Có rất nhiều phong trào được phát động với nhiều hình thức và mục đích khác nhau. Những phong trào đã trở thành truyền thống, mang tính cộng đồng cao, hiệu quả tích cực như: Phong trào đền ơn đáp nghĩa, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phong trào xây dựng nông thôn mới…
Đã là phong trào thì phải có tính tích cực, mạnh mẽ và tính thi đua cao. Nhưng thực tế có nhiều phong trào chỉ làm tốt ban đầu, được một thời gian rồi lắng xuống; làm theo kiểu có phát động, có làm nhưng không xác định được hiệu quả, tự nhiên kết thúc “không kèn không trống”; theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”.
Chẳng hạn như xử lý lấn chiếm vỉa hè thời gian gần đây khi các đô thị mở các “chiến dịch” giải tỏa lấn chiếm vỉa hè, lòng đường nhưng chỉ được một thời gian ra quân rầm rộ rồi tự nhiên kết thúc khi nào không hay. Điển hình gần đây, quận 1, TP. Hồ Chí Minh và nhiều đô thị trong cả nước với khí thế rầm rộ ra quân lập lại kỷ cương trật tự đô thị. Mới đầu người ta căn ke từng cm bị lấn chiếm, làm ráo riết từng việc từ nhỏ đến lớn. Nhưng khi lực lượng ra quân dừng tay thì đâu lại vào đó, vỉa hè bị lấn chiếm trở lại.
Ngay như việc xử phạt vi phạm theo luật giao thông cũng vậy. Khi luật mới có hiệu lực các lực lượng ráo riết xử lý các lỗi như thiếu gương chiếu hậu, thiếu đèn, không mua bảo hiểm phương tiện, không đội mũ bảo hiểm... Song được một thời gian khi cùng các lỗi như vậy nhưng các lực lượng kiểm tra cũng bỏ qua, trừ khi có tai nạn. Vào các dịp lễ đoàn thanh niên huy động một lượng lớn đoàn viên đi cạo, bóc quảng cáo dán ở cột điện, tường rào nhưng xong được ít ngày giấy quảng cáo lại dán đầy trở lại. Không có cách nào hiệu quả hay hơn hay sao?
Chúng ta có vô số việc liên quan đến chức năng quản lý khi kiểm tra, khi ra quân thì rầm rộ nhưng khi cấp trên thiếu kiểm tra, đôn đốc thì tự nhiên… mất hút. Chỉ khi nào xảy ra sự cố mới cuống cuồng. Chẳng hạn như xảy ra ngộ độc thực phẩm mới huy động kiểm tra nguồn cung cấp thực phẩm; xảy ra cháy chung cư cao tầng gây chết người khi đó lực lượng phòng cháy mới kiểm tra an toàn phòng cháy… Đó là kiểu làm theo tư duy ngắn hạn, thiếu tầm nhìn, thiếu trách nhiệm mà lẽ ra những việc đó phải có kế hoạch dài hạn, làm thường xuyên, làm bài bản theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Khi phát động phong trào làm một nhiệm vụ nào đó cũng là thực hiện nhiệm vụ chính trị, nó đòi hỏi phải tính đến hiệu quả. Tuy nhiên, cái khó là cùng một lúc có nhiều lực lượng tham gia, thậm chí huy động có tính cộng đồng nhưng không phải ngành nào cũng tham gia tích cực, có trách nhiệm. Trong điều kiện hiện nay phát động các phong trào là cần thiết nhưng cần phải cụ thể hơn, có chiều sâu, bài bản, đi vào thực chất. Kiểm tra, thanh tra chuyên ngành cần phải chủ động hơn trong chức năng quản lý nhà nước, tránh làm theo kiểu “phong trào”.
NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH