ClockThứ Bảy, 25/03/2023 11:47

Đô thị Huế nhìn ra phía biển

TTH - Lâu nay, nhiều người tiếc cho Thừa Thiên Huế khi vùng đất có dư địa phát triển đô thị nhìn ra phía biển nhưng vẫn còn bỏ ngỏ. Gần đây, với động thái tích cực và những chủ trương của chính quyền cho thấy, Thừa Thiên Huế vừa gìn giữ bản sắc đô thị cổ, vừa hình thành chuỗi đô thị ven biển nhằm đảm bảo không gian cho dân số và sức hút du lịch.

Đô thị biển quan trọng ở phía bắc của tỉnhCùng hành động trước thách thức của biến đổi khí hậu

leftcenterrightdel
Quy hoạch đô thị biển Lăng Cô 

Chậm nhưng không muộn

Cách đây chừng 10 năm, anh bạn Việt kiều Úc về Huế đã bàn luận về tính hấp dẫn của một đô thị di sản khi được “nhìn về phía biển”. Lý lẽ của bạn rằng, một đô thị đáng sống, phát triển bền vững không chỉ là nơi giao hòa sinh hoạt của dân bản địa mà phải thu hút khách thập phương. Đô thị Huế đã thừa hưởng một tài sản ông cha để lại là những báu vật đáng quý, thế nhưng để khách đến không chỉ việc khu trú thăm thú cảnh quan, đền đài, lăng tẩm mà họ cần thêm nghỉ dưỡng, thưởng thức các dịch vụ, du lịch từ biển... TP. Huế nhìn về biển không xa nhưng lại nhiều “lực cản”, trong đó thiếu vắng những con đường kết nối...

Dự thảo quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2060, Thừa Thiên Huế có 13 đô thị; trong đó 1 đô thị loại I là TP. Huế và 2 đô thị loại IV (thị xã Hương Thủy, Hương Trà); 10 đô thi loại V và 3 đô thị mới công nhận: Lộc Sơn (Phú Lộc); Vinh Thanh (Phú Vang) và Phong An (Phong Điền).

leftcenterrightdel
 Kiến trúc nhà cửa, phố thương mại đã hình thành khu vực phía đông kết nối giữa phố và biển

TP. Huế là trung tâm hành chính kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh, khi mở rộng thêm vào năm 2021 tỷ lệ đô thị hóa đạt 56%. Các đô thị còn lại phần lớn được hình thành, phát triển chủ yếu đảm nhiệm chức năng là đô thị hành chính, dọc theo QL1A chưa tạo ra động lực phát triển quan trọng về công nghiệp, dịch vụ, du lịch, do đó tốc độ đô thị hóa và quy mô phát triển còn chậm.

Trong các đô thị loại V và các đô thị mới công nhận chỉ có 2 đô thị Lăng Cô và Vinh Thanh trở thành những trung tâm dịch vụ du lịch biển. Bên cạnh đó có thể chọn thêm Vinh Hiền (Phú Lộc), Điền Lộc (Phong Điền), Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền)... trở thành đô thị biển vệ tinh.

Không quá trễ để bắt đầu và quan trọng hơn, sự “lùi lại” của đô thị ven biển Thừa Thiên Huế là điều kiện tốt để toan tính cho một quy hoạch bài bản, dài hạn. Dấu ấn lớn nhất vào năm 2021, TP. Huế đã mở rộng gần gấp 4 lần so hiện trạng cũ về phía đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và ven biển. Nhiều quỹ đất nơi đây đã quy hoạch dáng phố, nhà cửa phố thương mại. Nhiều tuyến đường lớn nối từ trung tâm TP. Huế về biển được đầu tư hàng trăm tỷ đồng đã hình thành, như Phú Mỹ - Thuận An, Chợ Mai - Tân Mỹ, Tây phá Tam Giang... Mới đây, đường ven biển và cầu Thuận An vượt biển dài gần 2,4km với vốn đầu tư  hơn 2.400 tỷ đồng chỉ vài năm đến sẽ tạo “huyết mạch” liên vùng mà bao năm qua không riêng người dân Huế khắc khoải.

Gần đây những hội thảo quy hoạch lớn, thu hút sự góp mặt của nhiều chuyên gia đầu ngành trong, ngoài nước là minh chứng cho sự cầu thị của chính quyền nhằm thảo luận, lấy ý kiến để quy hoạch đô thị Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm văn hóa di sản, du lịch, trước mắt phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương dự ước vào năm 2025; trong đó có yếu tố tiên quyết cho việc “nhìn về phía biển”, liên quan đến xây dựng đô thị ven biển.

Vì sự bền vững

Theo nhiều chuyên gia, đô thị phát triển không vì sự gia tăng dân số của địa phương. Đặc biệt với chức năng dịch vụ đô thị, sự phát triển càng phụ thuộc vào sức hút du lịch, cư dân bản địa còn là lượng du khách đến tham quan, lưu trú.

Trao đổi tính chất trên, TS. Đặng Minh Nam, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thừa nhận và cho rằng, đó là cơ hội phát triển của những đô thị ven biển Thừa Thiên Huế dựa trên lợi thế của một đô thị đặc trưng “Văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh” theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị đã khẳng định để phát triển du lịch.

Đề cập quy hoạch đô thị ven biển, TS. Đặng Minh Nam cho rằng, khi du lịch là một phần quan trọng của nền kinh tế địa phương, các dịch vụ đô thị cho con người là yếu tố cần thiết. Sự phát triển này dựa trên dư địa có lợi thế cảnh quan hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và những bờ biển đẹp và không bỏ qua yếu tố biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng khắc nghiệt.

Do đó không nên quy hoạch đô thị ven biển theo kiểu đơn chức năng như Đà Nẵng, Tuy Hòa, Nha Trang... đã làm, dành nhiều ưu tiên cho phương tiện cá nhân, tạo thành sự ngăn cách giữa thành phố và biển.

Khuyến nghị được đặt ra, là nên quy hoạch không gian công cộng dọc bờ biển, ưu tiên cho phương thức giao thông xanh, phải tạo ra tầm nhìn cho người đi bộ và hình thành mảng xanh bản địa mang nét đặc trưng cho đô thị ven biển.

Bên cạnh đó, yêu cầu kiến trúc ven biển cần đảm bảo tính thẩm mỹ, vừa phải có tính bản địa của mỗi vùng, là yêu cầu cần thiết cho nhà cửa, công trình trong khu vực mang tính chất đô thị “bọt biển” mà nhiều quốc gia phát triển đang ứng dụng thành công với tầm nhìn hàng trăm năm. Đó là đô thị có giải pháp chống ngập lũ khi mưa lớn và thoáng mát vào mùa hè.

Người bạn hoạt động trong ngành kiến trúc đô thị ở TP. Hồ Chí Minh khi trao đổi về đô thị biển cho rằng, kiến trúc ven biển là một loại hình công trình đặc thù, không như các công trình ở trung tâm đô thị hoặc các thành phố xa biển, kể cả về hình thức kiến trúc, cũng như chức năng không gian sử dụng và giải pháp kỹ thuật. Kiến trúc khởi tạo từ ưu thế, sự khác biệt của thiên nhiên, môi trường khí hậu, hài hòa mục đích sử dụng công trình sẽ tạo nên sắc thái biển, một kiểu “định danh” về nơi chốn bằng kiến trúc.

Cho đến nay, khá nhiều tỉnh, thành vẫn chưa quan tâm hết quỹ tài nguyên ven biển thuộc phạm vi địa phương, từ góc nhìn chiến lược về công tác quy hoạch kiến trúc, cũng như có cơ sở cho công tác quản lý.

Chính điều này làm cho quá trình phát triển bị manh mún, kém sức hấp dẫn về thu hút đầu tư. Trong khi đó, vùng ven biển ở Thừa Thiên Huế nhiều nơi như: Cảnh Dương, Lăng Cô (Phú Lộc), hay Vinh Thanh (Phú Vang) đã, đang hình thành những khu du lịch biển đẳng cấp quốc tế nhưng mới giai đoạn đầu, chưa khởi sắc.

Để có những đô thị biển với tương lai xứng tầm, từ bây giờ đòi hỏi một tư duy, khát vọng mạnh mẽ, cùng với chiến lược thu hút đầu tư, định hướng phát triển quy hoạch phải xây dựng được bản sắc riêng cho đô thị biển.

Bài, ảnh: MINH VĂN
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

KỶ NIỆM 8 NĂM RA MẮT HỢP TÁC MEKONG - LAN THƯƠNG VÀ TUẦN LỄ MEKONG - LAN THƯƠNG NĂM 2024
Chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai giữa các nước Mekong - Lan Thương

LTS: Kỷ niệm 8 năm ra mắt Hợp tác Mekong - Lan Thương và Tuần lễ Mekong - Lan Thương năm 2024, Báo Thừa Thiên Huế giới thiệu bài viết của bà Đổng Bích Du, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Đà Nẵng về mục tiêu chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai giữa các nước Mekong - Lan Thương.

Chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai giữa các nước Mekong - Lan Thương

TIN MỚI

Return to top