ClockThứ Sáu, 16/12/2022 14:41

Hồ thủy lợi gây ngập, người dân nhiều năm chờ đền bù

TTH - Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 5 (viết tắt là BQL Thủy lợi 5 - PV) đang tiếp tục rà soát diện tích đất lòng hồ Tả Trạch nằm trong cao trình bị ảnh hưởng và tiến hành các thủ tục, tổng hợp kinh phí đền bù, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cân đối, bố trí nguồn vốn để chi trả cho người dân ở Nam Đông.

Vướng mắc dự án phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sảnHỗ trợ người dân đăng ký VNEID tại nhàTái tạo nguồn lợi thủy sản trên hồ Truồi

Quá trình tích nước, hồ Tả Trạch gây ngập cây keo tràm ở Hương Phú (Nam Đông) đến nay vẫn chưa được đền bù

Dai dẳng

Từ khi hồ thủy lợi Tả Trạch ở thượng nguồn sông Hương được hoàn thành đưa vào sử dụng đến nay, quá trình tích nước đã có những bất cập, gây ngập diện tích đất rừng, đất sản xuất của người dân.

Cụ thể, nhiều người dân ở khu vực thượng nguồn hồ Tả Trạch, thuộc các xã Hương Phú, Hương Sơn, Hương Xuân (huyện Nam Đông) bị ảnh hưởng cây trồng do hồ tích nước gây ngập nhưng chưa được đền bù. Quá trình diễn ra nhiều năm, người dân, chính quyền địa phương đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Ông Nguyễn Văn Thành (thôn Thành An, xã Hương Phú) cho biết, từ năm 2017 - thời điểm hồ Tả Trạch đi vào hoạt động đến nay, việc tích nước mỗi mùa mưa lũ từ cao trình +45 trở lên đều gây ảnh hưởng đến đất sản xuất của gia đình. Đơn cử, đợt lũ cuối năm 2021 vừa qua, hồ Tả Trạch tích nước hơn mức dâng bình thường gần 1m khiến khoảng 3.000 cây cao su, keo tràm của gia đình trồng đã nhiều năm bị ngập sâu, kéo dài nhiều ngày khiến cây chết. Từ năm 2017 đến nay đã diễn ra nhiều lần, nhưng chưa có sự đền bù, hỗ trợ thỏa đáng cho người dân.

Người dân ở Hương Phú cho rằng, việc hồ Tả Trạch tích nước có những bất cập, trong đó từ cao trình +45 đến +53 chưa được cắm mốc cảnh báo nên người dân không biết chỗ nào lũ dâng. Quá trình tích nước hồ Tả Trạch vào thời điểm có mưa lũ lớn thường trên mực nước dâng bình thường, trong khi thời điểm đền bù, giải phóng mặt bằng trước đây chỉ ở mức + 45m.

Ông Trần Bảo Thắng, Chủ tịch UBND xã Hương Phú cho biết, dự án triển khai từ lâu và người dân bị ảnh hưởng do tích nước thường xuyên kiến nghị giải quyết nhưng chưa được các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm. Địa phương đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết kiến nghị của người dân.

Sớm giải quyết dứt điểm

Theo báo cáo mới nhất của UBND huyện Nam Đông, diện tích đất của các hộ dân xã Hương Phú bị ảnh hưởng dưới cao trình +45 chưa được bồi thường khoảng 6,2ha (35 thửa) với 18 hộ dân, nay đã được đo đạc, thống kê nhưng chưa kiểm tra được điều kiện đền bù và chồng chéo với diện tích trước đây. Ngoài ra, còn phát sinh thêm khoảng 13,97ha của 47 hộ dân khác chưa được đo vẽ và thống kê cụ thể.

Theo UBND huyện Nam Đông, việc rà soát, kiểm tra, đối chiếu gặp nhiều khó khăn do dự án lòng hồ Tả Trạch được triển khai từ lâu nên một phần hồ sơ bị thất lạc, không có bảng tổng hợp thửa đất, quyết định đền bù của các hộ không ghi rõ số thửa, tờ bản đồ...

Để giải quyết tình trạng này, ngày 17/11, UBND tỉnh đã có thông báo kết luận giao UBND huyện Nam Đông tiến hành rà soát để đề xuất UBND tỉnh phương án giải quyết theo đúng quy định hiện hành. Đối với diện tích đất từ cao trình +45 đến +53, yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Tả Trạch (BQL Thủy lợi 5) nghiên cứu, tiến hành khảo sát, điều tra lập phương án kinh phí đền bù.

BQL Thủy lợi 5 đã rà soát đất, rừng và các vật kiến trúc khác nằm từ cao trình +45 đến cao trình +53 trong phạm vi lòng hồ Tả Trạch với kết quả rà soát như: Hiện nay chỉ có một số hộ dân thuộc các xã Hương Phú, Hương Sơn, Hương Xuân và thị trấn Khe Tre của huyện Nam Đông kê khai phạm vi ảnh hưởng số lượng là 294 hộ với diện tích là 267,54ha.

BQL Thủy lợi 5 đang tiếp tục rà soát diện tích đất lòng hồ nằm trong cao trình này bị ảnh hưởng và tiến hành các thủ tục cần thiết khác để tổng hợp kinh phí đền bù, báo cáo Bộ NN&PTNT (đơn vị chủ quản) cân đối, bố trí nguồn vốn để chi trả.

Đợt này, UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương xác định rõ vị trí khảo sát đo đạc điều chỉnh bổ sung các mốc ranh giới tại thực địa, đường chỉ giới ngập lụt một số điểm trên bản đồ không đúng với hiện trạng trên thực địa, để BQL Thủy lợi 5 và Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh kiểm tra, rà soát có phương án điều chỉnh ở thực địa nhằm đảm bảo quyền lợi của các hộ bị ảnh hưởng trong trường hợp có sai lệch cao trình.

Trước đó, như Báo Thừa Thiên Huế đã thông tin, hàng trăm ha đất trồng rừng, đất sản xuất của người dân ở Nam Đông bị ngập úng, thiệt hại do hồ Tả Trạch nằm ở thượng nguồn sông Hương tích nước trên cao trình mực nước dâng bình thường (+45m).

Sau đó, UBND tỉnh đã đề nghị Công ty TNHH một thành viên Khai thác Thủy lợi Tả Trạch phối hợp chính quyền địa phương tiến hành khảo sát, lập phương án kinh phí đền bù thiệt hại; lập phương án khai thác tổng hợp, sử dụng đất vành đai lòng hồ từ cao trình +45m đến +53m để đảm bảo hoạt động an toàn công trình khi vận hành điều tiết lũ khẩn cấp và hành lang bảo vệ nguồn nước, làm cơ sở điều chỉnh bổ sung quy trình vận hành phù hợp cũng như theo năng lực thiết kế công trình. Ngoài ra, từ nguồn vốn khắc phục lụt bão, các địa phương cũng đã sửa chữa, khắc phục các ngầm tràn hư hỏng do đợt tích nước này gây ra.

Theo đơn vị quản lý, mốc đường viền lòng hồ Tả Trạch cao trình +45 do BQL Thủy lợi 5 thực hiện năm 2017, với số lượng 545 mốc. Mốc đường viền lòng hồ cao trình +53 do Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh thực hiện năm 2017, với số lượng 467 mốc. Chủ đầu tư đã hợp đồng với các đơn vị tư vấn có đầy đủ năng lực pháp lý, chuyên môn, con người và máy móc thiết bị để thực hiện cắm mốc theo đúng từng loại cao trình.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kịp thời ứng cứu người dân trong hoạn nạn

Vừa qua, mưa lớn gây sạt lở, ngập úng tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh khiến không ít trường hợp người dân gặp nạn. Đây cũng là thời điểm lực lượng lượng công an phát huy vai trò xung kích, tiên phong ứng cứu người dân trong lúc nguy nan.

Kịp thời ứng cứu người dân trong hoạn nạn
Sáng kiến hiệu quả giúp người dân tự nguyện giao nộp vũ khí

Với Công trình thanh niên “Tuyên truyền, vận động Nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo”, tuổi trẻ Công an Thừa Thiên Huế đã khơi gợi được sự thấu hiểu, đồng lòng và hưởng ứng của đông đảo người dân.

Sáng kiến hiệu quả giúp người dân tự nguyện giao nộp vũ khí
Giải cứu thành công người dân bị lừa sang Campuchia

Vừa qua, đường dây nóng của Giám đốc Công an tỉnh tiếp nhận đề nghị cầu cứu của gia đình ông T.V.Q và bà L.T.N.C trú tại thôn Mậu Tài, xã Phú Mậu (TP. Huế) về việc con trai là anh T.V.V bị lừa bán sang Campuchia.

Giải cứu thành công người dân bị lừa sang Campuchia
Return to top