tốn tiền thuê mặt bằng đã có “lợi thế cạnh tranh” so với người phải bỏ chi phí thuê mặt bằng. Môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh chính là ở chỗ này.
Đó là chưa nói đến vấn đề mỹ quan, trật tự đô thị.
Có một vấn đề khác đôi khi chúng ta không nhìn thấy rõ ràng, nhưng không loại trừ đó là vấn đề không hề nhỏ - là góp phần “tha hóa” một bộ phận nào đó của bộ máy quản lý nhà nước. Chúng ta thử xem vấn đề này là như thế nào?
Ví dụ như một nhà hàng ăn uống không đủ rộng để có nơi đỗ xe (honda, ô tô) buộc họ phải lấn vỉa hè (tình trạng này ở TP. Huế nhìn đâu cũng thấy). Làm như vậy là phạm luật nhưng sao nó vẫn tồn tại? Rất có thể có một sự “bắt tay ngầm nào đó để làm ngơ”. Tại sao chúng ta không có quyền nghi ngờ điều này? Ở TP. Hồ Chí Minh, chiến dịch dẹp lấn chiếm vỉa hè cách đây chưa lâu đã “hé lộ” thông tin về sự “đụng chạm lợi ích” của những nhóm lợi ích. Huế chưa hẳn là không có tình trạng này.
Nói tóm lại, một chủ trương nào đó đưa ra một thông điệp rõ ràng, một cách làm cương quyết; một cách thức tổ chức thực hiện cụ thể… thì rất dễ thành công. Chuyện dẹp lấn chiếm vỉa hè ở Huế đang thực hiện cho thấy điều đó. Vấn đề là thông điệp kiên quyết xử lý của chính quyền phải được “phát ra liên tục” để nhắc nhở người dân thực hiện.
Nguyên Lê