ClockThứ Sáu, 12/02/2016 06:07

Kiến trúc Pháp ở Huế

TTH - “Núi sông trời đất cỏ cây / Bên kia lối mới, bên này kiểu xưa”

Câu thơ đã để lại dấu ấn khá đậm nét kiến trúc Pháp ở Huế. Tòa nhà đầu tiên được xây dựng ở phía nam Sông Hương là Tòa sứ (L’hôtel de la Lesgation) khánh thành vào tháng 7/1878, về sau người Huế thường gọi là Tòa Khâm sứ (La Residence Supérieure); tiếp đến là Bệnh viện bản xứ (Hôpital Indigene) xây dựng năm 1894 trên nền cũ của trại Thủy sư, công trình có khoảng 21 tòa nhà xây theo kiểu Pháp, Trường Quốc Học (1896), Grand hotel de Hue (1901) (nay là khách sạn Sài Gòn Morin), Ga Huế (1906), Dinh Công sứ, Viện Dân biểu Trung kỳ (nay là cơ quan Đại học Huế, Ngân hàng Đông Dương (nay là Trung tâm học liệu), Tòa công chính còn gọi là Sở Lục lộ (nay là Bảo tàng Văn hóa Huế)… Nhìn tổng thể, người Pháp quy hoạch khu phố Tây này rất cụ thể, rất chi tiết nhưng rất thông thoáng và có phân khu chức năng rõ ràng. Cụ thể cửa hàng Chaffanjon, Sở Bưu điện, Ngân hàng Đông Dương, Sở Lục lộ, phần lớn tọa lạc trên các trục đường rộng lớn, chiều cao của công trình tỷ lệ thuận với chiều rộng của đường phố. Điểm kết ở một số ngã ba, ngã tư, ngã năm, ngã sáu là những tiểu viên mà ngày nay những vườn hoa này vẫn còn.

Dấu ấn kiến trúc Pháp

Bảo tàng Văn hóa Huế, số 25 Lê Lợi, TP Huế được xây dựng trên khu đất có diện tích 5.942m2, theo kiến trúc Pháp cổ gồm có hai khối nhà; nhà làm việc 2 tầng có tổng diện tích 798m2. Riêng nhà làm việc 3 tầng có tổng diện tích 1.422m2, diện tích sàn mỗi tầng là 473m2, hành lang rộng 2,2m. Cầu thang lên xuống chung, kết cấu toàn bộ ngôi nhà kiểu tường gạch với sắt chữ I chịu lực phổ biến hồi đầu thế kỷ XX. Đặc biệt bên ngoài tường móng của tòa nhà có gắn một tấm sắt nhỏ khắc chữ nổi bằng chữ Pháp “Nivellement” (Đo thăng bằng – cao trình nền móng của tòa nhà so với mặt nước biển). Mặc dù trải qua thời gian dài nhưng đứng quan sát ở góc độ nào, công trình kiến trúc này vẫn là một tổng thể hoàn chỉnh có liên hệ mật thiết giữa kiến trúc và cảnh quan.

Riêng L’Accueil (Nhà đón khách) xây dựng năm 1939 (nay là Trung tâm Văn hóa thanh niên TP Huế), trên trán nhà có dòng chữ Pháp đắp nổi tên công trình kiến trúc khá lớn. Ở đây tòa nhà cũng là một ví dụ sinh động cho lối kiến trúc biết khai thác và ứng dụng tích cực những yếu tố thời tiết, khí hậu, văn hóa của bản địa. Còn rạp Cinema của Henri Richard, 81 Phan Đăng Lưu hiện còn hai chữ HR tồn tại đến ngày nay. Một số kiến trúc Pháp ở Huế đã trở thành “thương hiệu văn hóa” làm phim trường cho những hãng phim trong nước và quốc tế đến chọn cảnh quay. Phim “Sud Lointain” (Miền Nam xa xưa) do Pháp thực hiện đã ghi hình 17 cảnh ở Huế trong đó có nhà “Kế toán học hiệu” của ông Trần Xuân Đàn, 29 Đào Duy Anh, TP Huế.

Chúng tôi khảo sát một số nhà ở kiểu Pháp. Nhà số 66 Bạch Đằng – nguyên trước đây là trường sơ học có tên Saint Piere, xây dựng năm 1924; sau đó được chuyển đổi thành nhà ở. Mặt tiền ngôi nhà có bề ngang 4m, bề dài hơn 24m, diện tích gần 100m2. Nhà gồm có 1 tầng trệt và 1 tầng lầu, tường xây gạch dày 0,40m, mái lợp ngói liệt, phía trước có lan can được cấu tạo bằng thép uốn mềm mại với họa tiết trang trí phù hợp, vừa bảo đảm an toàn và độ bền vững của công trình. Ngôi nhà này về mùa hè nóng bức, ở đây vẫn mát, còn về mùa đông thì ấm. Toàn bộ ngôi nhà có 28 bộ cửa, trong đó có hai cửa chính, tường sơn màu vàng, hệ thống cửa sơn màu xám tro. Tiếp đến, nhà số 49 Nguyễn Chí Thanh do ông bà ngoại chị Colette Bernay xây dựng cách đây hơn 90 năm mang phong cách vùng Bắc nước Pháp, ngôi nhà có cảm giác cao, bề thế, thanh thoát, độ dốc mái giảm ở mức trung bình. Phần ra xa của mái có con sơn gỗ đầu tường, phía trước tầng một có ban công, vừa mang ý nghĩa sử dụng, vừa làm phong phú cho mặt đứng ngôi nhà. Khuôn viên được tô điểm và tôn vẻ đẹp bởi cây vườn cảnh quan. Trụ sở Tạp chí Sông Hương, 9 Phạm Hồng Thái, trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, 26 Lê Lợi, Nhà số 4 Hoàng Hoa Thám, khi xây dựng họ làm các ngôi nhà ở này mang phong cách địa phương nơi họ sinh trưởng. Nội thất được thiết kế chiều cao tương xứng của phòng khách, phòng ngủ… hợp với khí hậu, thổ địa. Ba ngôi biệt thự này đều có lò sưởi, ống khói đưa lên tận mái, hệ thống thông hơi giải quyết thông gió một cách tinh tế. Nét đặc trưng của kiến trúc Pháp là biết tận dụng không gian thiên nhiên bằng cách làm nhà có nhiều cửa hai lớp; cửa trong (cửa lá sách) có chức năng để điều tiết ánh sáng.

Bảo tồn di sản kiến trúc

Năm 1919, hai tác giả người Pháp là ông Edmond Gras và ông C.Auclair tranh luận “nảy lửa” chỉ vì cái mái nhà theo kiểu kiến trúc Pháp ở Huế. Bài viết của hai tác giả này đã công bố trên Bulletin des Amis du Vieux Hue, năm 1919 (Những người bạn Cố đô Huế, bản dịch Hà Xuân Liêm - Phan Xuân Sanh, NXB Thuận Hóa, Huế, 1998). Ông E.Gras viết: “Vấn đề làm cho thành phố chúng ta (TP Huế) ở đây xinh đẹp rất đơn giản. Chúng tôi có thể nói mà không sợ vấp ngụy luận rằng, tất cả nền kiến trúc của bản xứ, nằm ở cái mái nhà hình chóp nón. Còn ông C.Auclair tranh luận lại: “Gỗ là nguồn kinh phí và bảo quản tốn kém rất lớn, tôi đã tìm cách bớt đi và thay thế bê tông cốt sắt. Cái mái loại Annam (tôi không nói hình dáng Annam), mặc dầu ông Gras có nói gì đi nữa, tôi đã thay bằng các mái bằng mà ông Gras không thừa nhận vẻ đẹp”. Phải đợi đến năm 1920, ở Việt Nam mới thấy những lý thuyết vững chắc về vấn đề này. Nổi bật trong lĩnh vực này là kiến trúc sư Ernet Hébrard, Giám đốc Sở Kiến trúc và Đô thị Đông Dương E.Hébrard đã đúc kết những kinh nghiệm và đưa vào các công trình của mình những quan sát chính xác về kiến trúc truyền thống. E.Hébrard lại nghĩ ra các mái nhà lớn tràn ra để che nắng và đã so sánh như cái nón của người nông dân Việt Nam, vừa là nón che nắng vừa là dù che mưa. Qua lập luận của KTS E.Hébrard thì cái “mái bằng” của ông C.Auclair “sụp đổ”.

Chỉ cái “mái nhà” mà người Pháp quan tâm đến là do khí hậu nhiệt đới của Đông Dương mà đặc thù là nóng, mưa nhiều, độ ẩm cao thì việc giải quyết yếu tố này cho ngôi nhà là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên thời gian qua, một số kiến trúc Pháp có “mái nhà” ấy ở Huế đã bị phá dỡ để xây mới trong đó có cửa hàng Chaffanjon ở góc ngã sáu đường Hà Nội, Sở Bưu điện, Ngân hàng Đông Dương, biệt thự ở đường Lý Thường Kiệt… Có lẽ các cơ sở này có dấu hiệu xuống cấp hoặc đã hết niên hạn sử dụng nếu đối chiếu theo thời điểm xây dựng. Theo đánh giá của Tiến sĩ Trần Minh Đức, Viện Khoa học công nghệ xây dựng: “Đã thống kê được 200 nhà kiểu Pháp có trong TP Huế gồm đầy đủ các cấu tạo kiến trúc với các thời kỳ xây dựng khác nhau. Các nhà đều già cỗi, có tuổi thọ từ 50 đến hơn 100 năm. Do đó chúng mang rất nhiều “bệnh tật, thương tích” do thời gian và chiến tranh gây ra; suy thoái vật liệu (gỗ mục, tường mủn, vữa xốp, gạch bở), hư hại kết cấu (nứt do quá tải, lún hoặc do tác động nhiệt ẩm), trầm trọng nhất là hiện tượng thấm dột xảy ra ở hầu hết các công trình. Hiện tại chúng khó đáp ứng chức năng của mình, đặc biệt là các khu phụ. Các công trình này có thể gia cố toàn bộ kết cấu, cải tạo không gian nội thất và bổ sung thiết bị”. Theo Nhật ký nghiên cứu Huế của chúng tôi, đề ngày 7/12/1998 - khảo sát và chụp ảnh nội thất kiến trúc Pháp, nay là trụ sở Tòa soạn Tạp chí Sông Hương: ngôi biệt thự này kiến trúc chỉ một tầng trệt, trần nhà được làm bằng trấu, rơm và vôi trộn lại. Trải qua thời gian dài, nhiều mảng trần đã bị bong tróc, rơi xuống, mái bị thấm dột. Còn khách sạn Morin khi cải tạo nâng cấp trên cơ sở kiến trúc cũ, chúng tôi thấy có “cấy” thêm trụ bê tông cốt thép vào từng khối phòng tạo thêm vững chắc và lâu bền của công trình.

Mới đây, qua khảo sát của chúng tôi thì ngôi nhà có kiến trúc kiểu Pháp ở 29 Đào Duy Anh có dấu hiệu xuống cấp, hệ mái thấm dột nặng. Ở Bảo tàng Văn hóa Huế, nhà làm việc 2 tầng thì phần cầu thang gỗ một số bậc bị hỏng, mũi bậc cấp bọc đồng bị bong tróc. Phần sơn tường trong nhà đã bị bẩn. Một số cửa đi, cửa sổ bằng gỗ bị mối mọt, mủn mục một phần. Luật Di sản văn hóa Việt Nam năm 2001, điều 8 quy định: Mọi di sản văn hóa có xuất xứ trong nước hoặc từ nước ngoài đều cần được bảo vệ và phát huy giá trị. Được biết, trụ sở Tạp chí Sông Hương đang lập dự án sửa chữa nội thất, làm lại mái, hệ thống điện…

Kiến trúc Pháp ở Huế là một catalogue kiến trúc Đông Dương mang phong cách của nhiều vùng miền nước Pháp mà trong đó có nhiều loại hình nghệ thuật với ngôn ngữ riêng của nó; và chúng đã cấu thành một bộ phận không thể tách rời đối với di sản kiến trúc của Huế. Thiết nghĩ ngành du lịch nên có kế hoạch quảng bá về loại hình du lịch di sản kiến trúc này.

Hồ Vĩnh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương

Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một sự kiện lớn của Thừa Thiên Huế. Sự kiện này mở ra cơ hội để Huế phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, còn ít doanh nghiệp (DN) có kế hoạch tận dụng bối cảnh này để phát triển, mở rộng quy mô.

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương
Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, sáng 31/10 đã diễn ra phiên thảo luận tại tổ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình, ủng hộ cao đối với Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (Đề án); đồng thời cho rằng, Huế xứng đáng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Đêm nhạc “Chút tình với Huế” sẻ chia các dự án cộng đồng

Ngày 28/10, ông Trần Xuân Vĩnh, Chủ tịch Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức gala thơ nhạc “Chút tình với Huế” thu về 600 triệu đồng nhằm sẻ chia các dự án cộng đồng tại quê hương.

Đêm nhạc “Chút tình với Huế” sẻ chia các dự án cộng đồng

TIN MỚI

Return to top