Hệ thống thảm xanh đóng vai trò quan trọng trong phát triển đô thị Huế theo hướng xanh, bền vững
Ở TP. Huế, hệ thống những hàng cây cổ thụ như nhạc ngựa, long não, xà cừ, bồ đề, phượng vỹ… gắn liền với tên đường, tên phố đã đóng góp một phần không nhỏ vào đời sống sinh hoạt của người dân và quá trình xây dựng thành phố xanh, thành phố du lịch, sinh thái. Mật độ cây xanh ở TP. Huế được xếp vào hàng nhất nhì của cả nước với tỷ lệ hơn 12m2/người.
Nhưng một vấn đề gây băn khoăn, lo lắng là tình trạng đô thị hoá, mật độ dân cư gia tăng, nhiều công trình xây dựng mọc lên đã làm thu hẹp diện tích cây xanh, khoảng không gian trống, mặt nước ao, hồ...
Năm 2013, theo số liệu từ Trung tâm Công viên cây xanh Huế, mật độ cây xanh TP. Huế đạt tỷ lệ 14,8m2/người. Nếu tính cả diện tích thảm cỏ, sông nước, rừng cảnh quan thì mật độ cây xanh đạt đến 20m2/người. Đến năm 2016, theo báo cáo của UBND TP. Huế, mật đô cây xanh đạt 12,9m2/người. Thay đổi này chứng tỏ tỷ lệ cây xanh đô thị có xu hướng giảm.
Thực trạng chung của nước ta hiện nay là hệ thống cây xanh, công viên đô thị chưa được quan tâm đầu tư thích đáng; tỷ lệ đất cây xanh, công viên đạt rất thấp so với tiêu chuẩn quy định; diện tích mặt nước bị giảm xuống đáng kể. Trong khi đó, cây xanh, mặt nước, thảm cỏ lại đóng vai trò quan trọng đối với môi trường sống cũng như góp phần vào phát triển kinh tế- xã hội.
Cây xanh, mặt nước trong đô thị có thể làm giảm nhiệt độ không khí từ 3,30C đến 3,90C khi diện tích đất cây xanh đạt 20% đến 50% diện tích đất đô thị. Cây xanh đô thị có thể hấp thụ từ 40% đến 50% cường độ bức xạ mặt trời.
Cây xanh hai bên đường phố có thể giảm lượng bụi trong không khí đối với những tầng trên của nhà cao tầng từ 30- 60%. Trung bình một ha rừng hay vườn cây rậm rạp có thể hấp thụ 1.000kg CO2 và thải ra 730kg O2 mỗi ngày.
Như vậy, theo tính toán, mỗi người dân đô thị cần diện tích khoảng 10m2 cây xanh hoặc 25m2 thảm cỏ để đảm bảo không khí trong lành cho cuộc sống.
Nhiều khu đô thị mới đã và đang được xây dựng còn thiếu các không gian công cộng như vườn hoa, công viên, quảng trường đi bộ…
Phần lớn đất dành cho phát triển quỹ nhà ở, xây dựng các công trình dịch vụ để bán và cho thuê tại các khu đô thị mới đang được chủ đầu tư tận dụng tối đa mà quên nên bố trí thêm diện tích cây xanh, các khu vui chơi công cộng hay các bồn hoa, tuyến đi bộ… để phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Không những thế, trong các đô thị còn xảy ra thực trạng nhiều diện tích mặt nước, cây xanh bị san lấp, chuyển đổi. Không đâu xa, nhều hồ ở khu vực nội thành Huế đang dần bị thu hẹp, thậm chí “biến mất” sau nhiều năm “bỏ ngỏ” quản lý, để người dân lấn chiếm xây dựng nhà cửa, làm ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu thoát nước, suy giảm chất lượng môi trường sống, cảnh quan.
Hoài Nguyên