Tàu du lịch cập cảng Chân Mây ngày càng nhiều. Ảnh: ĐỨC QUANG
Xử lý dự án treo
Năm 2017, cùng với xúc tiến kêu gọi đầu tư, BQL tiếp tục rà soát các DA chậm tiến độ để có giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ; đồng thời kiên quyết xử lý đối với các trường hợp không đủ năng lực triển khai DA bằng cách thu hồi giấy phép đầu tư để giao cho các nhà đầu tư đủ tiềm lực. Theo đó, nhiều DA được đẩy nhanh tiến độ và đưa vào hoạt động.
Sau thời gian dài “án binh bất động”, đầu năm 2017, DA Khu nghỉ dưỡng huyền thoại Địa Trung Hải của Công ty CP Tập đoàn xây dựng và phát triển nhà Vicoland đã khởi động và đẩy mạnh việc thi công. Đến nay, DA đã hoàn thiện 40 biệt thự, phần thô 2 khối khách sạn và các khu bổ trợ với tổng vốn thực hiện trên 300 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động từ đầu năm 2018.
Phó Tổng Giám đốc công ty, ông Hồ Văn Thu nhấn mạnh, sở dĩ chúng tôi chọn địa điểm này để triển khai DA quy mô lớn vì đây là KKT năng động, nằm giữa 2 thành phố du lịch là Huế và Đà Nẵng, đón đầu lượng khách quốc tế qua đường biển. Sau khi đưa vào hoạt động giai đoạn 1, công ty tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 với tổng vốn trên 400 tỷ đồng nhằm đưa khu du lịch trở thành điểm đến ấn tượng của KKT CM-LC.
DA hạ tầng khu công nghiệp và khu phi thuế quan của Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Huế đã hoàn thành công tác đền bù với 74ha, xây dựng 3 nhà xưởng và đang triển khai thi công tuyến đường D7, dự kiến giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trong năm 2019.
Hiện, có khá nhiều DA quy mô lớn đã và đang triển khai xây dựng tại KKT CM-LC, như DA khu du lịch Suối Voi của Công ty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ Hoa Lư - Huế với vốn đăng ký 218 tỷ đồng, DA sản xuất lò bể frit công suất 65.000 tấn/năm của Công ty CP Frit Huế với vốn 175 tỷ đồng, nhà máy sản xuất gạch ốp lát granit công suất 7,2 triệu m2/năm của Công ty Vitto Phú Lộc có vốn đầu tư 610 tỷ đồng.
Dự án bến số 3, Cảng Chân Mây đang được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành năm 2019
Xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm
Phó Trưởng BQL KKT, công nghiệp tỉnh, ông Lê Văn Tuệ cho rằng, nhằm tạo môi trường đầu tư lành mạnh, tiếp tục thu hút các nhà đầu tư lớn đến với KKT CM-LC, sẽ tiếp tục rà soát các DA chậm tiến độ để có giải pháp; đồng thời kiên quyết xử lý đối với các trường hợp không đủ năng lực triển khai DA để bàn giao cho các nhà đầu tư có tiềm lực. Dự kiến trong quý III/2017, Ban sẽ tiến hành thu hồi DA Khu nghỉ dưỡng Pegasus Lăng Cô và Khu du lịch quốc tế Thuận Phong; đồng thời sẽ tiến hành thu hồi các DA còn lại theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Tính đến tháng 10/2017, có gần 10 nhà đầu tư lớn đến nghiên cứu và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại KKT CM-LC, như Công ty J.W (Hàn Quốc) nghiên cứu DA đầu tư hạ tầng và nhà máy sản xuất phụ kiện ô tô; Tập đoàn Sunjin (Hàn Quốc) phối hợp với Tập đoàn Phương Trang đầu tư 3 DA lớn với tổng mức đầu tư trên 10 ngàn tỷ đồng, đó là kho vận phân phối và kinh doanh xăng dầu tại khu cảng Chân Mây, sản xuất xe buýt tại khu Phi thuế quan và khu vui chơi giải trí trên đầm Lập An.
DA xây dựng bến cảng số 2, Cảng Chân Mây vừa được cấp phép cho chủ đầu tư- Công ty CP Cảng Chân Mây với tổng vốn 849 tỷ đồng, sẽ triển khai xây dựng trong tháng 2/2018. Cùng với bến cảng số 1 đang hoạt động, tháng 9/2018 bến số 3 do Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế làm chủ đầu tư sẽ hoàn thành và đầu năm 2020 tiếp tục đón cầu cảng số 2. Đến năm 2020, Cảng Chân Mây sẽ có 3 cầu cảng, đáp ứng khoảng 6 triệu tấn hàng hóa qua cảng mỗi năm.
Năm 2018, DA đầu tư xây dựng đê chắn sóng cảng Chân Mây từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 sẽ khởi công. Hiện, DA đã được phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 850 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2017-2020. Trong đó, nhu cầu vốn bố trí từ nguồn trái phiếu Chính phủ năm 2018 là 200 tỷ đồng để thực hiện các công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
BQL tiếp tục thực hiện kế hoạch xúc tiến đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm; chú trọng xúc tiến với các tập đoàn lớn, có tính lan tỏa trong khu vực, nhà đầu tư hạ tầng, nhà đầu tư thứ cấp có uy tín, năng lực. Chú trọng việc giải ngân vốn đầu tư của các DA có quy mô lớn như Laguna Lăng Cô giai đoạn 2, DA Bến số 2 và 3 - Cảng Chân Mây, Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô, Khu nghỉ dưỡng sân Golf Phong Phú Lăng Cô, DA đầu tư hạ tầng khu công nghiệp- khu phi thuế quan Sài Gòn- Chân Mây.
Năm 2018, BQL phấn đấu cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho khoảng 18 DA thuộc lĩnh vực công nghiệp, du lịch, hạ tầng khu công nghiệp, khu phi thuế quan và khu đô thị với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 5 ngàn tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện đạt 4.500 tỷ đồng. Trong đó, phấn đấu nâng tỷ lệ lấp đầy KKT CM-LC lên 32%. |
Bài, ảnh: Thanh Hương