ClockThứ Tư, 27/01/2021 16:55

Hoàn thiện diện mạo đô thị vùng cao

TTH - Xây dựng huyện trở thành vùng kinh tế động lực, năng động phía tây của tỉnh, huyện A Lưới đang phát huy nhiều nguồn lực để đầu tư, phát triển đô thị vùng cao với không gian xanh – sạch – sáng.

Vóc dáng khu đô thị mới An Vân Dương

Khu vực trung tâm thị trấn A Lưới

Diện mạo mới

Đứng từ góc cao ở đồi thông A Lưới, phóng tầm mắt về phía thị trấn, cơ sở hạ tầng nơi đây hiện hữu khá khang trang.

Đi dọc các xã A Ngo, Sơn Thuỷ, Hồng Thượng và một phần của xã Phú Vinh, không gian đô thị A Lưới mở rộng từ thị trấn A Lưới đến thị tứ Bốt Đỏ – khu vực được xác định là trung tâm hành chính, kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của huyện trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua từng năm có sự đổi khác.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới tiết lộ, đã có 28 tuyến đường giao thông nội thị thuộc khu vực đô thị A Lưới được mở rộng, nâng cấp. Một số tuyến đường, như: Trường Sơn, Kim Đồng, Konh Khoai, Nguyễn Văn Quảng, Kăn Tréc... được thảm bê tông, nhựa và lát gạch vỉa hè. Có trên 3.500 nhà ở khu vực đô thị đạt chuẩn theo quy định; hình thành các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao trong khu vực đô thị. Thị trấn A Lưới được công nhận là thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. “Điều đáng mừng không kém là 100% hộ dân cư đô thị sử dụng nước sạch; hệ thống thoát nước thải khu vực đô thị A Lưới mở rộng đảm bảo theo yêu cầu. Hệ thống điện sáng đạt trên 90% tuyến đường nội thị”, một lãnh đạo huyện A Lưới thông tin.

Trong hành lang kinh tế Đông – Tây và trục phát triển xanh, sinh thái, du lịch Đông – Tây (phía Đông – hình thành các đô thị ven biển, công viên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và phía Tây gồm hai huyện Nam Đông, A Lưới với không gian xanh, không gian văn hóa đồng bào dân tộc, lịch sử cách mạng) đã được xác định trong quyết định về việc phê duyệt đề án xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030 của UBND tỉnh (Quyết định số 3342/QĐ-UBND ngày 27/12/2019), A Lưới nằm trong mối gắn kết diện mạo đô thị chung của tỉnh.

A Lưới đang dần hoàn thiện diện mạo, bộ mặt cảnh quan khi không chỉ tranh thủ các chương trình 135 cùng những chính sách hỗ trợ mà từ nguồn lực của người dân, đường làng ngõ xóm trên đẹp hơn với nhiều tuyến đường “thay rác bằng hoa” từ phong trào "Ngày Chủ nhật xanh". Dẫn số liệu để minh chứng, anh Trần Toàn, Bí thư Huyện đoàn A Lưới khẳng định: “Sau 1 năm triển khai thực hiện, đã trồng được 5.510 cây xanh các loại; lắp đặt điện chiếu sáng dài 3,85 km; chăm sóc gần 30km và trồng mới hơn 5.2km hàng rào xanh; xây dựng hơn 3.1km đường bê tông nông thôn; trồng mới gần 11.500m2 hoa các loại”.

Đầu tư đồng bộ

Bà Nguyễn Thị Sửu, Bí thư Huyện ủy A Lưới cho biết, xây dựng và phát triển đô thị được Đảng bộ huyện đặt ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể trong cả giai đoạn 2020 – 2025. Trong đó, hướng đến nâng cấp, chỉnh trang đô thị A Lưới mở rộng theo hướng đồng bộ. Chỉnh trang hệ thống giao thông, vỉa hè, điện chiếu sáng, cây xanh gắn với giữ gìn vệ sinh môi trường đô thị. Đầu tư phát triển đô thị theo hướng phát triển bền vững, lâu dài hướng tới đô thị thông minh “sáng, xanh, sạch, đẹp”; đẩy mạnh phát triển các cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, các công trình phúc lợi, an sinh xã hội cho Nhân dân.

Huyện A Lưới sẽ phát triển cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong đô thị A Lưới mở rộng. Xây dựng và thực hiện chương trình chỉnh trang, phát triển hạ tầng đô thị A Lưới mở rộng giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, sẽ kêu gọi đầu tư, xã hội hóa các thiết chế về thể thao khu vực nội thị như xây dựng bể bơi, khu vui chơi trẻ em.

Theo lãnh đạo UBND huyện A Lưới, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại các xã, cũng sẽ chú trọng đầu tư vào các xã vùng sâu, vùng xa, xã đặc biệt khó khăn chưa đạt tiêu chí nông thôn mới về giao thông, hạ tầng thương mại, nhà ở. Huyện A Lưới cũng tiếp tục kiến nghị Trung ương, tỉnh quan tâm đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm về giao thông như mở rộng Quốc lộ 49A, hoàn thành xây dựng đường 74 kết nối với Nam Đông; đường 71 kết nối với Phong Điền; hoàn thành các đường vành đai biên giới; xây dựng đường đến các khu du lịch, cụm công nghiệp, đến vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, khu tái định cư. Bên cạnh đó, sẽ khai thác và phát huy các thành tựu đã đạt được nhằm hướng tới phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng

Ngày 20/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết vừa phối hợp với Công an huyện Nam Đông phá chuyên án liên quan đến hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo, xâm phạm sở hữu công nghiệp các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam.

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả

TIN MỚI

Return to top