Cao tốc La Sơn - Túy Loan đoạn qua Nam Đông đã hoàn thành. Ảnh: NGUYỄN PHONG
Những cao tốc kết nối
Người dân vùng đất Cố đô cảm nhận được thông thương giữa miền xuôi và miền núi khi đường cao tốc La Sơn - Túy Loan đã cơ bản hoàn thiện. Đây là con đường lớn, tựa như con tàu vượt núi thuộc dự án (DA) đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng dài 77,6km với tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng; trong đó đoạn qua tỉnh dài hơn 36km có quy mô 4 làn xe.
Ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông chia sẻ, khi DA khởi động, chính quyền địa phương nhận rõ đó là tuyến đường trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa đặc biệt trong phát triển kinh tế của tỉnh chung và Nam Đông nói riêng. Có 560 hộ dân bị ảnh hưởng với 100 ha đất các loại bị thu hồi; trong đó có 41 hộ phải tái định cư ở Hương Lộc, Hương Phú và thị trấn Khe tre, đến nay đã giải quyết ổn thỏa.
Cùng với DA cao tốc La Sơn - Túy Loan, sự ra đời của tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc DA xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam qua địa bàn Thừa Thiên Huế được triển khai với chiều dài 62,5km (đi qua huyện Phong Điền, Phú Lộc; TX. Hương Trà và Hương Thủy). Mặt cắt ngang tuyến giai đoạn trước mắt đầu tư với quy mô 2 làn xe với bề rộng nền đường 12m. Giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền 23m.
Điểm đầu của cao tốc La Sơn - Túy Loan thuộc địa bàn xã Lộc Sơn, Phú Lộc đã hoàn thành
Khi tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn hoàn thành sẽ nối với tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan và hoàn thiện nhánh Đông đường Hồ Chí Minh kết nối với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Từ đây, một cơ hội lớn mở ra không chỉ giảm tải và ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm trên QL1A qua địa bàn mà còn tạo tuyến giao thông liên hoàn giữa các vùng miền của các tỉnh khu vực miền Trung.
Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT, DA cao tốc Cam Lộ - La Sơn bắt đầu khởi động được bộ ngành và lãnh đạo địa phương đặc biệt quan tâm; trong đó chú trọng đến giải phóng mặt bằng (GPMT). Hiện tại có 1.616 hộ dân ở 4 địa phương (Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Lộc) bị ảnh hưởng với diện tích thu hồi khoảng 430 ha, di dời 798 lăng mộ; trong đó có 178 hộ dân phải tái định cư.
Thời gian qua, câu chuyện GPMT cho DA đi qua đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về bồi thường, tái định cư nhưng chính quyền địa phương xem đó là nhiệm vụ chính trị để triển khai quyết liệt. Tính đến nay, dù ảnh hưởng đại dịch COVID-19 nhưng tỉnh có những phương án tháo gỡ vướng mắc thực tế cơ bản bàn giao mặt bằng gần 95% và phấn đấu vào cuối quý 3/2020 sẽ bàn giao 100% mặt bằng theo đúng kế hoạch.
Tuyến đường Hầm đường bộ Hải Vân 2 được khởi công xây dựng do Tập đoàn Đèo Cả đề xuất với Chính phủ và Bộ GTVT phê duyệt thực hiện. DA này có điểm đầu thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và điểm cuối thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng với tổng chiều dài hơn 12,6km. Trong đó, đường dẫn phía Bắc (nằm ở thị trấn Lăng Cô) dài 2,1km, đường dẫn phía Nam (nằm ở phường Hòa Hiệp Bắc) dài 4,3km; đường hầm dài hơn 6,2km, rộng 9,75m. Tổng mức đầu tư hơn 7.296 tỷ đồng.
Hiện tại, tất cả các gói thầu của DA, như thi công hầm; cầu và đường dẫn; cơ điện… đã hoàn thành hơn 90% khối lượng. Công việc của hạng mục chủ yếu còn lại hiện nay là lắp đặt trang thiết bị cơ điện. Dự kiến DA đưa vào hoạt vào đầu tháng 9/2020, để giảm mật độ lưu thông qua hầm đường bộ Hải Vân đã xây dựng từ năm 2005 ngày càng quá tải. Đồng thời tạo cơ hội thông thương, rút ngắn khoảng cách, thời gian cho người, phương tiện vận tải qua lại giữa Thừa Thiên Huế với Đà Nẵng và khu vực miền Trung.
Không còn cách trở
Bên cạnh những DA cao tốc đã rõ hình hài, cùng QL49 B nối từ TP. Huế lên phía Tây miền núi A Lưới; La Sơn - Nam Đông cũng như nhiều DA giao thông đường bộ chạy theo trục ngang, dọc kết nối vùng trung tâm TP. Huế đến TX. Hương Thủy, Hương Trà... hướng về khu vực ven biển.
Điển hình là các DA mở rộng tuyến QL49B từ Thuận An (Phú Vang) đến Vinh Hiền (Phú Lộc) - nối QL1A dài gần 48km, tổng vốn đầu tư hơn 761tỷ đồng được chia làm hai giai đoạn do nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn khác. Hiện nay chỉ còn hơn 1,6km qua địa bàn xã Giang Hải và Vinh Hiền (Phú Lộc) chưa hoàn thành, nhưng cung đường này tạo mạch giao thông xuyên suốt nối hơn 20 xã, thị trấn xã vùng biển, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai từ Phú Vang đến Phú Lộc. Nhờ cung đường này đã chia sẻ bớt lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên QL1A cũng như rút ngắn khoảng cách từ TP. Huế xuôi về vùng ven biển và ngược lại.
Ở cửa ngõ phía Bắc của tỉnh, tuyến đường Phong Điền - Điền Lộc có điểm đầu nối QL1A đi qua địa bàn thị trấn Phong Điền, điểm cuối đến biển Điền Lộc (Phong Điền) dài 16,5km, tổng vốn đầu tư hơn 671 tỷ đồng. Trong đó, 3km đoạn đi qua thị trấn Phong Điền được mở rộng 36m, bao gồm 2 làn đường mỗi làn rộng 10,5m, có dải phân cách rộng 6m và lề đường mỗi bên rộng 4,5m.
Ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Giám đốc Ban Quản lý DA Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh, đơn vị làm chủ đầu tư DA thông tin, hiện nay công trình đường Phong Điền - Điền Lộc đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2 với nguồn vốn đã đề xuất bố trí của Chính phủ hơn 400 tỷ đồng. Việc đầu tư tuyến đường này mở ra hướng đi mới về sắp xếp lại dân cư, đẩy nhanh đô thị hóa và tiếp cận với các đầu mối giao thông quan trọng khác. Đây cũng là tuyến quan trọng nhằm mở rộng, tăng cường sự liên kết phát triển vùng như phát triển dịch vụ du lịch biển ở vùng Ngũ Điền (phía Đông Bắc của tỉnh), Khu công nghiệp Phong Điền, Khu công nghiệp TX. Hương Trà và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cứu hộ cứu nạn...
Bài, ảnh: MINH VĂN