ClockThứ Năm, 18/01/2018 14:41

Khắc phục đường phía tây TP. Huế xuống cấp

TTH - Nhằm đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trong dịp tết cổ truyền, Chi cục Quản lý đường bộ 2.6 (Cục Đường bộ 2, Bộ GTVT) cùng đơn vị bảo trì đang tiến hành sửa chữa nhiều điểm hư hỏng trên mặt đường, cầu, tuyến Quốc lộ 1A qua đường phía tây TP. Huế (đường tránh Huế).

TP. Huế: Nhiều tuyến đường xuống cấp trầm trọngKhắc phục các tuyến đường sạt lở: Cơ bản xong trước 25/12Những "cạm bẫy" trên đường sau mưa lũ

Sửa chữa cầu Tu Ca trên tuyến đường tránh Huế

Xuống cấp nhiều điểm

Tuyến đường phía tây TP. Huế được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, với chiều rộng nền đường 12m, mặt đường 11m. Sau khi hết thời gian bảo hành (năm 2016), qua các đợt mưa bão, tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua đường phía tây TP. Huế xuất hiện nhiều điểm hư hỏng với các vết hằn lún bánh xe, bong tróc, tạo những ổ gà, điểm mấp mô trên mặt đường; các khe co giãn của các cầu trên tuyến xuất hiện nhiều điểm bong vỡ, lòi thanh sắt, gây nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông.

Ông Vi Văn Quang, một tài xế xe đường dài cho biết: “Sau khi tiến hành sửa chữa nhiều lần, tuyến đường này không còn xuống cấp như trước. Tuy nhiên, từ sau các đợt mưa lớn kéo dài đến nay, nhiều điểm trên mặt đường bị hằn lún vết bánh xe nham nhở, kéo dài; một số điểm bị tróc vỡ tạo ổ gà đọng nước. Khe co giãn các cầu khi qua không còn êm thuận”.

Một điểm xuống cấp trên tuyến đường tránh Huế

Đoạn cầu Vượt tại Km1+168 qua phường Tứ Hạ và cầu Tu Ca Km9+389 qua phường Hương Văn (TX. Hương Trà) một số khe co giãn trên cầu bị bong tróc, hư hỏng với mặt bê tông nhựa hai bên bị vỡ. Hàng chục điểm trên mặt đường từ phường Hương Văn đến xã Hương Thọ xuất hiện các điểm hằn lún vết bánh xe kéo dài cả trăm mét, tập trung ở giữa và hai bên mép, tạo nên những điểm mấp mô, nham nhở trên mặt đường. Một số điểm xuất hiện ổ gà đang được đơn vị thi công bóc cắt, “vá” lại tạm thời bằng bê tông nhựa.

Hoàn thành trước 31/1

Tuyến đường phía tây TP. Huế khởi công năm 2001 với tổng vốn đầu tư hơn 385 tỷ đồng, dài hơn 35km, điểm đầu ở Tứ Hạ (Hương Trà) và kết thúc tại Phú Bài (Hương Thủy). Năm 2003, tuyến đường hoàn thành đưa vào sử dụng. Sau đó, đường này nhanh chóng xuống cấp. Tháng 7/2012, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, BQLDA 6 của Bộ GTVT và các nhà thầu đã tổ chức khởi công gói thầu đầu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp đường phía tây TP. Huế với tổng mức đầu tư 482 tỷ đồng. Tháng 9/2013, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng.

Đơn vị bảo trì là Công ty CP Quản lý và Xây dựng Đường bộ Thừa ThiênHuế (Công ty CP QL&XDĐB Thừa Thiên Huế) đang bố trí lực lượng thi công sửa chữa các khe co giãn trên cầu Tu Ca, Khải Định. Tại đây, các công nhân được bố trí hai đầu cầu nhằm đảm bảo điều tiết giao thông; khoảng ½ mặt cầu được rào chắn để công nhân tiến hành dùng máy bắn bê tông sửa chữa khe co giãn. Một số đoạn mặt đường bị hỏng, xuống cấp do hằn lún đang được đơn vị bảo trì cào bóc lớp nhựa để thảm lại.

Theo ông Lê Quốc Phòng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ 2.6, nhằm đảm bảo ATGT, ngoài các biển báo, người điều phối giao thông tại công trình thi công, chi cục tiến hành cắm các biển báo giảm tốc, địa hình mấp mô ở hai đầu các tuyến sửa chữa.

“Trong 1 tháng qua, thời tiết chỉ nắng được vài ngày nên việc cào bóc, thảm lại nhựa rất khó khăn, phải chờ thời tiết thuận lợi. Tuy nhiên, đơn vị đã huy động lực lượng nhân công và vật tư đầy đủ, sẽ tận dụng điều kiện nắng ráo cuối năm để hoàn thành việc sửa chữa sớm nhất”, ông Phòng khẳng định.

Ông Dương Quang Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty CPQL&XDĐB Thừa Thiên Huế thông tin, do hiện tại thời tiết mưa kéo dài nên trước mắt, đơn vị sẽ tập trung xử lý các điểm hư hỏng trên khe co giãn của 8 cầu trên toàn tuyến đường phía tây TP. Huế, nhằm đảm bảo ATGT trong dịp trước trong và sau Tết Nguyên đán và thảm nhựa ở những điểm mặt đường hư hỏng. Tuyến đường phía tây TP. Huế được sửa chữa trong dịp này với kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng từ nguồn vốn bảo dưỡng thường xuyên của công trình.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ

Chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Yêu cầu trên được Thủ tướng Chính phủ đặt ra với Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tại Công điện số 120/CĐ-TTg, ngày 25/11.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ
Đua với sóng dữ

Dẫu biết đó là cuộc đua không dễ để cân sức, nhưng các lực lượng ứng phó với tình huống khẩn cấp chống sạt lở bờ biển do ảnh hưởng của cơn bão số 6 (TRAMI) vừa qua đã đua với thời gian, với những con sóng dữ bằng quyết tâm cao nhất giữ cho được bờ biển.

Đua với sóng dữ
Return to top