Về sự chưa hợp lý, ý kiến người dân cho rằng, có tuyến đường kẻ vạch, cắm biển được dừng, đỗ ô tô; có tuyến đường thì không; có tuyến đường chỉ cho phép dừng đỗ ô tô một bên; lại có tuyến đường được dừng đỗ ô tô cả hai bên…
Đường Hai Bà Trưng không được đậu đỗ 2 bên nhưng xe ô tô vẫn cố tình vi phạm
Từ việc kẻ vạch
Đường Nguyễn Huệ là một trong những tuyến đường tương đối lớn, có nhiều điểm kinh doanh bất động sản, cà phê, in ấn…Tuyến đường này một bên có vạch kẻ được phép đỗ ô tô, một bên không.
“Do phía bên công ty chúng tôi không có vạch kẻ dành cho việc đỗ ô tô, nên khách hàng ngại đến giao dịch vì sợ công an xử phạt. Nếu có khách hàng đến giao dịch thì họ cũng không thể đỗ xe phía bên kia đường, vì ở đó thường kín xe của khách hàng của các hàng quán kinh doanh bên ấy. Đó là lý do mấy tháng nay, công ty chúng tôi làm ăn giảm sút”, chủ một doanh nghiệp giao dịch bất động sản trên đường Nguyễn Huệ giãi bày.
Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay, trên nhiều trục đường chính của TP. Huế có tuyến được kẻ vạch được phép đỗ ô tô, nhưng có tuyến lại không. Như đường Đống Đa rộng với hai làn đường, nên việc đỗ xe khá thuận lợi. Thế nhưng, có tuyến cũng rộng, như đường Lý Thường Kiệt, đường Hai Bà Trưng cũng chưa có vạch kẻ dành cho việc đỗ xe ô tô nên nếu đậu đỗ sẽ bị lập biên bản, xử phạt.
Chị Nguyễn Thị Hoa, chủ một ô tô cho biết: “Tôi mới dừng xe bên đường Trương Định, chạy ù vào nhà sách bên đường để mua vài thứ cho đứa con. Khi quay ra, xe đã bị lực lượng CSTT lập biên bản xử phạt”.
“Mỗi ngày chúng tôi chia thành 7 tổ để trực chốt, tuần tra, kiểm soát lưu động trên các tuyến đường, khu dân cư trên địa bàn. Khi phát hiện xe ô tô, mô tô hay chủ các hàng quán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường là chúng tôi lập biên bản, xử lý ngay. Cũng có trường hợp xin du di, nhưng chúng tôi cương quyết xử phạt để làm gương, kể cả người thân quen. Chỉ riêng xe ô tô, trung bình mỗi ngày chúng tôi xử lý khoảng 120 chiếc”, Trung tá Đặng Phúc Xuân, Đội trưởng Đội CSGT- Trật tự Công an TP. Huế nói.
Liên quan đến thắc mắc, vì sao cùng một tuyến đường (như tuyến Nguyễn Huệ) nhưng một bên cấm đỗ xe, một bên kẻ vạch cho đậu đỗ xe? Đại diện Phòng Quản lý đô thị TP. Huế giải thích, Nguyễn Huệ là tuyến đường thí điểm kẻ vạch đậu đỗ ô tô. Đường Nguyễn Huệ không kẻ vạch cho phép đậu đỗ hai bên vì, tuy là tuyến đường tương đối lớn, có vạch phân cách mềm để phân làn xe, nhưng không đủ điều kiện để kẻ vạch đậu đỗ xe hai bên theo quy định. Nghĩa là, đường Nguyễn Huệ không đủ tối thiểu 14 mét.
Theo quy định, việc sử dụng lòng đường đô thị làm nơi để xe phải đảm bảo các yêu cầu: Đối với đường hai chiều mà lòng đường có chiều rộng tối thiểu là 10,5 mét thì cho phép đỗ xe một bên; tối thiểu là 14 mét thì cho phép đỗ xe hai bên. Đối với đường một chiều lòng đường tối thiểu là 7,5 mét thì cho phép đỗ xe bên phải phần xe chạy. Đối với các tuyến đường không có kẻ vạch, nhưng các xe vẫn đậu đỗ là các tuyến đường đó không có biển báo cấm đậu đỗ.
Tuyến đường Nguyễn Huệ chỉ kẻ vạch đỗ xe một bên
Cần tính toán hợp lý
Tuy đã quy định như vậy, nhưng thực tế cho thấy, có không ít tuyến đường trên địa bàn TP. Huế nhỏ hẹp, quỹ đất để làm điểm đậu đỗ ô tô lại ngày càng ít đi; trong khi đó, lưu lượng phương tiện ô tô ngày càng tăng. Việc cơ quan chức năng tăng cường lập lại trật tự đô thị, xử phạt các xe ô tô đậu đỗ trên các tuyến đường sẽ có những ý kiến trái chiều là không tránh khỏi.
Để giải quyết khó khăn này, trước mắt, Phòng Quản lý đô thị TP. Huế tham mưu, đề xuất UBND thành phố kẻ vẽ đậu đỗ xe trên lòng đường 30 tuyến đường có bề rộng mặt đường trên 10,5 mét. Hiện, ngoài tuyến đường Nguyễn Huệ, đã hoàn thành việc kẻ vẽ điểm đậu đỗ xe trên các đường xung quanh phố đi bộ Chu Văn An - Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu; các tuyến Đội Cung, Nguyễn Thái Học... cùng kết hợp với các khách sạn có sân bãi lớn làm nơi đậu đỗ xe; hoàn thành điểm đậu xe đường Đoàn Thị Điểm nối dài phục vụ đậu đỗ xe dưới 16 chỗ phục vụ tham quan Đại Nội.
Việc hạ lề một số tuyến đường như Lê Lai, Ngô Quyền, Trần Thúc Nhẫn, Nguyễn Thái Học, Lê Quý Đôn, Bến Nghé để làm các điểm đậu đỗ ô tô cũng đã xong. Hiện, UBND TP. Huế đã và đang nghiên cứu phương án chỉnh trang kết hợp hạ lề một số tuyến đường khác để làm điểm đỗ xe như: Hai Bà Trưng, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Tri Phương, Tố Hữu, Phan Bội Châu, Điện Biên Phủ (đoạn xuống bến thuyền số 5 Lê Lợi)… Đồng thời, đã triển khai bãi đỗ xe Khu văn hóa đa năng Kim Đồng. Phòng Quản lý đô thị TP. Huế đã đề xuất UBND TP. Huế xây dựng điểm đỗ xe tĩnh sau khi di dời chợ Cống; thí điểm xây dựng công trình bãi đỗ xe (ngầm - nổi) phục vụ giao thông tĩnh tại 93 Bà Triệu.
Theo quy hoạch hệ thống giao thông tĩnh tại Quyết định 1174/QĐ - UBND tỉnh ngày 24/6/2015 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 sẽ xây mới, cải tạo nâng cấp 15 bến xe và 42 bãi đỗ xe trên địa bàn tỉnh. Hiện UBND TP. Huế đã quy hoạch bố trí một số khu vực công viên làm điểm đỗ xe như: Công viên Phú Xuân (bắc cầu Dã Viên); khu vực xung quanh Đại Nội… Tuy nhiên, hiện nay kế hoạch triển khai còn chậm hoặc chưa triển khai do thiếu kinh phí, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, khó khăn trong kêu gọi xã hội hóa…
Hiện cơ quan chức năng đang nỗ lực lập lại trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, cần có sự tính toán hợp lý, đừng để cùng một tuyến đường, bên được kẻ vạch cho đỗ ô tô thì thuận lợi trong kinh doanh buôn bán, bên không có thì thiệt thòi.
Bài, ảnh: ANH PHONG - TRỌNG BỬU