ClockChủ Nhật, 25/10/2020 08:29

Kết nối giao thông liên vùng

TTH - Trước nhu cầu phát triển mới, tạo động lực thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Trung và cả nước, Thừa Thiên Huế đang đầu tư kết nối giao thông liên vùng đồng bộ.

Đường lớn đã mở

Đường dẫn phía nam hầm đường bộ Hải Vân 2 đang dần hoàn thiện

Từ sân bay, cảng biển

Đầu năm 2000, sân bay Phú Bài còn là sân bay nhỏ, lạc hậu. Năm 2007, sân bay Phú Bài trở thành cảng hàng không quốc tế (HKQT), đến nay tần suất bay cất/hạ cánh 25-30 chuyến/ngày, với 4-5 nghìn khách. Gần đây từ bến bãi, nhà ga và các dịch vụ tiện ích được nâng cấp..., sân bay Phú Bài đã đảm bảo cho máy bay cỡ lớn cất/hạ cánh 24/24h, kể cả thời tiết xấu.

Để hạ tầng giao thông hàng không xứng tầm, kết nối liên thông trong, ngoài nước, cuối năm 2019, Cảng HKQT Phú Bài khởi công xây dựng Nhà ga hành khách T2 theo quyết định điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không của Chính phủ giai đoạn mới, định hướng đến năm 2030 trở thành cảng hàng không dùng chung giữa dân dụng và quân sự, đạt cấp 4E theo mã chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

Dự án (DA) xây dựng Nhà ga hành khách T2, Cảng HKQT Phú Bài do Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 2.250 tỷ đồng, xây dựng các hạng mục, như nhà ga hành khách, hệ thống đường tầng, đường giao thông, sân đỗ ô tô... có trang thiết bị công nghệ hiện đại. Công trình xây dựng trên diện tích khoảng 10.118m2, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 22.381m2, công suất 5 triệu hành khách/năm (trong đó nội địa 4 triệu hành khách/năm và quốc tế 1 triệu hành khách/năm).

Ông Đỗ Chí Thành, Giám đốc Cảng HKQT Phú Bài, kiêm Giám đốc DA xây dựng Nhà ga T2 thông tin: Hiện nay, công trình được tăng tốc xây dựng và theo kế hoạch sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2021; góp phần giúp Thừa Thiên Huế tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn mới và đạt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.

Cùng với đường hàng không là cảng biển Thuận An, Chân Mây góp phần không nhỏ trong vận chuyển hàng hóa, hành khách bằng đường hàng hải ở địa phương. Trong lợi thế phát triển, thời gian qua, Cảng Chân Mây đã quá tải nên được Chính phủ và bộ ngành Trung ương tạo điều kiện đầu tư mở rộng thêm bến số 2 và số 3.

Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Giám đốc Công ty CP Cảng Chân Mây - chủ đầu tư nâng cấp xây dựng bến số 2, Cảng Chân Mây chia sẻ, công trình có tổng mức đầu tư 849 tỷ đồng, gồm hai giai đoạn. Hiện nay đã hoàn thành giai đoạn 1 với giá trị hơn 385 tỷ đồng, trong đó đã xây 1 bến cảng có chiều dài 280m, khả năng tiếp nhận tàu hàng tải trọng 50 nghìn tấn và nhiều hạng mục, như kè bảo vệ bờ, tôn tạo bãi, đường bãi và các công trình kiến trúc, kỹ thuật khác... với diện tích gần 5ha.

Bến số 3, Cảng Chân Mây với chức năng là cảng tổng hợp, dịch vụ hậu cần được khởi công xây dựng vào tháng 9/2015 với mức đầu tư 846 tỷ đồng do Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế làm chủ đầu tư. Thời điểm này, các hạng mục của DA như cầu cảng, bờ kè và các công trình phụ trợ đã hoàn thiện hơn 95% khối lượng công việc. Hiện nay, Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế gửi công văn đề xuất Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Cục Hàng hải Việt Nam tạo điều kiện cho bến số 3 nâng cấp từ 50 nghìn DWT lên 70 nghìn DWT để đón đầu cơ hội, tiếp nhận hàng hóa đường biển gia tăng trong thời gian đến.

Đến cao tốc, hầm đường bộ

Đáp ứng yêu cầu mới, những con đường lớn ở Thừa Thiên Huế đã, đang triển khai. Cao tốc La Sơn-Túy Loan đã hoàn thiện, tựa như con tàu vượt núi thuộc DA đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng dài 77,6km với tổng mức đầu tư hơn 12 nghìn tỷ đồng; trong đó đoạn qua tỉnh dài hơn 36km có quy mô 4 làn xe.

Cùng với cao tốc La Sơn - Túy Loan, tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc DA xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam qua địa bàn Thừa Thiên Huế đang được triển khai với chiều dài 62,5km (đi qua huyện Phong Điền, Phú Lộc; TX. Hương Trà và Hương Thủy). Mặt cắt ngang tuyến giai đoạn trước mắt đầu tư với quy mô 2 làn xe với chiều rộng nền đường 12m. Giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền 23m. Khi cao tốc Cam Lộ - La Sơn hoàn thành sẽ nối với tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan và hoàn thiện nhánh Đông đường Hồ Chí Minh kết nối với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Từ đây, một cơ hội lớn mở ra không chỉ giảm tải, ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm trên QL1A qua địa bàn mà còn tạo tuyến giao thông liên hoàn giữa các vùng miền của các tỉnh khu vực miền Trung.

Sau gần 5 năm thi công, đến thời điểm này DA hầm đường bộ Hải Vân 2 đã cơ bản hoàn thiện, sẽ giảm áp lực quá tải cho hầm đường bộ Hải Vân 1. DA này do Tập đoàn Đèo Cả đề xuất với Chính phủ và Bộ GTVT phê duyệt thực hiện từ năm 2016 với mức đầu tư hơn 7.296 tỷ đồng. DA có điểm đầu thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và điểm cuối thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng với tổng chiều dài hơn 12,6km. Theo dự kiến của chủ đầu tư, hầm đường bộ Hải Vân 2 sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2020, tạo thêm cơ hội thông thương, rút ngắn khoảng cách, thời gian cho người, phương tiện vận tải qua lại giữa Thừa Thiên Huế với Đà Nẵng và khu vực miền Trung.

Bên cạnh những cao tốc, hầm đường bộ ra đời, nhiều tuyến đường mới, như QL49B nối từ TP. Huế lên phía Tây miền núi A Lưới; La Sơn - Nam Đông cũng như nhiều DA giao thông theo trục ngang, dọc kết nối vùng trung tâm TP. Huế đến TX. Hương Thủy, Hương Trà…

Hiện nay, DA đường ven biển từ điểm đầu của huyện Phong Điền đến Phú Lộc dài 127km đã khởi động, với nguồn vốn đầu tư khoảng 6.480 tỷ đồng. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ nhận định, đây là DA có ý nghĩa đặc biệt kết nối các tỉnh khu vực ven biển miền Trung, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cao điểm đảm bảo an toàn giao thông trước cổng trường

Năm học mới 2024 – 2025 chính thức bắt đầu. Đây là thời điểm mà lực lượng nghiệp vụ công an từ tỉnh đến cơ sở tăng cường phối hợp với ban giám hiệu các trường học, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở các em học sinh nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ (GTĐB); bảo đảm an toàn giao thông.

Cao điểm đảm bảo an toàn giao thông trước cổng trường
Những “bệ phóng” liên vùng đã mở

Chưa bao giờ người dân Cố đô Huế lại nhắc đến nhiều công trình, dự án xây dựng giao thông như hiện nay. Không chỉ đường nhỏ mà nhiều đường lớn đã, đang mở ra với mục tiêu “đại lộ sinh đại phú”, góp phần đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Những “bệ phóng” liên vùng đã mở
Để dịp lễ Quốc khánh vui tươi, an toàn

Đó là phương châm của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh đề ra trong dịp lễ 2/9 và tháng đầu năm học mới, với mong muốn các ban, ngành, đơn vị chức năng địa phương chung tay hành động.

Để dịp lễ Quốc khánh vui tươi, an toàn
Công bố đường dây nóng phản ánh an toàn giao thông dịp nghỉ lễ 2.9 và dịp năm học mới

Ngày 28/8, ông Hoàng Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông tỉnh cho biết, UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị 15/CT-UBND về việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) dịp Lễ Quốc khánh 2/9, tháng cao điểm học sinh đến trường và thời gian còn lại năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời giao trách nhiệm cho Ban ATGT tỉnh, công bố số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận những phản ánh của người dân về hoạt động vận tải và bảo đảm TTATGT trong thời gian trên.

Công bố đường dây nóng phản ánh an toàn giao thông dịp nghỉ lễ 2 9 và dịp năm học mới

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top