Cửa Quảng Đức - Kinh thành Huế
Hơn 6 giờ chiều, tôi bị kẹt cứng ở cửa Hậu- "Chính Bắc môn" của Kinh thành Huế. Thoạt tiên, cứ ngỡ là có vụ tai nạn giao thông nào đó, hóa ra không phải, chỉ là do xe vào xe ra "xung đột" nhau, giao thông tắc tị. May mà có các đồng chí công an xuất hiện điều tiết, nếu không thì chẳng biết đến bao giờ tôi mới thoát được điểm nghẽn này.
Không phải là dân Thành nội nên tôi không được rõ cho lắm, còn với những người là cư dân Thành nội, họ bảo nghẽn đường tại các cổng thành gần như cơm bữa, đặc biệt "ác mộng" là vào các giờ cao điểm và ở các cổng thành cho lưu thông 2 chiều. Cửa Đông Ba là một ví dụ điển hình. Ai không tin, mời đến... "trải nghiệm" một lần cho biết.
Làm sao để giảm ùn tắt giao thông cho các cổng thành? Đó là câu hỏi đau đáu và cũng là... đau đầu của rất nhiều người, rất nhiều ngày. Cầu vượt? Hầm chui? Cáp treo trung chuyển? Thậm chí cả... mở rộng cổng thành. Nhiều ý kiến chính thức lẫn phi chính thức được nêu ra. Song, xem chừng chưa thấy giải pháp đủ sức thuyết phục.
Kinh thành Huế được khảo sát, xây dựng cách nay đã 200 năm. Mục tiêu là cho bố phòng, quy hoạch có lẽ cũng tính cho quy mô dân không lớn, phương tiện giao thông thì thuở ấy chỉ là ngựa xe, võng kiệu, và chủ công vẫn là... bộ hành. Nay dân số phình ra hàng vạn, xe cộ thì tha hồ và đủ loại, thương mại dịch vụ rộn ràng, lại còn khách du lịch vào ra tham quan thăm thú lên đến con số hàng triệu lượt mỗi năm, kẹt đường tắc cổng là điều tất yếu và không có gì là khó hiểu.
Hàng triệu du khách đến tham quan cũng là áp lực cho giao thông khu vực Thành nội
Lâu nay vẫn thường nghe câu "sống chung với lũ". Với giao thông ở Thành nội, trước mắt có lẽ không cách nào khác là cũng phải chấp nhận "sống chung". Bằng cách nào? Theo thiển nghĩ của chúng tôi, căn cứ vị trí của 10 cổng thành và phân bố dân cư thực tế, ngành giao thông cần cho khảo sát, điều nghiên và đề xuất, ban hành quy định cổng nào, vào khoảng cụ thể nào của thời gian cao điểm trong ngày chỉ dành riêng cho ô tô + hướng di chuyển; cũng thời gian đó thì cổng nào chỉ dành cho xe đạp, xe máy, mô tô 2 bánh và có phân 2 luồng vào- ra tách bạch. Tại thời điểm đó, cấm các loại xe thô sơ chở hàng cồng kềnh, người đi bộ hay súc vật lại qua. Sau đó lại cho lưu thông bình thường như hiện nay. Cũng trong khoảng thời gian cao điểm nhất định, các cổng thành hiện đang được quy định chỉ lưu thông 1 chiều có thể linh hoạt cho lưu thông 2 chiều, ưu tiên cho xe máy, mô tô 2 bánh; có phân luồng để tránh xung đột. Mô tô, xe máy là phương tiện giao thông chủ lực, chiếm số lượng lớn, điều tiết bằng giải pháp này sẽ giảm bớt áp lực đáng kể cho những cổng thành còn lại.
Sẽ vất vả, bất tiện đối với một bộ phận người Thành nội do (có thể) phải đi xa hơn, phải nhớ giờ giấc quy định... Nhưng bù lại, đường về nhà hoặc đi học, đi làm sẽ thông thoát, đỡ phải chen lấn, đỡ phải đợi chờ, đỡ phải bực dọc và khổ sở vì phơi nắng phơi mưa, hít khói ngửi bụi do kẹt xe. Đó là giải pháp trước mắt. Giải pháp này đòi hỏi phải có sự đồng cảm, chia sẻ của cộng đồng dân cư. Và tất nhiên, đòi hỏi cả sự hiện diện của lực lượng chức năng- ít nhất trong thời gian đầu- để hướng dẫn, giám sát.
Về lâu dài, không cách nào khác là phải tính đến việc giãn dân, quy hoạch lại ngành nghề kinh doanh, dịch vụ... trong khu vực Thành nội. Một số trường học, một số cơ quan, công sở phải được tính toán để chuyển ra khỏi thành để đến nơi phù hợp. Dân cư thì vận động, khuyến khích mua nhà tậu cửa ở khu vực khác. Nghiên cứu để ban hành quy định đặc thù phù hợp với pháp luật, không cho nhập hộ khẩu mới, không cho thuê nhà, trọ ở trong khu vực Thành nội để tránh tình trạng tăng dân số cơ học. Ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cũng tiến hành sắp xếp lại. Dần dần đưa những ngành nghề, dịch vụ không thích hợp ra ngoài, ngược lại cũng nên xây dựng, thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ mạnh mẽ phát triển những ngành nghề, dịch vụ, hoạt động kinh doanh thiên về kinh tế du lịch, bổ trợ và hữu ích cho di tích, di sản... Đến một lúc nào đó, công dân sống trong khu vực Thành nội hưởng lợi và "sống tốt" từ di sản, họ sẽ tự hào là "công dân của di sản", vui vẻ nhắc nhau cùng tự giác chấp hành các "quy định Thành nội". Lúc ấy, vấn đề giao thông sẽ được giải quyết mà Kinh thành cùng Đại Nội- "trụ cột chính" của di sản Huế chắc chắn cũng được bảo tồn và phát huy tốt hơn.
Tất nhiên, những điều trên muốn thành hiện thực thì đòi hỏi phải có cả một lộ trình dài và một quyết tâm thật lớn. Hẳn cũng sẽ có người bảo đó là "giấc mơ". Song, tôi nghĩ giấc mơ ấy đã bắt đầu khởi động với việc di dời, tái định cư cho 4.200 hộ với cả 2 vạn dân khu vực Thượng Thành, Eo Bầu mà tỉnh, thành phố và các ngành chức năng đang tích cực triển khai với sự ủng hộ của người đứng đầu Chính phủ...
Bài, ảnh: DIÊN THỐNG