ClockThứ Bảy, 26/03/2016 04:56

Đưa nước sạch vượt đèo

TTH - Sau “kỳ tích” đưa nước sạch vượt phá Tam Giang của Công ty TNHH NN MTV Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) giúp hàng chục ngàn người dân ven biển giải cơn khát nước sạch, giờ đây tuyến đường ống truyền tải DN600 đi qua hầm đường bộ Phước Tượng, huyện Phú Lộc lại là cây cầu gắn kết đưa nguồn nước sạch vươn xa.

Thi công lắp đặt đường ống cấp nước sạch của HueWACO. Ảnh: HueWACO​

Chớp thời cơ

Trong chuyến đi Đà Nẵng vừa qua, khi đi ngang qua hầm đèo Phước Tượng, cậu bạn đi cùng bảo: “Nước sạch không chỉ vượt phá mà còn vượt đèo. Nghe nói bên cấp nước mới đưa tuyến đường ống ngầm vượt đèo, hoành tráng lắm, có lẽ cả nước chỉ có HueWACO là đơn vị đầu tiên đưa nước sạch băng đèo”. Nghe tới đó, cả đoàn chúng tôi đều ngạc nhiên.

Trao đổi với ông NguyễnVăn Duy, Giám đốc Xí nghiệp Xây lắp HueWACO chúng tôi nhận được lời xác nhận, kèm theo giải thích: Thiết kế ban đầu của hầm đường bộ Phước Tượng không có xây dựng hệ thống đường ống truyền tải nước. Tuy nhiên, chớp thời cơ khi khởi công Dự án xây dựng hầm đường bộ  Phước Tượng, công ty đã lập hồ sơ thiết kế và có văn bản đề xuất với UBND tỉnh, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và được Bộ trưởng Bộ GTVT đồng ý về việc cho công ty tiến hành đầu tư tuyến ống qua hầm nhằm đảm bảo cấp nước sạch cho huyện Phú Lộc và các vùng phụ cận từ nguồn vốn HueWACO.

Việc lắp đặt hệ thống truyền tải nước sạch DN600 dài 546m là phương án tối ưu và đồng bộ về quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo cung cấp nước an toàn bền vững với mức độ bao phủ của công trình khoảng 95% cho người dân thị trấn, xã Lộc Bình, Lộc Trì và 5 xã khu 3 huyện Phú Lộc.

Thi công tuyến ống DN600

Theo phương án thiết kế ban đầu, muốn đưa nước sạch vượt đèo, công ty phải lắp đặt hệ thống đường ống chạy dọc theo tuyến đường đèo với chiều dài 3,2km. Trên đỉnh đèo với cao trình 57m, độ dốc 7%, đồng nghĩa công ty phải bố trí các trạm tăng áp mới có thể đưa được nước sạch vượt đèo. Số tiền đầu tư cho hệ thống trên lên đến vài chục tỷ đồng, thậm chí cả trăm tỷ đồng. Chưa nói đến nguồn nước phục vụ cho việc cấp nước tại khu vực Phú Lộc hiện rất khó khăn, bởi nguồn nước lấy từ hồ Truồi cách đó chừng 40km, quá xa, không đảm bảo áp lực nước. Nguồn nước tại lưu vực sông Cầu Hai trữ lượng thấp không đáp ứng được nhu cầu.

Tuyến ống DN600 gang dẻo PAM dài 546m, được nhập từ Pháp có tuổi thọ bền vững trên 100 năm, được bố trí nằm dọc trong hộp kỹ thuật của hầm. Nguồn kinh phí xây dựng 3,6 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có. Đầu tư tuyến ống truyền tải DN600 qua hầm đường bộ Phước Tượng, không làm ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư dự án xây dựng hầm đường bộ. 

Trong khi đó, xây dựng hệ thống đường ống dọc theo mương kỹ thuật của hầm đường bộ Phước Tượng sẽ tận dụng tốt nguồn nước tại 2 hồ chứa nước Thủy Yên, Thủy Cam với trữ lượng nước lên đến 19 triệu m3, chất lượng tốt, lại nằm trong vùng hưởng lợi nên tiết kiệm lớn chi phí đầu tư đường ống, đảm bảo phát triển bền vững lâu dài.

Đầu tư cho tương lai

Theo quy hoạch cấp nước tỉnh Thừa Thiên Huế, vùng cấp nước Phú Lộc bao gồm thị trấn Phú Lộc, các xã Lộc Trì, Lộc Bình, 5 xã bãi ngang ven biển và khu kinh tế Chân Mây _ Lăng Cô có nhu cầu nước dự kiến vào năm 2020 khoảng 9.000 m³/ngày đêm và còn tiếp tục tăng. Tuy nhiên, do khu vực thị trấn Phú Lộc có địa hình sát biển và đầm phá, nguồn nước khai thác hạn chế nên chỉ đáp ứng tối đa khoảng 4.000 m³/ngày đêm. Vì thế, việc lắp đặt tuyến truyền tải này sẽ sử dụng được nguồn nước thô ổn định từ hai hồ nước Thủy Yên, Thủy Cam. Định hướng sẽ đấu nối với 2 nhà máy nước Thủy Yên, Thủy Cam công suất 110.000 m³/ngày đêm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm chủ đầu tư, sau khi hai nhà máy này đi vào hoạt động.

Theo ông Nguyễn Văn Duy, trước mắt, tuyến ống DN600 vượt đèo Phước Tượng sẽ được đấu nối với tuyến ống DN315 HDPE quy hoạch giai đoạn 1 dự án ADB, hiện tuyến này được đấu nối vào tuyến ống DN225 HDPE đã có của hệ thống cấp nước Lộc Thủy và Lộc Trì. Để thực hiện lắp đặt hệ thống ống truyền tải này, công ty đã huy động nguồn nhân lực, vật lực làm việc 24h/24h nhằm đảm bảo tiến độ cũng như hiệu quả thi công.

Về hiệu quả của tuyến đường ống truyền tải vượt đèo, ông Trương Công Nam, Giám đốc HueWACO chia sẻ: Xác định nếu không chớp lấy thời cơ khi khởi công dự án xây dựng hầm đường bộ thì sẽ không còn cơ hội đầu tư vì kinh phí lắp đặt hệ thống đường ống, các trạm tăng áp... dọc theo tuyến đường đèo cần kỹ thuật cao và nguồn vốn rất lớn. Vì thế, phải nói rằng, đầu tư hệ thống truyền tải băng hầm Phước Tượng là sự đầu tư kịp thời, mang lại hiệu quả cao về mặt kinh tế và xã hội, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng so với phương án ban đầu. Ngoài ra, nó còn đáp ứng nhu cầu cho sinh hoạt và sản xuất, phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ đến năm 2050, đảm bảo an toàn cấp nước, bổ sung nguồn nước thô cho nhà máy nước Lộc Trì, Chân Mây.

Bài, ảnh: HOÀNG LOAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đầm Cầu Hai

“Rất khó để lột tả hết vẻ đẹp của đầm Cầu Hai. Có thể nói đây như là một vật báu mà thiên nhiên đã ban tặng cho đất Huế. Đây cũng là nơi mà ai đã đến thì cũng không muốn về…” – Đó là những lời “có cánh” của trang elephant travel (Công ty Du lịch Con Voi) dành cho đầm Cầu Hai, một địa danh du lịch nổi tiếng thuộc địa phận huyện Phú Lộc, cách TP. Huế khoảng 40km.

Đầm Cầu Hai
HueWACO tham dự ngày hội khởi nghiệp sáng tạo

Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) tham gia triển lãm khởi nghiệp sáng tạo dựa trên các đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã đạt giải cao của công ty.

HueWACO tham dự ngày hội khởi nghiệp sáng tạo
Hoàng hôn trên phá Tam Giang

Hoàng hôn trên phá Tam Giang có gì thú vị? Bạn đặt câu hỏi khi tôi nói rằng vừa mới rời khỏi phá Tam Giang và đã có dịp ngắm hoàng hôn ở đó. Tôi muốn nói với bạn thật nhiều điều nhưng lạ thay phút chốc tôi lại chẳng biết phải nói từ đâu, từ khoảnh khắc nào. Bởi, nếu ai từng đến phá Tam Giang, tận hưởng từng phút giây mới có thể hiểu được nỗi lòng.

Hoàng hôn trên phá Tam Giang

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top