ClockThứ Bảy, 30/04/2022 07:00

Đầu tư hạ tầng, kết nối đô thị

TTH - Hạ tầng đóng một vai trò đặc biệt quan trọng, là cơ sở để phát triển và hình thành nên các khu đô thị mới (KĐTM). Các KĐTM từng bước được đầu tư xây dựng, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, từ đó thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Đầu tư hạ tầng kết nối đô thịĐầu tư công - giao thông kết nối, hạ tầng khang trangĐiểm nhấn đô thị

Giao thông hoàn thiện tạo sự khang trang cho đô thị

Khởi động những dự án

Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị (QLKVPTĐT) tỉnh quản lý bao gồm KĐTM An Vân Dương và khu vực lân cận với tổng diện tích khoảng 2.200ha, tính đến thời điểm hiện nay có tổng số khoảng 90 dự án (DA) đã và đang triển khai thi công. Chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt hệ thống giao thông, từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đã tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trong khu vực.

Sau một thời gian ngưng thi công, đến nay, DA cầu bắc qua sông Lợi Nông nối từ đường 26m khu nhà ở An Đông sang đường 100m, khu A, KĐTM An Vân Dương bắt đầu thi công trở lại. Đến nay, công trình cầu Lợi Nông đã thi công cơ bản hoàn thành phần thô hạng mục cầu và hạng mục kè đá; chưa thi công được phần đường dẫn 2 đầu cầu. Phần xây lắp mở rộng cầu hoàn chỉnh theo quy hoạch đang thi công hạng mục khoan nhồi. Về giải phóng mặt bằng (GPMB), hiện vẫn còn vướng mắc một số hộ chưa bàn giao đối với phạm vi đường 24m dẫn lên cầu và phạm vi mở rộng đường Tôn Quang Phiệt, đường Hải Triều.

Trước đó, để phát huy hiệu quả đầu tư, HĐND tỉnh đã quyết nghị phê duyệt chủ trương điều chỉnh DA này. Cụ thể, điều chỉnh phần hạng mục cầu từ đầu tư phân kỳ sang đầu tư hoàn chỉnh (điều chỉnh từ mặt cắt ngang cầu 10m thành mặt cắt ngang cầu 24m). Phần hạng mục đường dẫn mặt cắt 24m phía Khu A - KĐTM An Vân Dương từ đầu tư phân kỳ sang đầu tư hoàn chỉnh 24m... Việc nâng mức đầu tư DA cầu bắc qua sông Lợi Nông nhằm phù hợp với quy hoạch và đảm bảo mỹ quan đô thị.

Mới đây, tại buổi kiểm tra tiến độ thi công công trình này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh yêu cầu chủ đầu tư (CĐT), đơn vị thi công phải tập trung lực lượng để hoàn thành dứt khoát công tác GPMB, đẩy nhanh tiến độ thi công; tổ chức phân tuyến giao thông để phục vụ thi công và thuận tiện cho việc đi lại của người dân ở xung quanh. Nhà thầu phải công bố tiến độ cụ thể của công trình để người dân giám sát, có kế hoạch tiến độ cụ thể, có cán bộ phụ trách giám sát trực tiếp tại công trình để báo cáo tiến độ hàng tuần, hàng tháng cho lãnh đạo tỉnh.

Trong năm 2021 và đầu năm 2022, nhiều gói thầu thuộc DA Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - tiểu DA Thừa Thiên Huế với vốn đầu từ cả trăm tỷ đồng cũng được triển khai.

Ông Võ Văn Việt, Giám đốc Ban Quản lý DA thông tin, đối với gói thầu 28 nâng cấp, mở rộng cầu Vỹ Dạ; đường 100m nối khu A và B KĐTM An Vân Dương với giá trị hợp đồng gần 110 tỷ đồng, hiện nay, tiến độ công trình đang thi công cọc khoan nhồi, đổ bê tông mố trụ và bãi đúc dầm cầu, đạt 7,2% giá trị xây lắp. Gói thầu hoàn thiện không chỉ phục vụ tuyến giao thông đi lại của người dân trên trục Phạm Văn Đồng - Quốc lộ 49A mà còn kết nối hạ tầng giao thông trong các KĐTM, động lực phát triển kinh tế trong khu vực.

Gói thầu 39 nâng cao độ nền tuyến đường Tố Hữu và Võ Nguyên Giáp với giá trị hợp đồng hơn 92 tỷ đồng. Hiện nhà thầu thi công đang tiến hành di dời trạm biến áp và thi công cấp phối đá dăm phần mở rộng. “Đường Tố Hữu và Võ Nguyên Giáp là hai trục “xương sống” của KĐTM An Vân Dương. Hiện nay, toàn bộ các cơ quan của tỉnh đang chuyển về hoạt động tại khu trung tâm hành chính công. Việc nâng cao độ mặt đường nhằm đảm bảo công tác tiêu thoát lũ, chống ngập cục bộ đảm bảo hoạt động của cả bộ máy hành chính. Đường Tố Hữu tương lai cũng là trục chính kết nối đi sân bay Phú Bài”, ông Việt cho hay.

Tạo sức hút đầu tư

Ông Huỳnh Minh Khang, Giám đốc Ban QLKVPTĐT tỉnh khẳng định, đơn vị đang tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ngành nhằm hướng đến việc đầu tư các tuyến đường vành đai, các tuyến giao thông chủ đạo kết nối giữa KĐTM An Vân Dương với TP. Huế, Thuận An, sân bay Phú Bài... làm động lực phát triển KT-XH, bằng nhiều hình thức đầu tư phù hợp, trong đó tăng cường hình thức đối tác công tư (PPP).

Đơn vị tham mưu UBND tỉnh trong việc tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, trong đó hạ tầng kỹ thuật là cốt lõi, hạ tầng xã hội thiết yếu là then chốt. Cụ thể, xây dựng chương trình phát triển đô thị, kế hoạch phát triển đô thị theo từng thời kỳ; xây dựng danh mục DA đầu tư công trung hạn 2021-2025 trên địa bàn KĐTM An Vân Dương; xây dựng danh mục kêu gọi đầu tư, có chú trọng đầu tư hạ tầng xã hội bên cạnh hạ tầng kỹ thuật (yêu cầu nhà đầu tư phải đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của DA, trong đó đặc biệt chú trọng hạ tầng y tế, giáo dục và văn hóa).

Để thu hút và tạo môi trường sống lành mạnh, thuận lợi cho người dân tại KĐTM, Ban QLKVPTĐT tỉnh cũng đề xuất cần siết chặt quản lý đầu tư các công trình hạ tầng xã hội theo đúng cam kết. Đồng thời, yêu cầu CĐT triển khai các công trình song song với công trình nhà ở, thương mại; chỉ được phép kinh doanh nhà ở khi đã hoàn thành các công trình hạ tầng xã hội.

Ông Huỳnh Minh Khang cho rằng, thời gian qua, UBND tỉnh quan tâm phát triển KT-XH và huy động nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội góp phần phát triển các khu đô thị. Để tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, Ban QLKVPTĐT tỉnh thường xuyên tổ chức rà soát, lập mới các quy hoạch; đồng thời huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, góp phần phát triển đô thị.

Hạ tầng đô thị được đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới và bảo trì tạo diện mạo cho đô thị, khu vực trung tâm các DA có nhiều khởi sắc, hình thành, hệ thống hạ tầng đô thị được cải thiện rõ rệt. Các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị như giao thông, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, thu gom và xử lý chất thải rắn, các DA xã hội hóa được đầu tư xây dựng, cải tạo; các tuyến đường trục chính cấp đô thị được đầu tư xây dựng hệ thống điện chiếu sáng. Nhiều DA, công trình trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao cũng được quan tâm đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư năm 2020-2025.

Theo Ban QLKVPTĐT tỉnh, hiện vốn đầu tư công trên địa bàn KĐTM An Vân Dương nhìn chung còn khá khiêm tốn so với nhu cầu phát triển của khu vực. Các DA đầu tư chủ yếu tập trung vào việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật các khu tái định cư để phục vụ nhu cầu tái định cư và tổ chức đấu giá tạo vốn phát triển đất với quy mô vừa và nhỏ. Đối với hệ thống hạ tầng khung, hạ tầng kết nối, hạ tầng xã hội vẫn chưa được đầu tư đấu nối đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến việc thu hút đầu tư và phát triển đô thị.

Bài: HÀ NGUYÊN - Ảnh: NGUYỄN PHONG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch

Huế có tiềm năng phát triển du lịch, nhưng vẫn còn hạn chế trong việc liên kết phát triển du lịch, nhất là kết nối giữa các điểm đến, kết nối điểm đến với doanh nghiệp lữ hành. Đây là điểm cần khắc phục để tăng sức hấp dẫn và tạo ra nhiều trải nghiệm thu hút khách.

Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch
Cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cải thiện môi trường nước TP. Huế

Để đảm bảo Dự án (DA) Cải thiện môi trường nước TP. Huế được thực hiện đầy đủ các hạng mục theo quy mô đầu tư được duyệt, hoàn thành tất cả mục tiêu đề ra, nâng cao hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn vay, UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư DA với thời gian thực hiện đến ngày 31/12/2025.

Cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cải thiện môi trường nước TP Huế
Hoàn thiện hạ tầng, sắp xếp trụ sở 2 quận sau khi thành lập

Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết (NQ) thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương và NQ thành lập 2 quận Phú Xuân và Thuận Hóa thuộc TP. Huế. Để triển khai các NQ trên, UBND TP. Huế đã và đang hoàn thiện hạ tầng, sắp xếp trụ sở làm việc cũng như bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức… sẵn sàng cho việc vận hành bộ máy hành chính mới vào đầu năm 2025.

Hoàn thiện hạ tầng, sắp xếp trụ sở 2 quận sau khi thành lập

TIN MỚI

Return to top