ClockThứ Bảy, 09/11/2019 12:59

Di dời, giải phóng mặt bằng Kinh thành Huế - bài 2: Trọn trách nhiệm với dân

TTH - Đến thời điểm này, tiến độ thực hiện việc di dời, giải phóng mặt bằng khu vực Thượng thành có chậm hơn so với kế hoạch. Nhưng sự chậm ấy được coi là cần thiết, nhằm đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người dân.

Di dời, giải phóng mặt bằng Kinh thành Huế - kỳ 1: Khi ý Đảng hợp lòng dân

Không lâu nữa, cư dân Thượng Thành sẽ đến nơi ở mới. Ảnh: NGUYỄN PHONG

An dân

Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1, Kinh thành Huế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 1771/TTg-CN, ngày 10 tháng 12 năm 2018, và chỉ được áp dụng cho các đối tượng bị thu hồi đất thuộc khu vực I, Kinh thành. Ngoài việc cho phép hỗ trợ 100% giá trị về đất bằng giá trị đền bù đối với những trường hợp lấn chiếm đất di tích làm nơi ở, khung chính sách còn kèm theo nhiều chế độ ưu đãi khác có lợi cho dân, như: hỗ trợ chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ tiền thuê nhà ở tạm cư, hỗ trợ đối tượng chính sách, hộ nghèo – cận nghèo, hỗ trợ di chuyển chỗ ở và bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, hỗ trợ khi Nhà nước giao đất…

Căn nhà hơn 10m2 của 5 thành viên gia đình anh Thái Văn Bửu. Ảnh: ĐỒNG VĂN 

Từ tháng 4/2019, hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc Hương Sơ chuẩn bị đón người dân di dời từ Thượng thành đã được triển khai và hiện đang được đẩy nhanh tiến độ để bàn giao đúng hạn. Với nguyên tắc nơi ở mới phải tối thiểu bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ khi di dân, hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Bắc Hương Sơ được xây dựng đường giao thông, hệ thống xử lý nước thải, ngầm hóa hệ thống điện và trồng cây xanh.

Quan tâm đặc biệt đến nơi ở mới của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh: Ngay cả trong quan điểm, chúng ta cũng phải nhận thức rằng không có khái niệm “khu tái định cư”, mà phải gọi là “khu dân cư mới”. Người dân đến đây vừa là đối tượng di dời đến nơi ở mới, cả đối tượng tiếp nhận đất thông qua chuyển nhượng nên trong tư duy phải là “khu dân cư mới” và có tâm thế phục vụ người dân có nhu cầu. Chủ đầu tư phải có tư duy đó thì khu hạ tầng mới đảm bảo được các yếu tố về chất lượng, kỹ thuật và mỹ thuật.

Hiểu tâm ý dân, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã dành một ngày cuối tuần cuối tháng 10 để dẫn người dân phải di dời trong đợt đầu tiên đến xem nơi ở mới tại Hương Sơ. Những nỗi lo vẫn còn ngổn ngang, nhưng được vị Chủ tịch UBND tỉnh dẫn thăm nơi ở mới trong tương lai, được hỏi han, được giải đáp những thắc mắc, nhiều người dân đã vững tin hơn về ngày họ được rời đi. Ông Thái Văn Biểu (tổ 14, phương Thuận Lộc) xúc động: Ra xem đất ngoài Hương Sơ, thấy quá ngon luôn, cả nhà ai cũng vui. Hơn nửa đời người chật chội, cực khổ ở đây rồi, phải được ra ngoài đó, họa may mới đổi đời được.

Hoàn thiện vỉa hè khu dân cư mới Bắc Hương Sơ phục vụ di dời, giải phóng mặt bằng khu vực Thượng Thành. Ảnh: ĐỒNG VĂN

Ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Huế nhận xét rằng, chưa có đợt di dời dân cư nào mà lại được Nhà nước quan tâm bằng khung chính sách thoáng như đối với dự án giải phóng mặt bằng khu vực 1, Kinh thành Huế. Do đó, nhiệm vụ của TP. Huế là tuyên truyền, động viên để người dân rời đi trong đồng thuận và đảm bảo hạ tầng nơi đến cho bà con. Ông khẳng định: “Trước đây, nhiều hộ dân ở Thuận Lộc, Thuận Thành liên quan đến dự án chỉnh trang sông Ngự Hà phải di dời ra Hương Vinh (thị xã Hương Trà), nhưng vẫn lấn cấn chuyện học hành của các cháu và hộ khẩu của người dân. Rút kinh nghiệm, đợt di dời này mọi quyền lợi của người dân sẽ được đảm bảo.”

Tâm tư người rời đi

Đúng như lời của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã nhấn mạnh, di dời dân cư khu vực 1, Kinh thành Huế là nguyện vọng chính đáng của người dân và là trách nhiệm của chính quyền. Các hộ dân sống ở đây chủ yếu là lao động phổ thông nên đời sống khó khăn, đa phần là hộ nghèo, hộ cận nghèo nhiều thế hệ phải chung sống trong những căn nhà tạm bợ, chật hẹp với điều kiện vệ sinh môi trường không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, cảnh quan đô thị, xâm phạm nghiêm trọng đến di sản thế giới. Do vậy, khi có cơ hội được Nhà nước hỗ trợ bằng nhiều chính sách ưu đãi theo khung chính sách, bà con mong muốn sớm được dời đi, ổn định cuộc sống lâu dài nơi ở mới, an cư lạc nghiệp và trả lại đất cho di tích.

Tuy vậy, theo ghi nhận của chúng tôi, cùng với sự đồng thuận cao với chủ trương của Nhà nước về việc di dời, nhưng nhiều hộ dân cũng không khỏi lo lắng, tâm tư. Lo lắng lớn nhất là thời điểm dời đi rơi vào cuối năm 2019, đúng mùa mưa gió và quá cận tết. Thêm nữa, đồng loạt 523 hộ dân rời đi khi chưa kịp xây dựng nhà mới, thì biết tìm đâu ra nguồn nhà cho thuê lớn như vậy để đáp ứng, rồi việc thuê nhân công vật lực xây nhà mới cũng khó khăn.

Ông Lê Tâm Chủng (tổ 12, phường Thuận Hòa) băn khoăn: Đi là chắc chắn rồi, nhưng có thể xin đi muộn một chút được không, miễn cho qua tết và còn có thời gian để làm nhà mới. Một lần đi cả nhà mấy con người, đồ đạc nhiều, biết thuê nhà mô mà để cho hết?

Ông Lê Viết Thiện (tổ 14, phường Thuận Lộc) cũng bày tỏ: Đi xem nơi sẽ được chuyển đến, bà con trong tổ ai cũng vui, cũng mong sớm được đi càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên cũng có chút lo, rằng trong trường hợp mình không đủ tiền để làm nhà theo những mẫu đã được gợi ý thì Nhà nước có tạo cách gì để hỗ trợ dân vay tiền để làm nhà không? Nếu vay được thì mức lãi như thế nào?

Trong khi đó, anh Thái Văn Bửu (con trai ông Biểu) lại lo lắng, nếu hộ chính và hộ phụ không được ở gần nhau, con cái không được ở gần cha mẹ. “Xem đất ngoài Hương Sơ, thấy khu vực dành bố trí các hộ chính quá đẹp nhưng hộ phụ thì chưa rõ ràng lắm. Đi mô cũng được, nhưng tui chỉ mong được bố trí gần cha mẹ. Cả ba con đều còn nhỏ, xa ông bà quá thì không biết xoay xở răng cho được”, anh Bửu nói.

Là địa bàn phường có số hộ dân di dời đông nhất trong đợt 1, 2019, đến nay, Thuận Lộc đã sẵn sàng các phương án chuẩn bị lực lượng để hỗ trợ trực tiếp bà con trong ngày di chuyển chỗ ở, nhất là đối với những hộ nghèo, neo đơn và khó khăn. Dù vậy, trước tình huống hàng trăm con người kèm theo vật dụng sinh hoạt gia đình cùng di chuyển chỗ ở trong cùng một thời điểm là mùa mưa gió và gần tết, tâm trạng lo lắng là điều không tránh khỏi. Bà Phan Thị Cúc, Chủ tịch UBND phường bày tỏ: “Thuận Lộc đã sẵn sàng mọi việc để người dân ổn định và đồng thuận rời đi. Tuy nhiên, đảm bảo hơn cho cuộc di chuyển, người dân và chính quyền phường Thuận Lộc mong muốn lãnh đạo tỉnh và thành phố tính toán, xem xét giải pháp phân kỳ số lượng để di dời cho phù hợp”.

Đồng cảm với tâm tư của các hộ dân di dời trong đợt đầu tiên, ông Trần Văn Cẩm (tổ trưởng tổ 14, phường Thuận Lộc) cũng chia sẻ: Tất cả những hộ dân của tổ 14 thuộc diện di dời trong đợt đầu tiên đều chấp hành và đồng thuận cao chủ trương của Nhà nước. Tuy nhiên, do kế hoạch di dời rơi vào thời điểm mùa mưa và cận tết, nên có khoảng 80% số hộ nguyện vọng không nhận khoản tiền hỗ trợ thuê nhà, cho ở tại chỗ và xong tết là rời đi. Trong thời gian này, bà con tranh thủ thuê thợ thầy làm nhà và ít ra cũng ổn định nơi ở để đón tết. Chưa kể, nếu giao tiền hỗ trợ tiền cho bà con khi họ chưa thể làm nhà, nhiều nhà sẽ không giữ được cho đến ngày làm được nhà, dễ tạo ra hệ lụy nguy hiểm.

Đến lúc này, cả hệ thống chính trị của Thừa Thiên Huế đang thống nhất, đồng lòng với một khí thế quyết liệt nhất để thực hiện đúng kế hoạch di dời 523 hộ dân ở Thượng thành, Kinh thành Huế. Những tâm tư của bà con rồi sẽ được ban chỉ đạo thực hiện dự án kịp thời xem xét và hỗ trợ giải quyết. Cuối cùng, trong tâm thế cùng cả tỉnh “đếm ngược” đến ngày những hộ dân đầu tiên dời đi đến nơi ở mới, trả mặt bằng lại cho di tích, một lần nữa nhắn nhủ lại điều vị "chỉ huy trưởng" là Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ tâm huyết: Chúng ta đang cố gắng làm trọn vẹn nhất trách nhiệm với bà con. Về phần mình, đề nghị bà con tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, lắng nghe, cầu thị để cùng thực hiện cuộc di dời một cách tốt nhất, không để những vướng mắc nhỏ trở thành lực cản lớn.

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Di dời lồng cá trên sông Bồ

121 lồng cá trắm cỏ của 38 hộ dân thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú (Quảng Điền) đang nuôi trên sông Bồ buộc phải di dời đến nơi khác và giảm lồng nuôi để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt. Đây là quyết định của UBND huyện Quảng Điền cũng như theo phân tích của các sở, ngành liên quan, nhằm bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho người dân vùng phụ cận.

Di dời lồng cá trên sông Bồ
Khẩn trương sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở

Trước tình hình mưa lớn, nguy cơ sạt lở và ngập lụt sâu, trong sáng 5/11, các địa phương của huyện Phú Lộc đã triển khai sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy cơ cao về sạt lở, rào chắn cảnh báo các vị trí ngập lụt sâu.

Khẩn trương sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở
San lấp mặt bằng vi phạm hành lang an toàn tuyến quốc lộ

Ngày 18/10, Hạt Quản lý đường bộ Bình Điền (Công ty CP Quản lý và xây dựng Đường bộ Thừa Thiên Huế) cho biết đã tiến hành lập biên bản xác lập vụ việc, hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với một hộ dân trên địa bàn.

San lấp mặt bằng vi phạm hành lang an toàn tuyến quốc lộ

TIN MỚI

Return to top