Sản xuất cát nhân tạo thay thế cát sỏi lòng sông cũng phải đảm bảo các giải pháp về bảo vệ môi trường
Như đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), hiện nay, phía thượng nguồn đã có các đập thủy điện, thủy lợi nên nguồn cát sỏi bổ sung cho phía hạ lưu rất hạn chế. Do vậy, hoạt động khai thác cát sỏi trái phép, khai thác vượt độ sâu sẽ gây nguy cơ rất lớn đến môi trường, đến đường bờ. Thực tế đã xảy ra nhiều vị trí sạt lở bờ sông gây tác động đến đất canh tác, công trình, nhà cửa của dân cư gần khu vực sạt lở.
Theo tài liệu nghiên cứu về địa chất, địa chất khoáng sản, trên phạm vi địa bàn tỉnh có nhiều phức hệ magma chứa khoáng vật cứng, trong đó có thạch anh có thể chế biến thành cát nhân tạo phục vụ cho xây dựng và một số cấu tạo địa chất khác như cát kết quarzit thuộc hệ tầng A Vương, cát kết thuộc hệ tầng Tân Lâm…, cuội sỏi các khu vực đầu nguồn.
Đối với các phức hệ magma, ngoài việc xay trực tiếp từ nguồn nguyên liệu đầu vào là đá để chế biến cát còn có thể sử dụng phần đá phong hóa trên bề mặt của các khối đá trên để xay, ray tuyển khô, ray tuyển ướt để chọn lọc cát do các khoáng vật cứng trong cấu trúc đá bị phong hóa có chất lượng đảm bảo để làm cát phục vụ xây dựng.
Theo lý giải của đại diện Sở TN&MT, hoạt động xay đá tuyển thành cát đang được khuyến khích nhằm thay thế cát sỏi lòng sông. Tuy nhiên, hoạt động này có thể có tác động đến môi trường xung quanh, nên để đảm bảo môi trường cần quan tâm một số giải pháp khi thực hiện dự án xay, tuyển lựa cát nhân tạo.
Thứ nhất là về tiếng ồn phát sinh chủ yếu ở công đoạn xay đá, sàng, rửa, lọc cát và máy ép thủy lực, tiếng ồn động cơ điện. Để hạn chế tối đa tiếng ồn phát sinh, dự án cần áp dụng thiết bị, máy móc phù hợp và có phương án trồng cây xanh khu vực dự án, vừa tạo cảnh quan vừa hạn chế cường độ âm thanh.
Thứ hai là vấn đề không khí. Hoạt động của dây chuyền tuyển cát có thể tạo ra một lượng bụi nhất định. Nên, việc thực hiện dự án cần được trang bị máy hút bụi hoặc phun sương để giảm thiểu lượng bụi thoát ra gây ô nhiễm môi trường. Việc bố trí vị trí đặt máy móc dây chuyền, vị trí đứng làm việc của công nhân phải hợp lý; đồng thời cần thực hiện các giải pháp kỹ thuật để nâng chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người lao động.
Thứ ba là về nước thải sẽ phát sinh trong hoạt động sản xuất của dây chuyền tuyển cát. Theo tài liệu nghiên cứu địa chất về các loại đá magma, các khoáng vật mềm có tỷ lệ khá lớn trong đá, do vậy sau khi qua công đoạn dập nghiền sẽ trở thành bụi, bột đi theo nguồn nước tuyển rửa. Vì vậy, để triệt để nguồn thải bùn phát sinh, dự án cần xây dựng hệ thống bể xử lý lắng ngang. Nước sau xử lý được tái sử dụng tối đa (có thể là 100%) cho quá trình tuyển cát. Bụi mịn lắng được thu gom sử dụng cho sản xuất gạch men, bột tít, phụ gia xi măng hoặc trộn vào cát nghiền.
Vấn đề cần quan tâm xử lý khác là chất thải rắn. Do tính chất hoạt động của trạm nghiền, trạm ray nên chất thải rắn có thể có được từ hoạt động dây chuyền tuyển cát, tuy nhiên lượng này không đáng kể. Toàn bộ nguyên liệu đầu vào được tái sử dụng hết trong quá trình sản xuất, các chất thải rắn sinh hoạt, sửa chữa máy móc thiết bị cần được thu gom và hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển xử lý.
Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN