ClockThứ Bảy, 13/04/2019 13:30

Chiếu sáng đô thị Huế: Đủ sáng & tạo dấu ấn

TTH - Thời gian gần đây, khu vui chơi, cộng cộng sáng đèn về đêm; người dân ủng hộ việc hạn chế một vài ngọn đèn trong nhà để thắp sáng trước mặt tiền; các công trình kiến trúc lịch sử, các tòa nhà cao tầng tỏa sáng lung linh…

Sáng nhưng phải đẹp & hài hòa

Ngã sáu Hùng Vương luôn sáng, đẹp về đêm. Ảnh: NAM LONG

“Việc thắp sáng làm cho Huế đẹp hơn, có sức sống hơn. Và tất nhiên không chỉ du khách mà người dân cũng thích thú, hào hứng hơn với việc ra đường, đi chơi thay vì tắt đèn để đi ngủ sớm” – chị Nguyễn Ý Nhi (trú đường Bà Triệu) chia sẻ.

Chiếu sáng là “linh hồn” của du lịch về đêm

Chị Nhi nhớ lại câu chuyện hơn 2 năm về trước, khi đó UBND TP. Huế đã kêu gọi các cơ quan và người dân trên địa bàn bật điện chiếu sáng mặt tiền trụ sở, nhà ở vào các ngày cuối tuần. Không ngần ngại, chị cùng nhiều người trong khu phố của mình hưởng ứng với suy nghĩ để Huế sẽ đẹp, năng động hơn và người có lợi là chính mình.

Không riêng gì các tuyến đường, những khu công cộng như công viên, di tích về đêm của Huế được quan tâm hơn trong vấn đề thắp sáng, tạo nên điểm đến trở thành điểm nhấn về đêm trong lòng du khách. UBND TP. Huế cho rằng ưu tiên hàng đầu trong vấn đề thắp sáng đô thị được thực hiện dọc hai bờ sông Hương bởi đó được xem là “linh hồn của thành phố du lịch về đêm”.

Rực rỡ đôi bờ sông Hương. Ảnh: HOÀNG HẢI

Không riêng những ngày cuối tuần, những ngày bình thường những khu như Kỳ Đài trước mặt Ngọ Môn, Bia Quốc Học, đường đi bộ, các công viên lân cận… trở nên đông đúc, nhộn nhịp nhờ vào một phần hệ thống chiếu sáng.

Tuy nhiên, ý kiến của một số người dân cho rằng, bên cạnh đầu tư ở khu vực trung tâm cũng cần để ý đến những tuyến đường dẫn ra ngoại ô, hướng về các khu vực như đường lên các lăng tẩm, đền đài, hay về làng quê cầu ngói Thanh Toàn… bởi đây chính là những con đường du lịch, du khách di chuyển nhiều.

“Ngoài ra cần có hướng dẫn cụ thể để người dân được biết thắp sáng vào thời điểm nào, sử dụng loại đèn nào cho tiết kiệm, đèn có màu gì để tạo nên sự đồng bộ nhất định, nếu không sẽ vô tình tạo nên sự “hỗn loạn”, lãng phí trong việc làm đẹp”, anh Nhật Quang (đường Nguyễn Lộ Trạch) đề xuất.

Tạo dấu ấn riêng

Theo Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế, có hai lĩnh vực chiếu sáng mà chính quyền luôn quan tâm đó là chiếu sáng công cộng và chiếu sáng nghệ thuật. Trước kia, khi điều kiện ngân sách gặp nhiều khó khăn, việc chiếu sáng vì thế cũng hạn chế, những năm trở lại đây thành phố rất “mạnh tay” trong vấn đề này.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế cho biết, thời điểm này, chiếu sáng công cộng đã được đẩy mạnh về tận từng ngõ hẻm, tăng thời gian chiếu sáng về đêm, bật sớm và cắt điện muộn. Trong khi đó, chiếu sáng nghệ thuật không phải bây giờ mới triển khai mà có từ trước đó. Ví dụ như chiếu sáng cầu Trường Tiền, cầu Dã Viên… Trải qua thời gian, việc chiếu sáng này được thay đổi theo công nghệ hiện đại, tạo nên sự mới lạ cho thành phố.

Thành phố Huế còn chú trọng lấy hai bờ sông Hương và một số trục đường trung tâm như Lê Lợi, Lê Duẩn… làm điểm nhấn chiếu sáng. Bên cạnh đó, thành phố cũng làm việc với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế để tăng cường chiếu sáng ở các công trình kiến trúc như kinh thành, kỳ đài… vào ban đêm, nhất là các dịp lễ tết khi mà lượng khách đổ về đông.

Tuy nhiên với các doanh nghiệp, công ty từng tham mưu UBND TP. Huế mời các doanh nghiệp có khách sạn, nhà hàng ở mặt tiền một số tuyến đường và vận động bật đèn chiếu sáng vào các ngày cuối tuần, dịp lễ, tết. Đa số các doanh nghiệp đồng ý, thế nhưng sau đó có doanh nghiệp triển khai, có doanh nghiệp thờ ơ.

“Việc này ngoài sự kêu gọi từ chính quyền, tôi nghĩ rằng cần có trách nhiệm, tinh thần tự nguyện từ các doanh nghiệp. Có thế, Huế về đêm mới trở nên sáng, sôi động hơn”, ông Sơn nhấn mạnh. Riêng với các nhà dân, việc hưởng ứng cũng nơi được, nơi không.

Thời gian gần đây, thành phố đầu tư mạnh hệ thống điện chiếu sáng ở một số trục đường du lịch về các di tích, thắng cảnh nối Hương Thủy, Hương Trà, Phú Vang… Ví dụ như đã đầu tư hệ thống chiếu sáng lên lăng Khải Định đi qua địa giới Hương Thủy. Vì thế, ngoài thành phố, các huyện, thị xã lân cận cũng nên chung tay để làm cho Huế trở nên đẹp hơn. Việc chiếu sáng còn giúp giảm tệ nạn xã hội.

“Chúng tôi sẽ tiếp túc đẩy mạnh chiếu sáng phủ sóng các tuyến đường, ngõ hẻm. Một khi đã phủ sóng chiếu sáng sẽ tính toán xa hơn việc kéo dài thời gian chiếu sáng. Song song với đó, sẽ đầu tư cho hệ thống chiếu sáng công cộng, cũng như nghệ thuật ở trung tâm thành phố. Để Huế trở nơi sôi động, ấn tượng hơn về đêm trong lòng du khách, cũng như phục vụ đời sống người dân”, ông Sơn chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP. Huế cho rằng, sau khi vận động thắp sáng đã có chuyển động. Một vài khách sạn đã quan tâm đến mặt tiền của mình nhưng vẫn chưa đáp ứng và xứng tầm, vì thế cần sự chuyển biến nhiều hơn nữa.

TP. Huế đã lập dự án chiếu sáng khu vực trung tâm và hai bờ sông Hương, xin vốn của tỉnh nhưng hiện nay vẫn đang được cân nhắc. Ngoài ra, thành phố đã chủ động lập dự án thông qua tổ chức Koica (Hàn Quốc) xin tài trợ không hoàn lại, hiện nay phía Koica cũng đang xem xét.

“Chúng tôi đã trình dự án xin tài trợ từ Koica về hệ thống chiếu sáng cùng camera ở khu vực trung tâm để theo dõi, giám sát hạ tầng cũng như an ninh nằm trong tổng thể thành phố thông minh. Thành phố đang vận động tích cực và phía Koica cũng hứa sẽ quan tâm đến dự án này”, ông Thành cho hay.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, việc chiếu sáng đô thị luôn được tỉnh quan tâm và theo đuổi lâu nay. Nhưng làm sao vừa đảm bảo chiếu sáng đô thị nhưng tiết kiệm được năng lượng và cân đối thu chi là bài toán không hề đơn giản. Tương tự, các doanh nghiệp cũng thế, họ cũng phải cân đối được kinh phí thì mới chung tay với tỉnh, do vậy không thể hô hào mà phải có một sự tính toán dài hạn. Tỉnh đã giao một số đơn vị liên quan nghiên cứu để đưa ra những tiêu chí, tiêu chuẩn trong vấn đề chiếu sáng đô thị, làm sao chiếu sáng vừa đủ, nhưng vẫn lung linh, trang nhã, mang dấu ấn riêng của Huế.

NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Tập trung xây dựng đô thị di sản xứng tầm

Chiều 5/12, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến điểm cầu các địa phương.

Tập trung xây dựng đô thị di sản xứng tầm
Những công trình “băng sông, vượt biển”

Nhiều công trình, dự án trọng điểm về giao thông được đầu tư không chỉ giúp giao thương thuận lợi, mà còn tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Những công trình “băng sông, vượt biển”
Tăng tốc trên các công trình trọng điểm

Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công khá cao so với trung bình chung của cả nước. Theo đó, tính đến cuối tháng 10/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 59,7% kế hoạch. Song, để đạt được mục tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công đến cuối năm nay là thách thức không nhỏ với các ban ngành, chủ đầu tư.

Tăng tốc trên các công trình trọng điểm
Điểm nhấn đô thị

Có thể thấy, diện mạo Hương Thủy đang thay đổi từng ngày. Tuy chưa phải là tất cả, nhưng những sự đầu tư để chỉnh trang, tạo mỹ quan đô thị đã giúp Hương Thủy tạo ấn tượng tốt hơn trong mắt người dân và du khách.

Điểm nhấn đô thị

TIN MỚI

Return to top