ClockThứ Ba, 05/11/2019 13:15

Giao thông đồng bộ từ miền núi xuống đầm phá

TTH - 20 năm sau trận lũ lịch sử năm 1999, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh được đầu tư đồng bộ, kết nối các địa phương từ miền núi về đồng bằng, vùng đầm phá.

20 năm sau trận lũ lịch sử: Hồi sinh những làng quê

Các tuyến hầm Phước Tượng, Phú Gia, Hải Vân đã thi công hoàn thiện kết nối giao thông trên QL1

Kết nối vùng, miền

Ông Nguyễn Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Hương Thọ (TX. Hương Trà) cho rằng, thành quả kinh tế của Hương Thọ có được hôm nay là nhờ hạ tầng giao thông được đầu tư bài bản, bố trí dọc triền sông Hương với 85% tuyến đường được bê tông hóa.

Mới nhất là tuyến đường bê tông dẫn vào lăng Gia Long dài 4,5km được đầu tư 44 tỷ đồng. Tuyến đường ngoài phục vụ du lịch còn là tuyến huyết mạch kết nối 5 thôn vùng trọng điểm lụt năm 1999 là Đình Môn, Kim Ngọc, Sơn Thọ, La Khê Trẹm và Thạch Hàn.

5 thôn “vùng sâu vùng xa” này với 2.700 hộ dân, sản xuất chủ yếu dựa vào trồng rừng kinh tế, cao su. Nhờ tuyến đường, cộng với cầu Hữu Trạch mới được xây dựng đã kết nối QL49, thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, nông sản, mủ cao su và thu hoạch rừng kinh tế.

Các tuyến đường WB cũng được đầu tư ở vùng thượng nguồn sông Hương, như tuyến đường bê tông dài hơn 10km nối xã Dương Hòa (TX. Hương Thủy) qua Hương Thọ về Bình Thành (TX. Hương Trà); tuyến đường chạy dọc sông Hương từ điện Hòn Chén lên xã Dương Hòa dài 17km. Những tuyến đường này không chỉ góp phần quan trọng vào việc thông thương, kết nối giao thông mà còn có ý nghĩa an ninh quốc phòng (ANQP).

Những địa phương vùng thấp trũng của Quảng Điền cũng đang hoàn thiện hạ tầng giao thông, đê nội đồng để phát triển kinh tế, ứng phó với mưa lũ.

Ông Đào Trọng Thành, Chủ tịch UBND xã Quảng Thành thông tin, đối với vùng thấp trũng như Quảng Thành, đầu tư đường, đê điều đều phải tính đến công năng kết hợp giữa việc lưu thông đi lại và ngăn lũ.

Từ nhiều nguồn vốn khác nhau, địa phương đã đầu tư xây dựng các tuyến Tây Thành - Kim Đôi và Kim Đôi - Quán Hòa dài hơn 4km. Tuyến đường nhằm kết nối các thôn vùng thấp trũng sát khu vực đầm phá, dễ “tổn thương” khi xảy ra lũ lụt. Kết nối giao thông giúp kinh tế phát triển. Hiện, 50% các hộ dân ở khu vực này (khoảng 600 hộ) có nhà kiên cố. Hàng năm, khi có lũ lớn, việc di dân được thực hiện tại chỗ, thông tin liên lạc thông suốt, hạn chế rủi ro.

Mới đây, địa phương cũng đầu tư xây dựng tuyến đê ngăn mặn giữ ngọt Quảng Thành- Quang An dài 1,5km với mặt đê rộng 5m kết hợp với giao thông nội đồng. Tuyến đê còn là “lá chắn” bảo vệ khoảng 800 ha lúa cho các địa phương Quảng Thành, Quảng An.

Tiếp tục đầu tư

Theo Sở GTVT, đến nay, về cơ bản, trên địa bàn tỉnh đã có đường ô tô về đến trung tâm các xã. Đường QL1 đi qua địa bàn được nâng cấp mở rộng thành 6 làn xe. Chiều dài các tuyến quốc lộ hơn 450 km, chiều dài các tuyến tỉnh lộ 478 km. Đường từ thành phố Huế lên Nam Đông, A Lưới được hoàn thiện, hệ thống đường đô thị được nâng cấp.

Đến năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư 1.200 công trình thủy lợi, bao gồm 56 hồ chứa nước, 215 đập dâng, trên 480 trạm bơm điện và trạm bơm dầu, 500 cống, 1.475 km kênh mương, hơn 400 km đê bao, đê nội đồng, đê phân vùng... phục vụ tưới, tiêu cho hơn 61 nghìn ha/năm, đảm bảo diện tích tưới, tiêu đạt trên 93% tổng diện tích.

Hệ thống cầu qua sông An Cựu được đầu tư mới, hệ thống cầu qua phá Tam Giang được quan tâm đầu tư giúp kết nối hệ thống giao thông hai bên bờ phá Tam Giang, xóa sự chia cách về địa hình.

Các hầm Hải Vân, Phú Gia, Phước Tượng; cao tốc La Sơn - Túy Loan, bến số 1 và 3 cảng Chân Mây cơ bản hoàn thành; sân bay Phú Bài cũng được nâng cấp từ sân bay nội địa thành sân bay Quốc tế và đang được nâng cấp để đón 5 triệu lượt khách/năm.

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh thông tin, Sở GTVT đã giao đơn vị tư vấn nghiên cứu, lập quy hoạch hướng tuyến chi tiết tuyến đường ven biển từ Phong Điền đến Phú Lộc, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị, ANQP của tỉnh.

Đây là cơ sở để triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng và khai thác phát triển quỹ đất, không gian vùng ven biển, đầm phá đạt hiệu quả cao hơn.

Theo đó, tuyến ven biển tỉnh cần quy hoạch chi tiết hướng tuyến có chiều dài khoảng 123km, trong đó điểm đầu tuyến tại xã Điền Hương, huyện Phong Điền; điểm cuối tại đèo Hải Vân, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc với tổng mức đầu tư khoảng 11.443 tỷ đồng.

Theo ông Cường, để phù hợp đặc điểm, tình hình thực tế hiện nay của địa phương, mục tiêu và quan điểm lập quy hoạch đường ven biển cần kết nối đồng bộ với tuyến đường bộ ven biển của cả nước, tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải theo hướng Bắc - Nam và tăng tính kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm ven biển với các cảng biển lớn; đồng thời giảm tải cho QL1 và QL49 hiện hữu; kết hợp với hệ thống đường phòng thủ ven biển nhằm tạo thuận lợi trong xử lý các tình huống ứng phó với thiên tai...

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đồng bộ giải pháp để thu ngân sách bền vững

Huy động nguồn lực, thúc đẩy doanh nghiệp (DN) phát triển, tận dụng các lợi thế khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ giúp Huế khai thác hiệu quả nguồn thu ngân sách, hướng đến giảm dần sự phụ thuộc vào ngân sách trung ương.

Đồng bộ giải pháp để thu ngân sách bền vững
Quy định mới về trình tự xử lý "phạt nguội" vi phạm giao thông

Quy định mới về trình tự xử lý "phạt nguội" phương tiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được quy định trong Thông tư số 73/2024/TT-BCA, ngày 15/11/2024, quy định công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (sau đây gọi tắt là Thông tư 73/2024/TT-BCA).

Quy định mới về trình tự xử lý phạt nguội vi phạm giao thông

TIN MỚI

Return to top