ClockThứ Hai, 22/07/2019 06:45

Hạ tầng xử lý nước thải thiếu và yếu - bài 1: Nỗi đau... “nước thải”

TTH - Chất lượng nước tại các con sông, hồ suy giảm mạnh là những ẩn họa khó lường về môi trường sinh thái, cảnh quan và cả sức khỏe con người.

Hồ sinh thái lại bốc mùi

 Dự án Cải thiện môi trường nước khi vận hành sẽ đảm bảo xử lý 70% nước thải khu vực lõi thành phố Huế

Hồ sinh thái bị bức tử

Hồ Tịnh Tâm từng là điểm đến của khách thập phương mỗi lần ghé Huế với những hình ảnh đi vào thơ ca. Hồ Tịnh Tâm còn được biết đến là vùng trồng sen có tiếng đất kinh kỳ, thế nhưng nghề trồng sen nơi đây dần đi vào quên lãng.

Ông Đặng Nhật Huy, 60 tuổi tiếc nuối: “Ngày trước nước hồ trong vắt, thủy sản phong phú, giờ nước thải sinh hoạt thải vào hồ ngày một nhiều, nước hồ đen ngòm, lại bốc mùi hôi thối. Sen lại là một loài khó tính, nước ô nhiễm làm sao sống được. Những hồ sen mướt mắt trước đây giờ thay bằng những đám rau muống, lục bình. Thủy sản thì quanh quẩn cũng chỉ có cá trê, rô phi sống được. Sen Tịnh mất dần từ đó”.

Hồ Tịnh Tâm chỉ là một trong nhiều hồ có chức năng điều hòa, làm nhiệm vụ thoát nước, điều tiết ngập úng, tạo cảnh quan khu vực kinh thành. Quá trình đô thị hóa ngày một phát triển, hồ này còn “gánh” thêm nhiệm vụ bất đắc dĩ là tiếp nhận nguồn nước thải sinh hoạt của những hộ dân sống dọc hồ.

Cứ chiều đến, nước thải sinh hoạt từ nhà dân liên tục dồn về hồ. Hàng khối nước thải đen ngòm vô tư đổ vào hồ cộng với rác thải sinh hoạt của người dân khiến chức năng điều tiết nước không còn đảm bảo.

Không riêng gì hồ Tịnh Tâm. Hệ thống hồ, sông dọc kinh thành dưới tác động của quá trình đô thị hóa phải đối mặt với sự suy giảm chức năng thoát nước, hệ thống mương cống xuống cấp. Ô nhiễm nguồn nước mặt xuất hiện do hầu hết nước thải không được xử lý, xả thẳng vào các kênh, hồ; đặc biệt là hiện tượng phú dưỡng quá mức.

Sông cũng nhiễm bẩn

Một trong những điểm tiếp nhận lượng lớn nước thải sinh hoạt là hệ thống sông trên địa bàn.

Dạo một vòng quanh khu vực thành phố, hình ảnh những dòng kênh đen ngòm, bốc mùi hôi thối vì nước thải sinh hoạt không còn xa lạ. Các tuyến sông Phát Lát, Phổ Lợi, An Cựu… đang đối mặt với ô nhiễm khi nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý mặc nhiên thải trực tiếp ra sông.

Kênh Phát Lát đen ngòm vì nước thải

“Nguồn nước thải từ các miệng cống lúc nào cũng đặc quánh, đen sì hoặc chuyển sang màu vàng, màu đen với những lớp váng dày hoặc sủi bọt khí, bốc mùi hôi thối khiến những nhà sống cạnh sông như chúng tôi ngày càng khó sống. Tôm cá trước đây cũng phong phú, chỉ cần chèo thuyền dọc sông thả lưới một vòng là có tiền tiêu. Những năm gần đây, tôm cá đi đâu hết, có thời điểm cách đây hơn 1 năm cá chết hàng loạt. Rồi cứ ngày nắng, tôm cá lại phơi bụng đầy sông”, ông Đoàn Thuần, sống cạnh sông Lợi Nông chia sẻ.

Suy giảm nguồn nước mặt cũng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đời sống, sinh hoạt, sức khỏe người dân, nhất là những hộ có thói quen sử dụng nước sông để tắm, giặt. Kết quả kiểm tra chất lượng nước nguồn cho thấy, chất lượng nguồn nước trên các con sông như: sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu, sông Truồi, sông Nong... suy giảm, độ đục tăng, hàm lượng chất vi sinh, hữu cơ, sắt, mangan trong nước nguồn tăng cao.

“Ngoài tăng cường các giải pháp cấp nước an toàn như tăng lượng hóa chất xử lý, đầu tư mới hệ thống cấp nước, ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến trong xử lý nước, những năm qua, hệ thống cấp nước cuối nguồn cũng phải đưa lên vùng thượng nguồn để hạn chế những tác động tiêu cực do nguồn nước ô nhiễm”, ông Mai Xuân Tấn, Phòng Quản lý chất lượng nước, đơn vị trực tiếp xử lý nước nguồn cung cấp nước sạch cho 87% dân số toàn tỉnh chia sẻ.

Với đặc thù thành phố du lịch, những con sông, hồ như An Cựu, Ngự Hà, sông Hương... được xem là biểu tượng của Huế, văn hóa, con người xứ Huế. Cùng với quá trình đô thị hóa, tình trạng ô nhiễm nguồn nước tự nhiên ngày càng nghiêm trọng, nỗi lo mất dần những dòng sông di sản trở nên hiện hữu.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Nguyễn Việt Hùng, nước thải sinh hoạt thường có nồng độ ô nhiễm cao do chứa các chất độc hại như chất tẩy rửa, hóa chất, vi khuẩn, vi sinh vật, ni tơ, phốt pho... Các chất này rất độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người. Trong nước thải sinh hoạt chứa một lượng dầu mỡ, hóa chất gây mùi, ngăn cản khuếch tán oxy trên bề mặt lớn và gây thiếu hụt oxy của nguồn tiếp nhận, ảnh hưởng hệ sinh thái môi trường nước. Nếu ô nhiễm quá mức, điều kiện yếm khí có thể hình thành, sản sinh mùi hôi thối.

Khi nước thải sinh hoạt không xử lý đạt chuẩn xả trực tiếp ra môi trường sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước mặt, thậm chí gây suy thoái nguồn nước mặt, nước ngầm. Nước thải sinh hoạt không qua xử lý khi tiếp xúc trực tiếp với đất sẽ gây ô nhiễm môi trường đất, gây nên nhiều hệ lụy môi trường. Những vùng tồn đọng lượng nước thải lớn sẽ gây mùi ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và cảnh quan môi trường.

Theo số liệu quan trắc chất lượng nước của Sở Tài nguyên và Môi trường tại một số khu vực sông Kẻ Vạn, An Cựu, Đông Ba, hồ Tịnh Tâm, hầu hết đều có hiện tượng nhiễm hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh ảnh hưởng đến môi trường.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

(Còn tiếp) 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoàn thiện hạ tầng, sắp xếp trụ sở 2 quận sau khi thành lập

Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết (NQ) thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương và NQ thành lập 2 quận Phú Xuân và Thuận Hóa thuộc TP. Huế. Để triển khai các NQ trên, UBND TP. Huế đã và đang hoàn thiện hạ tầng, sắp xếp trụ sở làm việc cũng như bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức… sẵn sàng cho việc vận hành bộ máy hành chính mới vào đầu năm 2025.

Hoàn thiện hạ tầng, sắp xếp trụ sở 2 quận sau khi thành lập
Khơi thông luồng lạch, hoàn thiện hạ tầng nghề cá

Việc đầu tư xây dựng các dự án (DA) nâng cao năng lực hạ tầng nghề cá kết hợp với việc neo đậu, tránh trú bão trên địa bàn nhằm tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế và phòng, chống thiên tai. Sau khi hoàn thành, các công trình sẽ góp phần khôi phục hoạt động của cảng cá, âu thuyền và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của ngư dân trong vùng DA.

Khơi thông luồng lạch, hoàn thiện hạ tầng nghề cá
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp nhóm lớn nhất toàn cầu nghiên cứu tham gia các dự án hạ tầng tại Việt Nam

Chiều tối 9/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với Đoàn lãnh đạo 18 doanh nghiệp dòng họ Trang, dòng họ Nghiêm đến từ 11 tỉnh, thành phố của Trung Quốc do ông Nghiêm Giới Hòa, người sáng lập Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương và Tập đoàn xây dựng Tô Thương – những doanh nghiệp thuộc 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu, dẫn đầu đang thăm, tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư tại Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp nhóm lớn nhất toàn cầu nghiên cứu tham gia các dự án hạ tầng tại Việt Nam
Quy định mới về trình tự xử lý "phạt nguội" vi phạm giao thông

Quy định mới về trình tự xử lý "phạt nguội" phương tiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được quy định trong Thông tư số 73/2024/TT-BCA, ngày 15/11/2024, quy định công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (sau đây gọi tắt là Thông tư 73/2024/TT-BCA).

Quy định mới về trình tự xử lý phạt nguội vi phạm giao thông
Đầu tư hạ tầng, dịch vụ lưu trú đẳng cấp

Sự cạnh tranh mạnh mẽ của các điểm đến du lịch trong nước và nhu cầu ngày càng cao của du khách đặt ra yêu cầu cần đẩy mạnh hơn nữa việc đầu tư hạ tầng, hiện đại hóa điểm đến, trong đó có hạ tầng, dịch vụ lưu trú đẳng cấp.

Đầu tư hạ tầng, dịch vụ lưu trú đẳng cấp

TIN MỚI

Return to top