Nhiều dự án hoàn thành
Đến cuối tháng 9/2017, dự án (DA) chỉnh trang và mở rộng đường Tố Hữu sẽ kết thúc sau hơn 2 năm triển khai. Đây là DA chỉnh trang có thời gian kéo dài nhất đối với hệ thống đường giao thông do nhiều hạng mục phải chờ sự kết nối từ việc thi công tuyến cống thoát nước của DA Cải thiện môi trường nước TP. Huế.
Đô thị Huế ngày càng đồng bộ về hạ tầng
Lẽ ra việc chỉnh trang mở rộng đường Tố Hữu đã kết thúc từ năm ngoái chứ không phải đến bây giờ, bởi đây là tuyến đường khá thuận lợi, không vướng công tác giải phóng mặt bằng do hai bên đường đều là đất công cộng, cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước và đất ruộng… Vì thế, chủ đầu tư là Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) đã yêu cầu các đơn vị thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng từng hạng mục và chủ yếu là phía đường một chiều trước Trung tâm Hành chính TP. Huế để người dân tiện đi lại.
Phía đối diện vẫn giữ nguyên hiện trạng hơn một năm nay khiến công trình khá ngổn ngang và thiếu sự kết nối, đồng bộ. Tuy nhiên, hiện nay, DA cải thiện môi trường nước đã thi công hoàn thành các tuyến cống nối ra cống chung để đưa nước về trạm bơm chuyển về nhà máy xử lý nước thải nên công tác hoàn trả mặt bằng cũng như hoàn thiện phần còn lại của DA chỉnh trang đường Tố Hữu khá thuận lợi, vì thế, HEPCO đang đẩy nhanh tiến độ để kết thúc DA trong năm nay.
Cùng với DA trọng điểm vừa nêu, DA chỉnh trang phố Tây trên tuyến Chu Văn An- Phạm Ngũ Lão- Võ Thị Sáu cũng cơ bản hoàn tất các hạng mục mở rộng vỉa hè, lòng đường, hạ ngầm cáp viễn thông. Một số hạng mục về cây xanh, điện chiếu sáng…cũng hoàn thành trong tháng 9 năm nay để UBND TP. Huế triển khai đề án phố đi bộ.
DA khác cũng được quan tâm là chỉnh trang hai hồ Tân Miếu- Võ Sanh trong hệ thống các hồ nội thành Huế được khởi công từ giữa tháng 5 và dự kiến hoàn thành cuối năm nay. Với hai hồ này, ngoài xây kè bằng đá hộc để giữ hồ khỏi bị sụt lún, khơi thông dòng chảy, HEPCO còn đầu tư hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh và cả đường đi dạo vòng quanh để người dân có nơi vui chơi dạo mát ngày hè, với tổng mức đầu tư toàn DA 730.000 euro, trong đó hai tổ chức SIAAP và AIMF của Pháp tài trợ 510.000 euro, còn lại là vốn đối ứng của TP. Huế.
TP. Huế cũng phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành cắm mốc hơn 40 hồ còn lại trong nội thành để phân định ranh giới, tránh lấn chiếm và làm cơ sở khi thực hiện các DA về sau.
Tháo hàng rào, mở rộng và lát gạch mới cho vỉa hè công viên Trần Hưng Đạo, Lê Duẩn cũng là việc làm được đánh giá cao nhằm tạo sự mềm mại cho đô thị Huế, xóa đi khoảng cách giữa đường- công viên và bờ sông.
Không chỉ đẹp
Một số DA chỉnh trang khác cũng hoàn thành trong năm 2017 như chỉnh trang vỉa hè đường Lê Lợi, đoạn từ đường Hùng Vương đến đường Đội Cung ở phía Công viên 3/2, đầu tư điện chiếu sáng đường Phạm Văn Đồng và nhiều tuyến đường kiệt…
Đường Tố Hữu đang hoàn thiện các hạng mục còn lại
Chỉnh trang không chỉ có ý nghĩa ở việc làm đẹp cho đô thị Huế bằng hạ tầng đồng bộ mà còn đem lại nhiều tiện ích, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Ở một số khu phố, tuyến đường, việc chỉnh trang mở rộng còn đem lại cơ hội cải thiện thu nhập, tạo việc làm và các cơ hội kiếm tiền, giao lưu khác.
Điển hình như phố Tây, sau khi chỉnh trang, TP. Huế sẽ biến nơi đây thành phố đi bộ vào các dịp cuối tuần bắt đầu từ tối thứ 6 đến tối chủ nhật.
Tất nhiên sẽ khó tránh khỏi một số khó khăn, bất tiện khi mới triển khai song cái người dân nhận được sẽ lớn hơn nhiều, bởi toàn bộ phần vỉa hè đáng ra phải dành cho người đi bộ, người dân được sử dụng để kinh doanh, buôn bán. Riêng việc cho thuê, các hộ mặt tiền cũng kiếm được bộn tiền. Đó là chưa nói đến những sinh lợi khác từ vỉa hè, từ các hoạt động kinh doanh dịch vụ và cơ hội làm ăn khi lượng khách tăng và không chỉ dừng lại ở khách Tây mà còn là khách Việt và khu vực châu Á.
Hai hồ Tân Miếu- Võ Sanh hoàn thành, mùa hè sang năm, người dân sống xung quanh hồ có thêm điểm dạo mát lý thú, thay vì cảnh nhếch nhác, bị lấn chiếm lâu nay. Hẳn nhiên là, công tác quản lý phải đi kèm như lời lãnh đạo TP. Huế phát biểu trong ngày khởi công để tránh tình trạng một số người lấn chiếm kinh doanh hàng ăn, quán nhậu. Ngoài tạo thêm đường đi bộ, sẽ còn có một số ghế đá để nghỉ chân và một số khu vực dành riêng để trồng hoa, ngắm cảnh. Riêng không gian mặt nước sẽ xem xét cho đấu giá kinh doanh dịch vụ, song cũng đảm bảo phù hợp thuần phong mỹ tục, không gây ô nhiễm môi trường.
Một số chỉnh trang khác như vỉa hè đường Lê Lợi, công viên Lê Duẩn, mở rộng một số tuyến đường trước đây như Điện Biên Phủ, Đống Đa…, giúp người dân có điều kiện thuận lợi để kinh doanh buôn bán, cải thiện đời sống. Bằng chứng là sau khi chỉnh trang mở rộng, trên các tuyến đường vừa nêu, các dịch vụ về du lịch, kinh doanh mọc lên khá sôi động, giá cho thuê mặt tiền cũng tăng vọt so với trước.
Chỉnh trang đô thị cũng góp phần không nhỏ trong việc cải thiện môi trường du lịch, thúc đẩy ngành du lịch, dịch vụ phát triển. Rõ ràng khi giao thông thuận tiện, các hạ tầng về điện nước, cây xanh đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của du khách, người dân ắt hẳn sẽ thấy được cơ hội đó để đầu tư các dịch vụ đi kèm như ăn uống, giải trí, lưu trú, lữ hành… Và không khó để thấy, thời gian gần đây, khá nhiều các cơ sở lưu trú được đầu tư, các doanh nghiệp lữ hành cũng khai thác thêm tour tuyến mới, nhiều khách sạn, nhà hàng mọc lên…
Công tác chỉnh trang đô thị luôn được TP. Huế đặt lên hàng đầu. Dù nguồn lực không dồi dào, song hàng năm, chính quyền đô thị đều ưu tiên dành một khoản kinh phí nhất định cho công tác chỉnh trang và hầu như các DA đó đều nằm trong danh mục các DA trọng điểm. Trong bối cảnh các cấp chính quyền đang nỗ lực để xây dựng hình ảnh thân thiện, mến khách, cùng với việc đầu tư đồng bộ về hạ tầng cần nâng cao ý thức của thị dân trong việc giữ gìn và đảm bảo văn minh đô thị.
Bài, ảnh: Tâm Huệ