Sạt lở bờ biển nghiêm trọng ở thôn Tân An, Phú Thuận (Phú Vang)
Ưu tiên vùng trọng điểm
Toàn tỉnh hiện nay có hơn 12,4km bờ biển (trong tổng số 128km bờ biển) bị sạt lở nặng, tập trung ở Phú Vang, Phú Lộc, Phong Điền.
Sạt lở bờ biển nguy cơ đe dọa đến tính mạng và tài sản của hơn 1.500 hộ dân sống trực tiếp gần bờ, uy hiếp đến dải cồn cát ven biển, ảnh hưởng đến 24 xã, thị trấn ven biển, có nguy cơ mở cửa biển mới.
Mới đây, trận mưa lũ vào cuối năm 2021 đã làm xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng ở các địa phương, trong đó nguy cơ nhất là khu vực ở xã Phú Thuận (Phú Vang) và điểm tiếp giáp xã Vinh Hiền - Vinh Hải (Phú Lộc). Đây là những khu vực sạt lở mới, nằm gần các múi kè đang thi công.
Riêng khu vực thôn Tân An, xã Phú Thuận sạt lở bờ biển ảnh hưởng trực tiếp đến 76 hộ và 350 nhân khẩu, đe dọa các cơ sở hạ tầng phía bên trong. Khảo sát khu vực này cho thấy, điểm sạt lở nặng nhất dài khoảng 1km, ăn vào đất liền từ 10-15m. Đây là điểm xâm thực biển nằm cách vị trí mở cửa biển mới trong trận lũ lịch sử năm 1999 chừng 70m, nên nguy cơ mở cửa biển mới rất cao.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác có buổi kiểm tra thực tế công tác phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả bão, mưa lũ tại địa bàn tỉnh, trong đó có khu vực bờ biển xã Phú Thuận. Qua cuộc khảo sát này, Bộ NN&PTNT cam kết phối hợp với chính quyền địa phương lập các đề án về công tác phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả bão, mưa lũ. Trong đó, tập trung chỉ đạo đối với những vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, để có các giải pháp công trình và phi công trình cho các vùng này...
Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn của Trung ương, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác trên địa bàn tỉnh đã đầu tư kè chống xói lở bờ biển khoảng 6,2km, với kinh phí trên 600 tỷ đồng. Trong đó, gồm các đoạn kè xử lý sạt lở qua xã Hải Dương dài 730m; đoạn qua xã Quảng Công 1.500m; qua xã Phú Thuận 1.148m; đoạn qua khu du lịch AnDamaRa dài 380m và xử lý khẩn cấp bờ biển đoạn qua xã Giang Hải dài 2.500m.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, hiện nay các công trình kè chống sạt lở đang hoạt động bình thường, phát huy hiệu quả.
Cần sớm bố trí nguồn vốn
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, về nguồn kinh phí hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai năm 2021 từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021 tại Quyết định số 2266/QĐ-TTg ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai năm 2021, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất phương án phân bổ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai năm 2021.
Theo đó, sẽ phân bổ kinh phí 40 tỷ đồng nhằm tiếp tục thực hiện dự án kè chống sạt lở bờ biển khẩn cấp đoạn Thuận An - Tư Hiền; 20 tỷ đồng xử lý khẩn cấp sạt lở bờ biển đoạn qua thôn Tân An, thôn Trung An, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh thông tin, để có giải pháp xử lý sạt lở bờ biển miền Trung, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn chỉ đạo Bộ NN&PTNT, các cơ quan chuyên môn Trung ương nghiên cứu tổng thể để đưa ra giải pháp chỉnh trị, chống xói lở bờ biển các tỉnh.
Tỉnh cũng đã chỉ đạo, trước mắt, tiếp tục theo dõi tình hình diễn biến sạt lở để có biện pháp xử lý kịp thời ở những khu vực bị sạt lở nguy hiểm, xung yếu ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân, các công trình hạ tầng thiết yếu.
Rà soát, di dời các hộ dân sinh sống sát khu vực sạt lở nguy hiểm, đặt biệt trong mùa mưa lũ hàng năm. Tiến hành trồng cây chắn sóng ven phá Tam Giang - Cầu Hai và một số điểm xung yếu để bảo vệ đê, kè. Tăng cường trồng rừng phòng hộ ven biển và yêu cầu điều tiết vận hành hợp lý các hồ thủy điện, thủy lợi thượng nguồn các sông.
Mới đây, làm việc với đoàn công tác Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh cũng đề xuất nhằm tạo điều kiện cho tỉnh có nguồn kinh phí thực hiện khắc phục thiệt hại của bão lũ, phục hồi sinh kế, khôi phục sản xuất ổn định đời sống dân cư, đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Bộ NN&PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế đưa vào chương trình hỗ trợ cho tỉnh để khắc phục các công trình hạ tầng, dân sinh, nâng cấp các công trình giao thông liên huyện, liên xã, thủy lợi, đê điều, nước sạch nông thôn sạt lở bờ sông, bờ biển khoảng 735 tỷ đồng.
Trong đó, xây dựng kè chống sạt lở bờ biển khoảng 322 tỷ đồng; nâng cao an toàn 12 hồ chứa nước, đập còn lại trên địa bàn tỉnh với kinh phí 245 tỷ đồng; sửa chữa các công trình thủy lợi 52,8 tỷ đồng và xây dựng kè chống sạt lở bờ sông khoảng 116 tỷ đồng.
Bài, ảnh: Hà Nguyên