ClockThứ Sáu, 09/09/2016 13:55

Khai thác cát sỏi lòng sông Bồ: Cộng đồng cùng quản

TTH - Từ khi HTX Sản xuất, thương mại và Dịch vụ sông Bồ được giao quản lý khai thác cát, sỏi trên sông Bồ đoạn qua 2 thôn Hiền Sỹ và Cổ Bi I, xã Phong Sơn (Phong Điền), vấn nạn khai thác trái phép đã được hạn chế, Nhà nước có thêm nguồn thu; môi trường và cuộc sống của người dân được ổn định.

“Vừa làm vừa giữ”

Bác Trần Toàn và nhiều người dân ở thôn Cổ Bi, Hiền Sỹ sống dọc sông Bồ giờ đã yên tâm vì không còn cảnh hằng đêm phải nghe tiếng máy nổ, máy sục của những chiếc đò hút cát. Trước đây, nhiều phương tiện thường xuyên lén lút khai thác, nhất là vào đêm khuya gây bất ổn an ninh trật tự do tranh giành điểm mỏ giữa các chủ đò và mâu thuẫn giữa người dân với các chủ đò khai thác trái phép. Do khai thác bừa bãi, ồ ạt, nên nhiều đoạn bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng. Đề phòng nguy cơ tuyến Tỉnh lộ 11B và nhiều nhà dân bị “nuốt chửng”. Nhà nước phải chi số tiền lớn để xây kè gia cố.

Giữa năm 2015, khi có chủ trương của UBND tỉnh cho thí điểm cấp quyền khai thác cát sỏi theo mô hình cộng đồng, UBND huyện Phong Điền tiến hành cấp phép cho HTX điểm mỏ khai thác ở khu vực lòng sông Bồ, cách cầu Hiền Sỹ 150m lên phía thượng nguồn, với diện tích khai thác từng lần từ 2,4ha đến 3,3ha. Từ khi có Ban quản lý HTX cùng xã viên đứng ra quản lý hoạt động khai thác cát sỏi trên sông Bồ, bà con vừa bớt lo và còn được hưởng lợi. Người dân 2 thôn Hiền Sỹ, Cổ Bi hễ cần mua cát sạn xây nhà, sửa chữa là được HTX hỗ trợ giá ưu đãi. Thôn xóm nào làm đường, xây cổng làng hay công trình công cộng đều được HTX đóng góp một phần cát sạn.

Nhờ khai thác đúng quy trình, có trật tự, nên chính quyền địa phương và người dân rất đồng tình vì đã hạn chế tình trạng khai thác cát sỏi trái phép, hạn chế hiện tượng sạt lở bờ sông, giúp khơi thông dòng chảy kết hợp tận thu cát sỏi trên sông, tránh “thất thoát” nguồn thu ngân sách Nhà nước, tạo công ăn, việc làm cho người dân địa phương.

Ông Phan Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX cho biết, trước khi đi vào hoạt động khai thác, HTX đưa ra chủ trương vừa làm vừa bảo vệ dòng sông theo mô hình tổ tự quản. Các chủ phương tiện khai thác, lao động trên thuyền, các xã viên và bà con cùng tham gia giám sát, cùng có trách nhiệm. Với cách quản lý này, khi có phương tiện “lạ”, người dân cũng như các xã viên kịp thời báo cho HTX để có biện pháp  ngăn chặn. Các chủ thuyền cũng tuân thủ khai thác cách bờ từ 60-70m. Đến nay, HTX có khoảng từ 30-32 hộ tham gia, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 90 nhân công/ngày, mức thu nhập bình quân mỗi lao động gần 5 triệu đồng/tháng.

Nhiều chủ thuyền đang khai thác cát cho hay, từ khi đăng ký với HTX để khai thác tại lòng sông Bồ được cấp phép, họ được tự do hành nghề đúng nơi quy định, không còn cảnh đêm hôm lén lút trộm hút. Để tránh ảnh hưởng đến đời sống của bà con, thời gian khai thác của các thuyền thường bắt đầu từ hơn 5 giờ sáng đến 3 giờ chiều.

Tuân thủ phương án cam kết

Trước khi triển khai mô hình này, lãnh đạo tỉnh đắn đo, cân nhắc về phương thức cũng như hiệu quả hoạt động. Do đó, thời hạn cấp giấy phép khai thác cát sỏi cho cộng đồng được khống chế trong vòng 6 tháng. Nếu hoạt động tốt, cơ quan cấp phép mới gia hạn. Đối với HTX Sản xuất, thương mại và Dịch vụ sông Bồ, chính nhờ thực hiện tương đối tốt các quy định về thời gian, lộ giới khai thác, khối lượng, địa điểm tập kết…theo đúng phương án khai thác đã được phê duyệt, nên đến nay, đơn vị được gia hạn cấp phép khai thác lần thứ 3. Qua gần một năm rưỡi kể từ khi triển khai mô hình khai thác này, HTX đã nộp ngân sách Nhà nước hơn 1,5 tỷ đồng.

Theo ông Phan Ngọc Tuấn, mô hình này đã giúp nhiều người dân mưu sinh mang lại nguồn thu nhập ổn định, đáp ứng nguyện vọng của người dân địa phương khi hoạt động khai thác tuân thủ đúng quy trình, hạn chế sạt lở bờ sông.

Hoài Thương

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1: Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”

Huế được mệnh danh là “Thành phố vườn” với gần 100 nhà vườn, nhà rường cổ (gọi chung là nhà vườn Huế). Mỗi ngôi nhà vườn như một “Bảo tàng sống” chứa đựng những giá trị về văn hóa và đời sống lễ nghi, hương vị ẩm thực và phong cách ứng xử của người dân. Phát triển du lịch gắn với trùng tu và chống xuống cấp là giải pháp tối ưu nhằm giữ lại nhà vườn, giữ gìn bản sắc văn hóa và phát huy giá trị di sản Cố đô theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1 Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”
Kiểm soát chặt sản lượng khai thác khoáng sản

Hiện trên địa bàn tỉnh còn có 53 mỏ khai thác khoáng sản đang hoạt động, nhưng có 2 mỏ chưa lắp đặt trạm cân và camera tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực. Vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã yêu cầu 2 chủ mỏ này tạm dừng hoạt động khai thác.

Kiểm soát chặt sản lượng khai thác khoáng sản
Di dời lồng cá trên sông Bồ

121 lồng cá trắm cỏ của 38 hộ dân thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú (Quảng Điền) đang nuôi trên sông Bồ buộc phải di dời đến nơi khác và giảm lồng nuôi để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt. Đây là quyết định của UBND huyện Quảng Điền cũng như theo phân tích của các sở, ngành liên quan, nhằm bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho người dân vùng phụ cận.

Di dời lồng cá trên sông Bồ
Return to top