ClockThứ Sáu, 07/10/2022 07:45

Gỡ khó các công trình giao thông trọng điểm - Bài 1: Những “huyết mạch” bị ảnh hưởng

TTH - Vốn đầu tư công (ĐTC) là nguồn lực để giao thông đi trước “mở đường” tại Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, nhiều năm qua việc giải ngân nguồn vốn này không như kỳ vọng so với kế hoạch, làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội...

Tháng 9 sẽ trình Bộ Chính trị xem xét chủ trương đầu tư dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - NamQuyết tâm hoàn thành 2.500km đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào năm 2025Sẽ rà soát, đề xuất tỉnh xem xét bổ sung quy hoạch khai thác khoáng sảnĐẩy nhanh tiến độ công trình trọng điểm đô thị, giao thôngCông trình trọng điểm nguy cơ chậm tiến độ

Chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng vốn đầu tư hàng năm ở địa phương để dẫn dắt tăng trưởng kinh tế - xã hội. Song, việc giải ngân vốn ĐTC chậm khiến nhiều “huyết mạch” bị ảnh hưởng.

Dự án đường Phong Điền - Điền Lộc ngoài vướng GPMB hiện đang gặp khó về nguồn đất san đắp nền

Tiến độ kéo dài

Dự án (DA) đường Phong Điền - Điền Lộc khởi công từ năm 2011, với tổng vốn hơn 568 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN). Quy mô DA dài hơn 16,5km, có điểm đầu nối với QL1A (thị trấn Phong Điền) và điểm cuối đến biển Điền Lộc (Phong Điền) với 4 gói thầu chính, do Ban Quản lý DA Đầu tư xây dựng công trình giao thông (BQL DAĐTXDCTGT) tỉnh làm chủ đầu tư. Đánh giá về tiến độ DA này, nhiều cán bộ ở huyện Phong Điền chia sẻ, điệp khúc gián đoạn lặp đi lặp lại và hiện tại vẫn như "rùa bò".

Trong những ngày giao mùa, không khí trên công trình các gói thầu của DA đường Phong Điền - Điền Lộc khá vắng lặng, ngoại trừ một số hạng mục cầu vượt đường sắt Phong Điền và cầu Hòa Xuân 1 nằm trên tuyến có tiếng công nhân và máy móc đào xới, lắp nối lao dầm... Do thi công chậm, DA này mới chỉ đạt hơn 50% khối lượng công việc.

Năm 2022, DA được bố trí 94 tỷ đồng để triển khai các hạng mục tại các gói thầu và thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB). Tuy nhiên, đến thời điểm này, DA giải ngân chưa đến 50 tỷ đồng vì đang "nghẽn" tiến độ do chưa giải quyết dứt điểm GPMB. Cụ thể, phải bồi thường tái định cư cho 18 hộ ở thị trấn Phong Điền và 34 hộ xã Phong Hiền, nhưng chưa giải quyết dứt điểm và đoạn cuối tuyến từ QL49B đến vùng biển xã Điền Lộc dài hơn 1km, có 9 hộ dân và hơn 500 ngôi mộ tại khu nghĩa trang địa phương hiện chưa được di dời... Từ nay đến cuối năm 2022 chỉ còn 3 tháng lại nằm trong quỹ thời gian mưa gió xứ Huế, liệu DA "tiêu hết" nguồn vốn còn lại?

DA đường Phú Mỹ - Thuận An có chiều dài hơn 4,2km nằm trên địa bàn TP. Huế được khởi vào cuối năm 2018 với NSNN đầu tư 345 tỷ đồng. DA này có hai gói thầu chính là 6 và 14, nhưng đến thời điểm này mới hoàn thành khoảng hơn 50% kế hoạch. Tại thời điểm này, DA giải ngân hơn 273 tỷ đồng; riêng năm 2022, DA được bố trí hơn 90 tỷ đồng, nhưng đến cuối tháng 9 giải ngân chưa đến 20 tỷ đồng.

Theo một báo cáo mới đây của ngành GTVT, có khá nhiều DA giao thông trọng điểm ở địa phương triển khai chậm tiến độ và "tiêu vốn" bố trí hàng năm chậm. Đơn cử, như BQL DAĐTXDCTGT tỉnh đang quản lý 19 DA, trong đó 13 DA đang thực hiện và 6 DA đang chuẩn bị đầu tư. Năm 2022, kế hoạch vốn đã bố trí cho đơn vị này hơn 1 nghìn tỷ đồng, nhưng đến thời điểm này giải ngân được hơn 608 tỷ đồng, đạt chừng 60%. Nhiều DA giải ngân nguồn vốn thấp có thể gọi tên, như đường vào nhà máy chế biến cát, bột Thạch Anh ít sắt chất lượng cao huyện Phong Điền; đường Tây phá Tam Giang (đoạn Phú Mỹ - Phú Đa); cầu Vân Dương; hay các DA, như đường Chợ Mai - Tân Mỹ; đường Tố Hữu nối dài đến sân bay Phú Bài do BQL DA Đầu tư Xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh làm chủ đầu tư.

Do vướng mặt bằng, hiện các nhà thầu chỉ thi công các hạng mục cầu trên tuyến Phong Điền - Điền Lộc

Nguyên nhân kìm hãm

Tại buổi giao ban kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2022, UBND tỉnh thông tin, tính đến hết tháng 8/2022, toàn tỉnh đã giải ngân vốn ĐTC 2.644,558 tỷ đồng/6.346,113 tỷ đồng, đạt 41,7% kế hoạch vốn; trong đó nhiều DA xây dựng giao thông trọng điểm hấp thu vốn năm 2022 không như kỳ vọng.

Theo ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc BQL DAĐTXDCTGT tỉnh, tính đến thời điểm này, lĩnh vực xây dựng giao thông địa phương giải ngân vốn ĐTC cao hơn mức trung bình chung của tỉnh. Tuy vậy, so với kế hoạch vẫn chưa đạt yêu cầu, bởi đa số DA giao thông thi công chậm tiến độ vì do vướng mắc trong GPMB.

Ông Cường đơn cử, một DA lớn được lãnh đạo tỉnh và người dân địa phương kỳ vọng là tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng được tỉnh "chọn mặt gửi vàng" cho các nhà thầu uy tín, có năng lực đảm nhận khởi công vào ngày 26/3/2022. Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Hoàng Hải Minh về thị sát đánh giá cao trách nhiệm các nhà thầu và nhận định tiến độ DA này đã theo đúng kế hoạch.

Hiện DA vẫn đang vướng mặt bằng làm chậm việc thi công. Tại khu vực xã Hải Dương có hơn 500 ngôi lăng mộ; trong đó có hơn 70 lăng mộ có quy mô lớn vẫn chưa thẩm định giá bồi thường và tại phường Thuận An vướng 3,9ha rừng phi lao chưa được đơn vị chức năng tại địa phương giải quyết.

Một cán bộ trong ngành xây dựng giao thông tỉnh khẳng định, vướng mặt bằng thi công là một trong những nguyên nhân lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn ĐTC của các DA giao thông trong nhiều năm qua. Cán bộ này chia sẻ, ngoài khó khăn về GPMB, thời gian qua, có nhiều DA ảnh hưởng thời tiết, dịch COVID-19 kéo dài, biến động giá và khan thiếu nguồn vật liệu san lấp. Nhiều DA giao thông trọng điểm ở địa phương, như đường Tây phá Tam Giang, Phong Điền - Điền Lộc, Phú Mỹ - Thuận An... nhà thầu chỉ mua vật liệu để san lấp nền trong tình trạng "nhỏ giọt", với giá cao. Đặc biệt, năm 2021, do ảnh hưởng các yếu tố kể trên, có DA không lường hết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai lập DA, thiết kế nên phải điều chỉnh, bổ sung phải đến thời điểm cuối năm mới hoàn thành các thủ tục đấu thầu để khởi công. Vì vậy, các DA được tạm ứng nguồn vốn để thực hiện hợp đồng khá lớn. Đến năm 2022, các DA này được bố trí nguồn vốn chuyển tiếp để thực hiện. Tuy nhiên, phần lớn khối lượng thực hiện để giải ngân giai đoạn đầu năm 2022 phải hoàn lại phần vốn đã tạm ứng nên tỷ lệ giải ngân của các DA thấp. 

Ngoài ra, năng lực của các nhà thầu thi công, trong đó có tình trạng nhà thầu trúng thầu nhiều công trình nhưng không đủ năng lực thi công dẫn đến việc chậm tiến độ DA và giải ngân nguồn vốn...

Bài, ảnh: Song Minh

(còn nữa)

Bài 2: Gỡ “nút thắt”

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những công trình “băng sông, vượt biển”

Nhiều công trình, dự án trọng điểm về giao thông được đầu tư không chỉ giúp giao thương thuận lợi, mà còn tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Những công trình “băng sông, vượt biển”
Quy định mới về trình tự xử lý "phạt nguội" vi phạm giao thông

Quy định mới về trình tự xử lý "phạt nguội" phương tiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được quy định trong Thông tư số 73/2024/TT-BCA, ngày 15/11/2024, quy định công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (sau đây gọi tắt là Thông tư 73/2024/TT-BCA).

Quy định mới về trình tự xử lý phạt nguội vi phạm giao thông
Tràn ra đường vẫy khách gây mất an toàn giao thông

Trên nhiều tuyến đường của thành phố Huế như Bà Triệu, Trịnh Công Sơn... tình trạng các nhân viên quán nhậu tràn ra đường để chặn đầu xe, chèo kéo khách xảy ra thường xuyên, gây mất an toàn giao thông, gây nguy hiểm cho người đi đường.

Tràn ra đường vẫy khách gây mất an toàn giao thông

TIN MỚI

Taobao Mẫu nhà bạt di động mới 2024
Return to top