ClockThứ Năm, 19/12/2013 06:12

Dân ở nhà tạm, chung cư kiên cố để trống!

TTH - Hơn 120 hộ dân khu vực Thượng Thành - Eo Bầu mong mỏi được đến nơi ở mới, nhanh chóng thoát khỏi cảnh phấp phỏng lo lâu. Lụt bão tới là phải rồng rắn kéo nhau đến nơi an toàn.
 
Lãng phí
 
Giải tỏa các hộ dân ở Thượng Thành - Eo Bầu, nhằm trả lại mặt bằng cho Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế thực hiện công tác trùng tu, sửa chữa là chủ trương đúng, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Thế nhưng, quá trình triển khai gặp không ít vướng mắc, dẫn đến chậm tiến độ. Theo kế hoạch đến đầu năm 2014 sẽ hoàn tất công tác đưa dân ra khỏi khu vực di tích, thế nhưng đến nay, tất cả vẫn còn dở dang.
 
Chung cư Hương Sơ chưa có người ở
 
Động thái điều tra nguyện vọng của dân về nhu cầu nhà ở, đất đền bù, giá cả... là cần thiết, song các khâu khác cũng phải triển khai đồng bộ, nếu không sẽ lãng phí tiền của Nhà nước, nghiêm trọng hơn là mất lòng tin ở dân. Vấn đề chúng tôi muốn đề cập là việc xây 3 khối nhà chung cư ở Hương Sơ rồi để trống, Báo Thừa Thiên Huế đã phản ánh. Trong khi công tác đền bù giải tỏa vẫn chưa hoàn tất, còn xảy ra tình trạng kiện tụng, thì việc xây chung cư như vừa rồi quả thật rất lãng phí. Đành rằng, việc xây trước khu chung cư để bố trí tái định cư khi giải tỏa là cách làm đúng, hợp quy trình như các nước phát triển đã làm, song, nếu xây chung cư mà không liền cùng với công tác hỗ trợ, đền bù, giải tỏa thì việc xây trước chung cư sẽ mất đi ý nghĩa.
 
Là đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo tồn và trùng tu di tích, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô luôn mong muốn sớm thực hiện hoàn thành các kế hoạch trùng tu, tôn tạo, nhất là Festival 2014 gần kề. Với lộ trình hiện nay, e rằng kế hoạch tu bổ hệ thống Kinh thành Huế sẽ khó đảm bảo tiến độ. TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô cho rằng, dân sống trong vùng di tích là vấn đề lớn, không thể một sớm một chiều muốn họ đến nơi khác là được mà cần cả quá trình vận động, thuyết phục. Ngoài đền bù xứng đáng, người dân cần được quan tâm tạo điều kiện tốt hơn khi đến nơi ở mới. Việc này đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan liên quan và cần nhất vẫn là những người cán bộ có tâm huyết. Sau khi giải tỏa, cần chỉnh trang ngay để tránh tình trạng tái lấn chiếm và hoang phế di tích.
 
Trở lại với 3 khối nhà chung cư đã hoàn thiện tại đường Nguyễn Văn Linh, phường Hương Sơ (TP Huế). Dù đã hoàn tất hơn nửa năm nay, song 3 công trình 4 tầng này đang để không bởi đến nay chưa có một hộ dân nào đến ở. Theo chủ trương của UBND TP Huế, xây 3 khối nhà chung cư tại Hương Sơ nhằm mục đích bố trí tái định cư cho các hộ dân ở Thượng Thành - Eo Bầu Nam Thắng sau khi giải tỏa. Song, chủ trương này chưa biết lúc nào mới trở thành hiện thực bởi, theo ông Lê Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế hiện vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc giao nhận công trình, nên đơn vị chưa có cơ sở để thực hiện các bước tiếp theo...
 
Theo nhận xét của nhiều người, 3 khối nhà chung cư tại Hương Sơ được xây khá hiện đại, thiết bị nội thất tốt, toàn bộ cửa ra vào và cửa sổ đều sử dụng nhãn hàng Eurowindow, diện tích phù hợp với mỗi hộ gia đình từ 4 người... Song, cũng như tất cả các công trình khác, nếu không có người ở, không sử dụng thì sự xuống cấp lại càng nhanh chóng. Như thế, 57 tỷ đồng của Nhà nước để đầu tư công trình sẽ lãng phí.
 
Còn nhiều nhà tạm
 
Không khó để tìm những hộ dân đang sống trong tình cảnh đi chẳng nỡ, ở chẳng xong ở khu vực Thượng Thành - Eo Bầu. Từ bến xe Nguyễn Hoàng qua Cửa Ngăn, rẽ vào đường Ông Ích Khiêm, dễ dàng tìm được những ngôi nhà được dựng tạm bợ bằng những bức vách tre nứa, mái lợp tôn, có hộ còn che bạt... trên Thượng Thành và hầu như nhà nào cũng có từ 2-3 thế hệ đang sinh sống.
 
Ông La Văn Quê sốt sắng đề cập đến vấn đề giải tỏa: “Tổ dân phổ có mời tui lên họp. Cán bộ cũng đã đo đạc diện tích đất, nhà... Nhưng lâu rồi chẳng thấy ai nói chi đến chuyện đền bù, giải tỏa. Tui cũng mong đi cho rồi. Sống thấp thỏm như thế này đau tim lắm. Hễ thấy người lạ tới hỏi là tui lại mất ăn, mất ngủ”. Rồi ông chỉ vào căn nhà được lợp tạm bằng những tấm tôn đã cũ, cái cọc tre chống đằng trước xiêu vẹo, chỗ rửa chén bát, nấu ăn nhìn lên có thể thấy bầu trời, cây cối, nói: “Đợt gió vừa rồi, mái tôn phía sau bị rách, vợ tôi bàn mua tôn về lợp nhưng nghĩ lui, nghĩ tới không biết còn ở được bao lâu nữa nên tiếc của, chừ lấy tấm bạt che tạm”. Đang nấu cơm trưa, bà Võ Thị Mai nói vọng ra: “Dân ở đây chỉ mong nếu giải tỏa thì nhanh chóng đền bù để đi nơi khác. Còn nếu cho ở thì Nhà nước nên cho chúng tôi biết thời hạn bao lâu để có kế hoạch mà sửa nhà. Thông tin giải tỏa có từ khi con gái đầu tôi chưa lấy chồng, nay cháu đã có hai con, đứa lớn đã học lớp một. Hai đứa con còn lại thấy nhà chật chội, tạm bợ nên vào nam lập nghiệp hết rồi”.
 
Cũng như vợ chồng ông Quê, bà Mai, đi dọc khu vực Thượng Thành - Eo Bầu có rất nhiều hộ dân muốn sớm di dời, giải tỏa để đến nơi ở mới. Bởi hiện những căn nhà tạm không đáp ứng nhu cầu và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Mỗi khi có thông tin mưa bão, khu vực dân cư Thượng Thành - Eo Bầu là nỗi lo thường trực của chính quyền phường Thuận Thành.
 
Ngoài những hộ chưa được đền bù, hiện vẫn có nhiều hộ đã nhận tiền hỗ trợ, đền bù nhưng vẫn chưa đến nơi ở mới. Lý do là vì giá chung cư. Họ mong Nhà nước cần có chính sách trợ giá thích hợp. Theo đề xuất của người dân, nếu đã là dự án của Nhà nước thì phải đầu tư theo kiểu công ích, tức là người dân chỉ đóng một phần kinh phí, còn lại Nhà nước hỗ trợ, hoặc được mua giá gốc, cho trả dần. Nếu không thì giao hẳn cho doanh nghiệp để rạch ròi việc nhận đền bù hay nhà, đất. Chứ theo kiểu lập lờ, nửa Nhà nước, nửa doanh nghiệp thì người dân sẽ chịu thiệt nhiều hơn.
Bài, ảnh: Tâm Huệ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lật xe đầu kéo, tài xế tử nạn

Sáng 18/12, Công an huyện A Lưới cho biết, đang phối hợp với Phòng CSGT công an tỉnh điều tra làm rõ vụ tai nạn lật xe đầu kéo trên đeo A Co (huyện A Lưới) khiến tài xế tử nạn.

Lật xe đầu kéo, tài xế tử nạn
Cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cải thiện môi trường nước TP. Huế

Để đảm bảo Dự án (DA) Cải thiện môi trường nước TP. Huế được thực hiện đầy đủ các hạng mục theo quy mô đầu tư được duyệt, hoàn thành tất cả mục tiêu đề ra, nâng cao hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn vay, UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư DA với thời gian thực hiện đến ngày 31/12/2025.

Cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cải thiện môi trường nước TP Huế
Phục hồi đường bờ biển, bảo vệ khu dân cư

Các dự án (DA) đê ngầm giảm sóng và kè chống sạt lở trong bờ đang từng bước giúp phục hồi đường bờ biển và hình thành bãi biển ổn định, nhằm bảo vệ an toàn cho người dân tại các khu dân cư tập trung và phát triển du lịch địa phương.

Phục hồi đường bờ biển, bảo vệ khu dân cư
Kỳ vọng đường sắt tốc độ cao

Dự án (DA) Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vừa được Quốc hội thông qua nghị quyết chủ trương đầu tư. Theo phương án đề xuất trình Quốc hội, DA Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có chiều dài toàn tuyến khoảng 1.541km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh) đi qua địa phận 20 tỉnh, thành, trong đó có Huế. DA được thiết kế có tốc độ 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa…

Kỳ vọng đường sắt tốc độ cao
Tăng tốc trên các công trình trọng điểm

Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công khá cao so với trung bình chung của cả nước. Theo đó, tính đến cuối tháng 10/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 59,7% kế hoạch. Song, để đạt được mục tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công đến cuối năm nay là thách thức không nhỏ với các ban ngành, chủ đầu tư.

Tăng tốc trên các công trình trọng điểm

TIN MỚI

Return to top