ClockThứ Bảy, 08/10/2022 08:51

Gỡ khó các công trình giao thông trọng điểm - bài 2: Gỡ “nút thắt”

TTH - Việc chậm giải ngân vốn ĐTC các công trình giao thông đã diễn ra nhiều năm nay, với những nguyên nhân "quen thuộc". Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn rất cần những giải pháp, tháo gỡ những "nút thắt" để khơi thông dòng vốn, phát huy hiệu quả kinh tế.

Gỡ khó các công trình giao thông trọng điểm - Bài 1: Những “huyết mạch” bị ảnh hưởng

Tiến độ dự án đường ven biển và cầu Thuận An được lãnh đạo tỉnh đánh giá đúng kế hoạch đề ra

Tập trung xóa “điểm nghẽn” mặt bằng

Ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, hiện nay, chính quyền luôn đồng hành cùng các chủ đầu tư, đơn vị thi công nhằm thúc đẩy nhanh tiến độ các DA, giải ngân vốn ĐTC. Tỉnh đã thành lập 4 tổ công tác (TCT) liên ngành với 4 lãnh đạo tỉnh làm tổ trưởng đối với hai nhóm DA ngân sách và ngoài ngân sách. Mục đích TCT đang tập trung theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các chủ đầu tư, nhà thầu triển khai thực hiện các DA xây dựng nói chung và công trình giao thông nói riêng và cam kết phương án thực hiện giải ngân theo các mốc thời gian cụ thể; tổ chức giao ban tiến độ để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, nhất là liên quan GPMB từng DA.

Lãnh đạo BQL DA ĐTXDGT tỉnh cho biết, để triển khai DA giao thông trên địa bàn, công tác GPMB được giao cho các địa phương; trong đó thường là trung tâm phát triển quỹ đất và phòng TN&MT các huyện, thành phố, thị xã đảm trách. Tuy nhiên, do cơ chế phê duyệt đơn giá bồi thường về đất, nhà cửa, vật kiến trúc và tài sản trên đất... chưa phù hợp khiến công tác GPMB các DA thường kéo dài.

Giải quyết vướng mắc trên, hàng tháng, hàng tuần, lãnh đạo tỉnh luân phiên thị sát các công trình, DA giao thông trọng điểm; qua đó xem xét tập trung đổi mới, tìm phương án hiệu quả trong công tác GPMB để tháo gỡ “nút thắt” lớn nhất ảnh hưởng đến quá trình giải ngân nguồn vốn ĐTC.

Lãnh đạo UBND tỉnh cho biết, trước mắt với DA đường Phong Điền - Điền Lộc, yêu cầu UBND huyện Phong Điền rà soát, triển khai đồng thời các thủ tục về phê duyệt đền bù, chi trả tiền, giao đất tái định cư, đảm bảo điều kiện để người dân chủ động, có kế hoạch di dời mồ mả, xây dựng nhà ngay khi hoàn thành hạ tầng.

BQL DA ĐT XDCTGT tỉnh làm việc với sở, ngành, huyện Phong Điền để thống nhất mặt bằng phân lô, thủ tục đầu tư xây dựng, thời gian bàn giao mặt bằng 3 khu tái định cư phục vụ DA.

Đối với các DA khởi công trong năm 2022, như DA đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, cầu vượt sông Hương và Nguyễn Hoàng, đường Vành đai 3..., các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ được giao theo kế hoạch đề ra, giải ngân vốn đảm bảo đúng tiến độ.

Trị bệnh “đủng đỉnh”

Những năm gần đây, Chính phủ thường xuyên quan tâm tổ chức giao ban, trao đổi việc giải ngân vốn ĐTC và giải quyết những vướng mắc tại các tỉnh, thành. Các DA ĐTC nói chung hay công trình giao thông nói riêng nếu hoàn thành đúng tiến độ, đưa vào khai thác sẽ tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và ngược lại. Do đó, Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành đến ngày 30/9 hằng năm phải giải ngân các DA đạt 60% kế hoạch năm để cuối năm đạt hơn 95%.

Nhiều chủ đầu tư DA thường dồn đến cuối năm mới hoàn tất thủ tục để giải ngân và trường hợp không kịp thì tạm ứng, đầu năm sau thực hiện giải ngân. Vì thế, các sở, ngành, địa phương phải nhắc nhở chủ đầu tư giải ngân theo tiến độ DA, không để dồn đến cuối năm.

Thực tế, tình trạng "đủng đỉnh" trong giải ngân vốn ĐTC vào thời điểm đầu năm rồi "chạy đôn chạy đáo" để hoàn thành vào cuối năm hay "mùa nắng lập hồ sơ, mùa mưa khởi công" đã lặp đi lặp lại nhiều năm nay. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn ĐTC trên địa bàn. Khắc phục tình trạng này, vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cũng như các chủ đầu tư hết sức quan trọng.

Trong chuyến thị sát các công trình, DA trọng điểm gần đây, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC các DA được bố trí vốn năm 2022 theo chỉ đạo của Chính phủ. Trong đó, tỉnh kiểm tra, giám sát hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện, GPMB và giải ngân hết nguồn vốn ngân sách Trung ương đối với các DA sử dụng vốn ngân sách Trung ương thuộc diện phải hoàn thành trong năm 2022.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh, việc đánh giá năng lực hành động trong giải ngân vốn ĐTC của DA gắn với trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương chức năng liên quan. Không thể có chuyện ì ạch trong việc thực hiện giải ngân nguồn vốn ĐTC.

Cùng với gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, Thừa Thiên Huế sẽ tăng cường xử lý đối với các nhà thầu thi công thiếu năng lực; cũng như các cán bộ gây cản trở đến quá trình giải ngân nguồn vốn ĐTC.

UBND tỉnh sẽ rà soát, xử lý nghiêm những nhà thầu cố tình kéo dài DA, sau đó lập danh sách những nhà thầu năng lực kém để không cho phép triển khai tiếp các DA khác. Nếu tỉnh phát hiện các cán bộ, công nhân viên cố tình làm khó các CTĐ, nhà thầu thi công gây chậm tiến độ giải ngân sẽ bị xử lý.

Các khó khăn, vướng mắc liên quan đến GPMB sẽ được tỉnh phối hợp với từng địa phương để tháo gỡ kịp thời; cố gắng rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục để các DA nhanh chóng khởi công, góp phần giải ngân nhanh nguồn vốn bố trí từng năm.

Bài, ảnh: Song Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những công trình “băng sông, vượt biển”

Nhiều công trình, dự án trọng điểm về giao thông được đầu tư không chỉ giúp giao thương thuận lợi, mà còn tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Những công trình “băng sông, vượt biển”
Quy định mới về trình tự xử lý "phạt nguội" vi phạm giao thông

Quy định mới về trình tự xử lý "phạt nguội" phương tiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được quy định trong Thông tư số 73/2024/TT-BCA, ngày 15/11/2024, quy định công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (sau đây gọi tắt là Thông tư 73/2024/TT-BCA).

Quy định mới về trình tự xử lý phạt nguội vi phạm giao thông
Tràn ra đường vẫy khách gây mất an toàn giao thông

Trên nhiều tuyến đường của thành phố Huế như Bà Triệu, Trịnh Công Sơn... tình trạng các nhân viên quán nhậu tràn ra đường để chặn đầu xe, chèo kéo khách xảy ra thường xuyên, gây mất an toàn giao thông, gây nguy hiểm cho người đi đường.

Tràn ra đường vẫy khách gây mất an toàn giao thông

TIN MỚI

Return to top