Qua phản ánh của người dân, hiện ở Công ty TNHH TM DV Hoàng Đức có một số lái xe chỉ có bằng hạng D nhưng điều khiển phương tiện 40 chỗ ngồi trở lên, sai với quy định Luật Giao thông đường bộ.
Ông N, lái xe có bằng hạng D, nhưng điều khiển phương tiện phải sử dụng bằng hạng E
Tìm hiểu thực hư sự việc trên, chúng tôi có buổi làm việc với Công ty TNHH TM DV Hoàng Đức, Giám đốc Hoàng Đức Hoài giải thích: “Hiện, công ty có 50 lái xe có bằng hạng E và 4 lái xe có bằng hạng D. Xe ô tô khách từ 40 chỗ ngồi trở lên mới sử dụng bằng E, còn xe buýt được ưu tiên 40 chỗ ngồi trở xuống vẫn được sử dụng bằng hạng D”.
Trên tuyến xe buýt Bến xe phía Nam - thị trấn Phong Điền vào một ngày đầu tháng 3, tôi thấy lo sợ khi biết thông tin ông N, chỉ có bằng lái xe hạng D nhưng lại điều khiển chiếc xe buýt mang biển kiểm soát 75B 010.60 gồm có 27 chỗ ngồi và 13 chỗ đứng. Trong khi đó, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, người lái xe bằng hạng D chỉ điều khiển phương tiện từ 24 đến 30 chỗ.
Khi chúng tôi đề cập vấn đề trên, anh Nguyễn Văn Tâm, một hành khách hốt hoảng, nếu người lái xe sử dụng bằng không đúng, hậu quả sẽ khôn lường.
Không riêng ông N, chúng tôi còn bắt gặp ông Ch; B có bằng lái xe hạng D nhưng vẫn điều khiển xe buýt 40 chỗ của Công ty TNHH TM DV Hoàng Đức.
Để rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Thừa Thiên Huế, tìm hiểu về các xe buýt có biển kiểm soát 75B 010.07; 75B 010.60. Ông Ngô Văn Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Thừa Thiên Huế xác nhận, những chiếc xe buýt Hoàng Đức đều có 27 chỗ ngồi và 13 chỗ đứng; lái xe phải có bằng hạng E.
Ông Trần Quang Bảo, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, sát hạch và người lái cho biết: Theo Thông tư 58/2015/TT-BGTVT về việc đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, đối với xe buýt, tính chỗ ngồi, đứng hoặc kích thước trong đào tạo sát hạch và kích thước tổng thể của xe phù hợp với hạng nào, người lái xe được lái xe hạng đó. Ví dụ, xe buýt có 40 chỗ ngồi và đứng (bao gồm cả lái xe), người lái xe đó phải có giấy phép lái xe hạng E.
Thông tư 79/ 2015/ TT-BGTVT ngày 10/12/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ. Xe cơ giới dùng để sát hạch lái xe hạng D là ô tô có từ 24 đến 30 chỗ ngồi (kể cả người lái) có chiều dài từ 6,2 đến 7,5m; chiều rộng từ 2,0m đến 2,5m; chiều dài cơ sở từ 3,1m đến 4,5m. Xe cơ giới dùng để sát hạch lái xe hạng E là xe ô tô từ 40 chỗ ngồi trở lên (kể cả người lái), có chiều dài toàn bộ từ 8,9m đến 10,5m, chiều rộng từ 2,4m đến 2,5m. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe buýt, xe khách giường nằm căn cứ vào các văn bản trên và thông số cụ thể của các ô tô buýt, ô tô khách giường nằm để sử dụng người điều khiển ô tô buýt có hạng giấy phép lái xe phù hợp quy định, đảm bảo an toàn.
Trước đây, khi trúng thầu, gói thầu cung ứng dịch vụ vận tải hành khách bằng xe buýt có trợ giá từ ngân sách Nhà nước, ông Hoàng Đức Hoài, Giám đốc Công ty TNHH TM DV Hoàng Đức đã mong muốn đưa dịch vụ tốt nhất để phục vụ hành khách đi lại thuận tiện hơn.
Thế nhưng, qua tìm hiểu của phóng viên, sau một năm đi vào hoạt động, xe buýt Hoàng Đức chạy xe không đúng giờ, sử dụng bằng lái xe không đúng với quy định của Luật Giao thông đường bộ… không đảm bảo an toàn giao thông, gây nhiều bức xúc đối với hành khách.
Bài, ảnh: VĂN THÀNH