ClockThứ Sáu, 10/11/2017 18:54

Khắc phục mặt đường công trình Đập Đá

TTH.VN - Báo cáo của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh (chủ đầu tư) khẳng định kết cấu chính của công trình Đập Đá (TP Huế) vẫn an toàn, riêng phần mặt đường bê tông nhựa xảy ra hiện tượng bị bong tróc tại một số điểm cục bộ, nhưng không ảnh hưởng đến tính ổn định, kết cấu chịu lực chính của đập.

Đập Đá xuống cấp sau mưa lũ

Đập đá xuống cấp sau mưa lũ. Ảnh: Hà Nguyên

Ngày 10/11, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh đã có báo cáo giải trình gửi UBND tỉnh về hiện trạng hư hỏng mặt đường công trình Đập Đá do lũ lụt gây ra. Theo chủ đầu tư, từ ngày 3 - 8/11 trên địa bàn tỉnh đã có mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 400-1100mm.

Trận lũ diễn ra từ ngày 5 - 8/11 vừa qua là trận lũ lớn và diễn biến phức tạp (xấp xỉ lũ lịch sử năm 1999). Mực nước cao nhất trên sông Hương tại trạm Kim Long đạt đỉnh +4,03m, trên báo động III là 0,53m (lúc này mực nước tại Đập Đá khoảng +3,8m tương ứng cột nước tràn qua đập là 2,1m). Nước tràn qua đập liên tục trong trong thời gian hơn 3 ngày với lưu tốc qua đập lớn khoảng 8m3/s và độ chênh mực nước giữa thượng và hạ lưu đập cao; kết hợp lực xô ngang của dòng chảy lớn đã ảnh hưởng đến phần bê tông nhựa mặt đường, làm giảm sự kết dính giữa các lớp bê tông nhựa mặt đường cũ và mới, đồng thời khả năng chống chịu trong môi trường nước của bê tông nhựa là hạn chế nên xảy ra hiện tượng bong tróc một số vị trí.

Người dân cũng phản ánh phần kè bê tông ở lề đường bị nứt nhiều điểm. Ảnh: CTV

Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh thông tin, sau đợt lũ vừa qua, các kết cấu chính của công trình vẫn làm việc an toàn, riêng phần mặt đường bê tông nhựa xảy ra hiện tượng bị bong tróc tại một số điểm cục bộ (với tổng diện tích khoảng 150m², ước tính thiệt hại khoảng 90 triệu đồng), nhưng không ảnh hưởng đến tính ổn định, kết cấu chịu lực chính của đập. Sau khi nước rút, chủ đầu tư đã cùng tư vấn thiết kế, các cơ quan chuyên môn và các chuyên gia tiến hành kiểm tra, đánh giá bước đầu nhằm có phương án khắc phục những điểm bong tróc trên mặt đường, đảm bảo an toàn giao thông.

Người dân cũng phản ánh phần kè bê tông ở lề đường bị nứt nhiều điểm. Ảnh: CTV

Cũng theo chủ đầu tư, giai đoạn nghiên cứu dự án và thiết kế, các đơn vị liên quan đã đưa ra 2 phương án là giải pháp kết cấu mặt đường bằng bê tông xi măng hoặc bê tông nhựa. Sau khi so sánh các ưu, nhược điểm chủ đâu từ đã chọn phương án thảm mặt đường bằng bê tông nhựa. Lý do được đưa ra là tạo sự êm thuận trong quá trình giao thông, đảm bảo tính thẩm mỹ, cảnh quan khu vực, nhất là kết nối cùng loại mặt đường nhựa phía hai đầu đập với đường Lê Lợi và đường Nguyễn Sinh Cung, biện pháp thi công đơn giản, thời gian thi công nhanh, sau khi thi công các phương tiện có thể lưu thông được ngay và tận dụng được mặt đường cũ, phù hợp với cao trình mặt đập. Trong khi đó, phương án thảm nhựa này khả năng chống chịu trong môi trường nước hạn chế so với bê tông xi măng, đặc biệt khi ngập nước dài ngày.

Tuy nhiên, dư luận vẫn nghi ngờ về chất lượng mặt bê tông nhựa bị hư hỏng là nguyên nhân dẫn đến công trình hư hỏng bởi lũ chỉ “xé” theo từng ô trên mặt đường, cho thấy sự kết dính toàn mảng mặt đường có vấn đề; công trình này vừa có nhiệm vụ giao thông lại là đập tràn cho nước dâng khi sông Hương vượt báo động 2 nhưng chủ đầu tư lại chọn phương án thảm bằng bê tông nhựa, ảnh hưởng đến khả năng chịu lực; người dân cũng phản ánh phần kè bê tông ở lề đường- phần kết cấu chính bảo vệ công trình đã xuất hiện nứt rạn sau lũ….

Cũng theo chủ đầu tư, công trình Đập Đá là công trình thủy lợi kết hợp giao thông. Đây là công trình nâng cấp sửa chữa, vì vậy giải pháp công trình cần phải hài hòa, phù hợp giữa kết cấu công trình cũ và phần xây dựng mở rộng mới, đảm bảo ổn định và tiết kiệm, phù hợp với cảnh quan khu vực. Mặc dù thời hạn bảo hành công trình đã hết, tuy nhiên đây là công trình trọng điểm của thành phố và tỉnh, chủ đầu tư sẽ khẩn trương cùng đơn vị quản lý, đơn vị thi công tổ chức khắc phục, sửa chữa kịp thời để đảm bảo an toàn giao thông đi lại theo quy định. Về giải pháp lâu dài đơn vị này sẽ cùng với các cơ quan chuyên môn, các đơn vị tư vấn, chuyên gia nghiên cứu giải pháp mặt đường phù hợp và đảm bảo trong trường hợp mưa lũ lớn dài ngày.

Trong sáng 10/11, báo cáo với Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu về công trình Đập Đá xuống cấp mặt đường do mưa lũ, ông Lê Công Diễn, Phó Giám đốc Sở GTVT- đơn vị được giao tiếp nhận quản lý công trình khẳng định, kết cấu chính của công trình này vẫn an toàn và hiện tại công tác sửa chữa mặt đường đang được gấp rút triển khai. “Tuy nhiên, sau sửa chữa nếu tiếp tục gặp trận lũ lớn với lưu lượng nước như vừa qua thì phần mặt đường bê tông công trình sẽ hư hỏng lại do đây mới chỉ là khắc phục tạm thời”, ông Diễn nói.

Trước đó, Báo Thừa Thiên Huế đã có bài phản ánh về tình trạng xuống cấp mặt đường công trình Đập Đá sau mưa lũ. 

Dự án cải tạo Đập Đá đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2014 với tổng mức đầu tư gần 22 tỷ đồng thời gian thi công từ tháng 6 đến tháng 12/2015. Công trình được quyết toán và bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 6/2016, ddeesn tháng 6/2017 kết thức thời hạn bảo hành.  

       Tin, ảnh: Hà Nguyên - CTV

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dự án Khu nhà ở Tam Thai: Rà soát, tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý

Trong 5 kiến nghị mà kết luận Thanh tra tỉnh chỉ ra và yêu cầu Công ty CP Xây lắp Thừa Thiên Huế - chủ đầu tư Dự án (DA) Khu nhà ở Tam Thai và các đơn vị liên quan tiến hành khắc phục, đến nay mới chỉ thực hiện xong 1 kiến nghị. Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Xây dựng rà soát DA, tham mưu xử lý theo quy định của pháp luật.

Dự án Khu nhà ở Tam Thai Rà soát, tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý
Hồ Tả Trạch tăng lưu lượng điều tiết nước

Ngày 16/12, Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 5 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có thông báo gửi các sở, ngành, địa phương về việc điều tiết nước hồ Tả Trạch về hạ du sông Hương.

Hồ Tả Trạch tăng lưu lượng điều tiết nước
Tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Hội nghị được truyền trực tuyến tới 27 tỉnh, thành phố có các dự án điện năng lượng tái tạo.

Tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp nhóm lớn nhất toàn cầu nghiên cứu tham gia các dự án hạ tầng tại Việt Nam

Chiều tối 9/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với Đoàn lãnh đạo 18 doanh nghiệp dòng họ Trang, dòng họ Nghiêm đến từ 11 tỉnh, thành phố của Trung Quốc do ông Nghiêm Giới Hòa, người sáng lập Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương và Tập đoàn xây dựng Tô Thương – những doanh nghiệp thuộc 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu, dẫn đầu đang thăm, tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư tại Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp nhóm lớn nhất toàn cầu nghiên cứu tham gia các dự án hạ tầng tại Việt Nam

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top