Cảnh tắc nghẽn giờ cao điểm ở đường Ngự Bình mỗi khi có tàu hỏa ngang qua. Ảnh: HA
Tôi sống ở đường Hải Triều, phường An Cựu, TP.Huế. Nếu mỗi buổi sáng không đi làm thật sớm hoặc đi làm về muộn thì e rằng khó có thể đến cơ quan hay về nhà đúng giờ, bởi lưu lượng xe cộ qua lại tại nút giao thông Hùng Vương, Hải Triều, Phan Chu Trinh vào mỗi giờ cao điểm quá đông đúc. Một số tuyến đường khác như Bà Triệu, Ngô Quyền, Bến Nghé, Lê Lợi…cũng đông đúc không kém vào giờ cao điểm đi làm hay tan tầm.
Huế ngày càng chật chội bởi lâu nay, hiện trạng đô thị Huế ít thay đổi, đường nhỏ hẹp, trong lúc đa phần các công sở, trường học, bệnh viện lại nằm ở trung tâm thành phố. Hơn nữa, lượng xe cộ, nhất là ô tô cá nhân tăng vọt khiến việc đi lại thật sự khó khăn. Nhiều cán bộ công chức ở Bệnh viện Trung ương Huế bày tỏ, trước đây, họ thường đi làm bằng ô tô do lượng xe ô tô cá nhân không nhiều nên đi lại khá dễ dàng, nay thì khó, nhất là mỗi lúc đi làm về vào thời điểm buổi trưa hoặc buổi chiều khi mà học sinh các Trường THPT Quốc Học, Hai Bà Trưng bãi học, để lái được xe ô tô ra khỏi cổng bệnh viện thật sự vất vả. Vì vậy, giải pháp tối ưu nhất vẫn là chiếc xe máy. Anh Võ Tuấn Anh, ở đường Phan Chu Trinh cho biết: “Từ ngày mua chiếc ô tô đến nay mấy tháng rồi, song để đi làm bằng ô tô thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Công việc đòi hỏi phải đi đúng giờ, song đi ô tô hướng nào cũng kẹt xe nhất là vào giờ cao điểm. Tôi nghĩ thời gian tới còn kẹt xe nhiều hơn, khi kinh tế ngày càng phát triển, lộ trình cắt giảm thuế ô tô vào năm 2018 từ khu vực ASEAN về Việt Nam đã được công bố từ lâu, người dân sẽ mua xe ô tô nhiều hơn. Mong sao, các cấp chính quyền cần có giải pháp quyết liệt và đồng bộ hơn để giảm tải nạn ùn tắc giao thông ngay từ bây giờ, chứ về lâu dài sẽ gặp khó khăn như ở Hà Nội, hay TP. Hồ Chí Minh hiện nay”.
Nhiều người dân khi nói về tắc đường ở Huế đều tỏ ra đồng cảm: “Trước đây đường sá đi lại ở Huế thật sự rộng rãi, đường vắng, nhưng nay điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, người dân đến Huế làm việc khá đông; các nhà máy dệt may làm ăn được nên lượng công nhân làm việc nhiều; số lượng sinh viên trong và ngoài tỉnh học tại các trường đại học ở Huế cũng lên đến hơn vài chục ngàn người, rồi nào là cán bộ, công chức, học sinh, tiểu thương…đông như vậy thì làm sao mà không tắc đường được. Chúng tôi nghĩ thời gian tới tỉnh cần có lộ trình di chuyển một số công sở, bệnh viện, trường học ra các khu quy hoạch; hạn chế các loại ô tô vào nội đô thành phố, phân luồng giao thông hợp lý, thay đổi chênh lệch giờ làm việc… thì sẽ giải quyết được bài toán kẹt xe”.
Hy vọng trong thời gian tới, tỉnh, thành phố sẽ có những quyết sách hợp lý hơn để giải quyết bài toán chật chội của đô thị Huế.
Tịnh Hân