Thế giới
Châu Á - Thái Bình Dương:

Đầu tư bất động sản thương mại tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2022

ClockThứ Ba, 05/11/2024 16:16
TTH.VN - Khối lượng đầu tư bất động sản thương mại tại châu Á - Thái Bình Dương trong quý III năm nay đã tăng lên mức cao nhất theo quý kể từ năm 2022, nhờ chi phí nợ thấp hơn và sự quan tâm được mở rộng tại Hàn Quốc.

Đông Nam Á nổi lên như một “điểm nóng” về đổi mới công nghệ bất động sảnThành phố Hồ Chí Minh là 1 trong 4 thị trường cho thuê mới nổi hàng đầu châu Á

 Một trung tâm tài chính thương mại ở Singapore. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo báo cáo mới nhất của Tập đoàn JLL, các giao dịch được thực hiện tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã ghi nhận mức tăng trưởng 82%, lên 38,8 tỷ USD.

Trong đó, Hàn Quốc là thị trường hoạt động tích cực nhất tại châu Á - Thái Bình Dương, với các giao dịch văn phòng lớn thúc đẩy giá trị giao dịch tăng vọt lên 8,4 tỷ USD, tăng 31% trong quý III/2024.

“Số lượng giao dịch văn phòng mới tại Hàn Quốc ngày càng tăng, vì lãi suất cho vay cao cấp đối với các văn phòng hạng A đang giảm xuống còn từ 4 - 4,5%. Tăng trưởng giá thuê cũng tiếp tục vượt quá tỷ lệ lạm phát tại Seoul do nhu cầu mạnh mẽ”, JLL nhận định.

Ngoài ra, Nhật Bản tiếp tục nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư, với 8,4 tỷ USD giá trị các giao dịch được chốt trong quý III/2024 đã tăng 28%. Một số thương vụ mua lại danh mục khách sạn lớn, được hỗ trợ bởi lượng khách du lịch tăng cao, đã hỗ trợ các giao dịch. Giao dịch khách sạn lớn nhất tại Nhật Bản trong quý này là việc bán 12 tài sản từ Fortress Investment Group cho Invincible Investment Corporation với giá 700 triệu USD.

Thị trường Singapore cũng đã ghi nhận hiệu suất mạnh mẽ trong cùng kỳ, đạt 4,4 tỷ USD giá trị các giao dịch, tăng 118% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà đầu tư tổ chức đã gửi tiền vào các tài sản công nghiệp, bán lẻ và khoa học đời sống. Tháng 8 chứng kiến việc hoàn tất thương vụ mua lại trị giá 1,6 tỷ đô la Singapore của Lendlease và Warburg Pincus, hai đơn vị đã cùng nhau mua danh mục tài sản bao gồm các khu công nghiệp và cơ sở công nghiệp công nghệ cao từ một quỹ ủy thác đầu tư bất động sản do Blackstone và ông Lim Chap Huat, Chủ tịch Điều hành của Tập đoàn Soilbuild sở hữu.

Tiếp đó, Cơ quan Đầu tư Brunei, quỹ đầu tư quốc gia của Brunei đã mua 49% cổ phần tại Elementum của Ho Bee Land, một khu phức hợp khoa học đời sống y sinh tại Singapore, với giá 206 triệu USD.

Bà Christine Li, Giám đốc phụ trách nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Tập đoàn Knight Frank cho biết: “Với môi trường vay vốn dự kiến sẽ trở nên lành mạnh hơn, những người mua cá nhân mua bất động sản công nghiệp để sử dụng cho mục đích kinh doanh, và các quỹ đầu tư tư nhân mua tài sản để đầu tư sẽ tăng cường động thái; và khối lượng giao dịch của các không gian nhà máy và kho bãi có nhiều người dùng sẽ tăng tốc”.

Trong các giao dịch xuyên biên giới, các nhà đầu tư Singapore hoạt động tích cực nhất trong quý III năm nay, trong đó GIC đã thực hiện các thương vụ mua lại tại Nhật Bản và Trung Quốc.

Giám đốc Điều hành thị trường vốn của JLL tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Stuart Crow cho hay: “Nhiều yếu tố đã kết hợp lại trong quý III/2024 để đảm bảo khối lượng giao dịch tại châu Á - Thái Bình Dương tăng vọt, chúng tôi tin khối lượng giao dịch sẽ phát triển mạnh mẽ hơn khi chi phí đi vay dự kiến được nới lỏng tại các thị trường khu vực lớn”.

Tại Australia, thị trường hậu cần đã phục hồi, đặc biệt là ở Sydney và Melbourne. “Australia trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, với quan điểm cho rằng, lãi suất dường như đã đạt đỉnh”, JLL lưu ý.

Các giao dịch hậu cần lớn nhất tại Australia trong quý này là việc quỹ hưu trí Aware Super và Công ty quản lý đầu tư Barings đã mua một công viên kinh doanh rộng 99 ha tại Melbourne, với giá 402 triệu USD.

Cho đến thời điểm này trong năm 2024, khối lượng đầu tư tại châu Á - Thái Bình Dương đạt tổng cộng 96,3 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bà Pamela Ambler, người đứng đầu phụ trách thông tin và chiến lược nhà đầu tư, và thị trường vốn của JLL tại châu Á - Thái Bình Dương nhận định: “Trong bối cảnh lạm phát trên toàn khu vực bắt đầu giảm bớt, và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có động thái nới lỏng chính sách tiền tệ, các ngân hàng trung ương châu Á - Thái Bình Dương cũng bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất. Lợi suất bất động sản có thể đi theo xu hướng tương tự, nhưng lãi suất dài hạn dự kiến sẽ vẫn cao hơn mức chúng ta đã chứng kiến trong thập kỷ qua”.

Tuy nhiên, bà Christine Li tại Knight Frank cho rằng, hầu hết các ngân hàng trung ương châu Á - Thái Bình Dương đang thận trọng, đánh giá kỹ lưỡng các chiến lược chính sách tiền tệ trước khi ban hành bất kỳ thay đổi nào, do sự không chắc chắn xung quanh thời gian và phạm vi của chu kỳ nới lỏng của Fed.

LÊ THẢO (Lược dịch từ The Business Times)
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm cơ hội thu hút đầu tư

Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là cột mốc quan trọng, mở ra nhiều cơ hội trong hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư.

Thêm cơ hội thu hút đầu tư
Châu Á - Thái Bình Dương:
ADB vạch ra lộ trình giải quyết tác động của 3 cuộc khủng hoảng hành tinh

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày hôm nay (25/11) công bố Kế hoạch Hành động Môi trường giai đoạn 2024 - 2030, vạch ra lộ trình giải quyết những tác động của 3 cuộc khủng hoảng hành tinh gồm: mất đa dạng sinh học, ô nhiễm và biến đổi khí hậu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

ADB vạch ra lộ trình giải quyết tác động của 3 cuộc khủng hoảng hành tinh
Đầu tư hạ tầng, dịch vụ lưu trú đẳng cấp

Sự cạnh tranh mạnh mẽ của các điểm đến du lịch trong nước và nhu cầu ngày càng cao của du khách đặt ra yêu cầu cần đẩy mạnh hơn nữa việc đầu tư hạ tầng, hiện đại hóa điểm đến, trong đó có hạ tầng, dịch vụ lưu trú đẳng cấp.

Đầu tư hạ tầng, dịch vụ lưu trú đẳng cấp
Return to top